Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp ngăn chặn dịch bệnh HIV
Ngày 29-5, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và PATH phối hợp tổ chức hội thảo sơ kết thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại Việt Nam.
- Hỗ trợ mua BHYT cho 100% bệnh nhân mắc HIV/AIDS điều trị ARV
- Khó khăn ngăn chặn HIV/AIDS trong giới trẻ
- Ra mắt Kênh Hợp tác Hỗ trợ Kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm có xu hướng giảm nhanh, thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và cộng đồng người chuyển giới lại tăng lên.
Đây là điều đáng lo ngại, đòi hỏi cùng với các can thiệp truyền thống như khuyến khích sử dụng bao cao su, cần có các lựa chọn can thiệp khác cho các nhóm đối tượng này. Một trong những can thiệp được WHO khuyến cáo là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (hay gọi là PrEP).
Các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đã chứng minh: Tuân thủ uống thuốc hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm tới trên 90%. Việt Nam mong muốn việc triển khai PrEP là một trong những giải pháp hiệu quả nhất trong dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm MSM. Hiện đã có gần 1.200 người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tham gia chương trình thí điểm Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bằng đường uống ở Việt Nam.
Bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Kết quả ban đầu của Dự án Thí điểm triển khai PrEP là bằng chứng giúp Bộ Y tế quyết định đưa PrEP vào Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS và dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV chính thức là một trong những biện pháp dự phòng HIV ở Việt Nam. Kết quả này cũng mở rộng việc triển khai PrEP, trước mắt ở 11 tỉnh thành phố với mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt được 5.610 người sử dụng PrEP và đến cuối năm 2020 đạt được 7.300 người”.
PrEP là viên kết hợp hai loại thuốc kháng virus, nếu dùng hằng ngày theo kê đơn, có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92% đến 99 % ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Từ năm 2015, WHO đã khuyến cáo sử dụng PrEP ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Theo một nghiên cứu do PATH thực hiện năm 2016, phần lớn trong số 799 nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ đều tự đánh giá bản thân có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng và chi trả cho PrEP, khi dịch vụ này sẵn có tại Việt Nam.