Bệnh viện Bạch Mai trao cơ hội làm cha mẹ cho 200 gia đình hiếm muộn

Thứ Tư, 17/05/2017, 16:50
Ra đời muộn hơn nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản trong cả nước, nhưng Đơn vị hỗ trợ sinh sản-Khoa Phụ sản của Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã nhanh chóng khẳng định mình khi chỉ sau 3 năm thành lập đã trao cơ hội làm cha mẹ cho 200 gia đình hiếm muộn.


Đặc biệt, nhiều trường hợp đã làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại tới 6, 7 lần ở nhiều nơi khác, thậm chí thất bại khi làm ở nước ngoài, cũng tìm thấy phép màu hạnh phúc khi đến đây. Tỷ lệ có thai sinh hóa thành công nhờ IVF đạt gần 60% - ngang với các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trong và ngoài nước.

Đó là chia sẻ của PGS. Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản, Phụ trách Đơn vị hỗ trợ sinh sản - BV Bạch Mai cho biết tại hội thảo khoa học về hiếm muộn tổ chức tại Hà Nội ngày 17-5.

Mặc dù ra đời muộn, nhưng Đơn vị hỗ trợ sinh sản lại thường đón nhận những ca rất phức tạp. Nhiều người đến điều trị khi tuổi không còn trẻ, có người đã gần 50 tuổi; có người buồng trứng đã suy kiệt; nhiều người bệnh tật hiểm nghèo… nhưng với đội ngũ bác sĩ giỏi, được đào tạo từ các nước có chuyên ngành hỗ trợ sinh sản giỏi trên thế giới, cùng với được đầu tư các trang thiết bị hiện đại,

Chị Nguyễn Bích Thủy vui mừng đón đứa con đầu lòng sau 8 lần làm IVF thất bại

Ngay sau khi thành lập vào tháng 12-2013, Đơn vị hỗ trợ sinh sản -Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên vào tháng 12-2014 cho một bà mẹ đã 44 tuổi, từng làm IVF nhiều lần không thành công. Tháng 12 -2014, người mẹ đó đã cùng các bác sĩ của Đơn vị đón đứa con đầu lòng, cũng là em bé đầu tiên của Đơn vị ra đời- một bé trai nặng 3,2 kg trong niềm vui khôn tả. 

Từ đó, số bệnh nhân đến với Đơn vị ngày càng tăng và kết quả thành công cũng tăng theo thời gian, khẳng định tay nghề và trình độ các thầy thuốc.

PGS. Phạm Bá Nha cho biết, trong số những người đã được làm cha mẹ nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại BV Bạch Mai, có nhiều cặp vợ chồng người Úc, Mỹ, Trung Quốc… như vợ chồng ông Charles (người Anh – vợ người Hồng Kông), hiện đang sống tại Hồng Kông. 

Ông Charles bị ung thư tinh trùng dị dạng nặng sau điều trị hóa chất và đã làm IVF ở Malaysia, Thái Lan nhưng không thành công. Đến khi tới BV Bạch Mai, vợ chồng ông mới sinh được một bé gái. Vì thế, gia đình đã gia hạn đông phôi và ông Charles cho biết tới đây, vợ chồng ông sẽ quay trở lại BV để có em bé thứ hai.

Niềm vui các các thầy thuốc khi một em bé trong gia đình hiếm muộn chào đời

Trong 3 năm qua, còn có nhiều ca hiếm muộn đặc biệt đã được các y, bác sĩ tại Đơn vị hỗ trợ trợ sinh sản thành công. Đó là chị Nguyễn Bích Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) đã 8 lần làm IVF thất bại ở nhiều nơi cho đến khi đến BV Bạch Mai mới được toại nguyện khi sinh được cậu con trai nặng 2,8 kg. 

Hay chị Nguyễn Thị Yến đã được đón đưa con đầu lòng ở 46 tuổi sau nhiều năm trông đợi. Một người chồng không có tinh trùng, đã điều trị 8 năm tại Mỹ vẫn thất bại, nhưng khi được các bác sĩ tại Đơn vị can thiệp, vợ chồng anh đã có một cặp sinh đôi kháu khỉnh.

Trường hợp một chị bị khuyết tật, tuổi đã gần 50 vẫn khao khát được làm mẹ cũng là một ca rất khó. Buồng trứng của chị bị suy kiệt nên rất khó khăn mới có được một trứng và cũng chỉ một phôi. Vì thế, trực tiếp thực hiện ca này, PGS. Phạm Bá Nha rất lo lắng. 

Nhưng với kinh nghiệm và tay nghề của PGS. Phạm Bá Nha, người phụ nữ đã được làm IVF thành công và kết quả là một cậu con trai kháu khỉnh ra đời. Một người phụ nữ khác đã làm IVF 5 năm ở nhiều nơi khác vẫn không thành công và ở đây, khao khát làm mẹ của chị mới thành hiện thực khi đầu tháng 5-2017, chị đã sinh một em bé.

Theo PGS. Phạm Bá Nha, thành công của Đơn vị là nhờ có đội ngũ y bác sĩ được tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản hàng đầu như: Pháp, Đức, Bỉ, Séc, Nhật, Úc, Hàn Quốc… lại có sự giúp đỡ của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia và nhiều chuyên gia quốc tế nổi tiếng. 

Đơn vị còn được BV đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống trang thiết bị đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng triển khai hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến: hệ thống theo dõi, giám sát phát triển phôi Primovision giúp cho việc lựa chọn phôi chuyển tốt nhất, tối ưu hóa các điều kiện chuyển phôi, làm tăng tỷ lệ thành công của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. 

Vì thế, Đơn vị đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mới nhất trên thế giới như ICSI; hỗ trợ thai thoát màng; nuôi cấy phôi ngày 5; PESA…

Những thành công của Đơn vị hỗ trợ sinh sản có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh vấn đề vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam đang rất nóng khi chiếm tới 7,7% số người trong độ tuổi sinh đẻ, nên nhu cầu thụ tinh nhân tạo ngày càng cao. Cũng theo PGS. Phạm Bá Nha, tỉ lệ vô sinh thứ phát cũng tăng lên do nhịp sống công nghiệp cuốn con người theo; ô nhiễm môi trường sống, thực phẩm bẩn; căng thẳng, stress làm rối loạn nhiều chức năng trong cơ thể…

Nguyên nhân vô sinh do đàn ông chiếm một nửa, nhưng điều trị cho đàn ông nam khó khăn hơn điều trị phụ nữ vì thuốc điều trị khó khăn, can thiệp khó, đặc biệt là đàn ông luôn tự hào về giới tính nên ngại đi gặp bác sĩ, dẫn đến điều trị muộn.  

Tuy nhiên, theo PGS. Phạm Bá Nha, vẫn còn nhiều khó khăn với các cặp vợ chồng khi thực hiện IVF khi có tới 17% cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn bỏ điều trị vì gánh nặng tâm lý, thể chất và vấn đề kinh tế.

Thanh Hằng
.
.
.