Gánh nặng của trẻ em Việt: vừa suy dinh dưỡng, vừa béo phì

Thứ Sáu, 10/11/2017, 17:08
Tại Hội thảo dinh dưỡng cho trẻ em từ 2 đến 6 tuổi do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 10-11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo gánh nặng kép về dinh dưỡng mà trẻ em Việt đang gặp phải là suy dinh dưỡng và béo phì.


Theo ông Trương Hồng Sơn- Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, muốn trẻ phát triển toàn diện, cần quan tâm tới yếu tố dinh dưỡng cho trẻ. Nhưng hiện nay yếu tố này vẫn chưa được các bậc phụ huynh hiểu đúng, dẫn đến tỷ lệ không nhỏ trẻ thừa cân, đồng thời, có một tỷ lệ lớn trẻ suy dinh dưỡng, tạo ra gánh nặng kép về dinh dưỡng ở trẻ.

Thống kê chưa đầy đủ của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, ở một số thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân có khoảng 100.000 cháu, trẻ thừa cân béo phì cũng xấp xỉ con số đó. Như vậy trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn gần như ngang nhau.

Bà Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nghiên cứu thực tế cho thấy khẩu phần ăn của trẻ trong độ tuổi 2 – 5 chưa đảm bảo đa dạng. Tỷ lệ năng lượng do protein cung cấp chiếm 16% nhưng protein động vật còn thấp, năng lượng do lipid < 25% ở một số vùng. Khẩu phần canxi còn thấp, tỷ số canxi/photpho mất cân đối và chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng như Vitamin A, Fe, Zn,….\


Nhiều chuyên gia về dinh dưỡng tham gia hội thảo.

Theo bà Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), tình trạng thừa cân béo phì ở tuổi học đường đang ở mức đáng báo động. Chưa kể, từ 2- 6 tuổi là độ tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở tất cả các thể (nhẹ cân, thấp còi, gầy còm). 

Bà Nhung cho biết thêm về hệ lụy của tình trạng trẻ béo phì: Kết quả điều tra trên 500 trẻ béo phì của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tỷ lệ rối loạn mỡ máu ở tuổi 6- 10 khá cao. Đái tháo đường cũng đang bị trẻ hóa nhanh chóng, cá biệt có bệnh nhân mắc đái tháo đường khi mới 8 tuổi.

Bên cạnh đó, ông Trương Hồng Sơn cũng cho rằng, Việt Nam cần đưa ra khuyến nghị bổ sung canxi cao hơn. Hiện phụ nữ Việt Nam sau tuổi 45 có nguy cơ loãng xương rất cao. Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng có khuyến nghị phụ nữ đến tuổi này uống sữa có bổ sung canxi và coi đây là giải pháp tốt. Nhưng đó chỉ là giải pháp phòng chống loãng xương, giảm mật độ xương. Do đó, chúng tôi đề nghị đẩy đỉnh xương của Việt Nam (vốn thấp so với thế giới) cao nhất là ở độ tuổi 20-25 để từ giai đoạn này, người Việt chú trọng đến bổ sung cho xương.

Dinh dưỡng cho trẻ là vấn đề lớn ở Việt Nam 

Tuy nhiên, nhiều bà mẹ tự ý bổ sung canxi không có sự tư vấn kỹ càng của các chuyên gia dinh dưỡng cũng rất nguy hiểm. Theo ông Sơn, cách bổ sung canxi an toàn nhất là bằng thức ăn. Với trẻ em, dùng canxi phải theo chỉ định, để không quá liều, không làm ảnh hưởng đến các vi chất khác trong cơ thể. Bổ sung đa vi chất tốt hơn đơn chất, đề phòng các vấn đề thiếu hụt khi có chất tăng đột biến. 

Nên bổ sung canxi theo khuyến nghị, người lớn không quá 500mg/lần, không quá hai lần/ngày. Nếu sử dụng liều canxi lớn, sẽ khiến cơ thể tự giảm hấp thu hoặc khi canxi bổ sung nhiều quá đến mô mềm, đến mạch máu làm ảnh hưởng xấu đến các bệnh lý về mạch, gây sỏi thận.

Điều được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo là Việt Nam cần các can thiệp ưu tiên giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và có giải pháp đặc thù cho từng vùng; đảm bảo chế độ ăn của phong phú, đa dạng, cân đối, giàu dinh dưỡng. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, khuyến khích trẻ tập luyện thể thao và hình thành những thói quen ăn uống tốt ngay trong giai đoạn này

Đối với trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi, cần cho trẻ sử dụng sữa có đậm độ năng lượng cao; có thể sử dụng một số sản phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, canxi và các vi chất dinh dưỡng khác nhằm góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng và tầm vóc của trẻ em Việt Nam.

Cần rèn luyện cho trẻ có chế độ luyện tập hợp lý như: Hoạt động thể chất ít nhất 60 phút/ngày thông qua hình thức đi bộ, bơi lội, ném bóng,…; hạn chế thời gian trẻ ngồi một chỗ xem ti vi, nghịch điện thoại, máy vi tính (dưới 2 tiếng/ngày); nên để trẻ tiếp xúc với tự nhiên nhiều hơn…

 “Dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể chất là nền tảng của sức khỏe, và cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ" - ông Trương Hồng Sơn khuyến cáo.


Thanh Hằng
.
.
.