Lửa hạnh phúc thắp lại trong nhiều ngôi nhà hiếm muộn

Thứ Ba, 31/01/2017, 14:27
Nhờ những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), đã có hàng ngàn người thỏa nỗi khát khao được làm cha, làm mẹ sau nhiều năm vô vọng, để lửa hạnh phúc thắp sáng lại trong nhiều ngôi nhà từng có thời gian dài vắng tiếng trẻ thơ…


Hạnh phúc vỡ òa

Năm 2016 ghi những dấu ấn mới trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn ở Việt Nam, khi 3 bệnh viện (BV) tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ, BVĐK tỉnh Quảng Ninh và BV A Thái Nguyên đều lần đầu tiên có các em bé chào đời từ phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Tháng 11-2016, BV Bưu Điện đón đứa trẻ thứ 500 ra đời từ phương pháp TTTON. Cũng đã có hàng nghìn cặp vợ chồng được thực hiện TTTON thành công tại BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chưa kể số lượng tương tự ở BV Phụ sản Trung ương, BV Bạch Mai …

Trong những người lần đầu được làm cha, làm mẹ, có nhiều trường hợp rất đặc biệt, như phụ nữ đã 53-55 tuổi, hay những người đàn ông tinh trùng bất động 100%, hoặc bị liệt. Bởi thế, dễ dàng nhận ra niềm hạnh phúc dâng đầy trên gương mặt họ, trong nụ cười viên mãn bên những đứa trẻ bi bô vui đùa bên cạnh.

10 năm đằng đẵng làm vợ mà chưa được làm mẹ, chị Đinh Thị Hường, 57 tuổi, ở Hà Nội, đã phải chạy chữa khắp nơi, cả đông lẫn tây y, nhưng đều vô vọng. Thời gian cứ trôi đi vùn vụt, chị lại bị nhân xơ tử cung, nên hy vọng làm mẹ càng mong manh.

Nhưng rồi, trên hành trình đi “tìm con” ấy, chị đã được gặp những bác sĩ “mát tay” ở BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Mặc dù có không ít khó khăn, nhưng cuối cùng, chị toại nguyện. Vợ chồng chị được 2 cô con gái Tố Nga và Kim Ngân khỏe mạnh, chịu ăn chịu chơi.

Một người khác cũng được làm mẹ khi đã lớn tuổi là chị Trần Thị Phúc, 53 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội. Hai vợ chồng lấy nhau đã hơn 10 năm vẫn không sinh được con vì chị bị sảy thai nhiều lần, tuổi lại không còn trẻ nữa. Nhưng khao khát được làm mẹ khiến chị kiên trì chạy chữa ở nhiều nơi, uống đủ loại thuốc đông, tây y, song tiếc rằng vẫn không có kết quả.

Anh Đỗ Đại Dương bị liệt 2 chân chia sẻ hạnh phúc khi được làm cha.

Chị kể đã 2 lần tìm đến một BV phụ sản lớn để TTTON nhưng cả 2 lần đều không thành công, nên chị rất tuyệt vọng khi nghĩ rằng không còn cơ hội làm mẹ. Đúng lúc đó, chị được người bạn chỉ dẫn dến Trung tâm hỗ trợ sinh sản (HTSS) của BV Bưu Điện để tiếp tục thực hiện khát vọng của mình. Chị kể, ban đầu, khi đến BV Bưu Điện, chị cũng nghĩ chỉ là thử xem, chứ 2 lần làm ở BV lớn mà còn thất bại thì khó hy vọng. Nhưng được chồng động viên cùng ý nghĩ “còn nước còn tát” đã cho chị thêm quyết tâm.

Không thể nói hết niềm hạnh phúc của chị từ lúc sinh linh bé nhỏ cựa quậy trong bụng. Chị đã trào nước mắt vì vui sướng khi bác sĩ đặt vào tay chị đứa con bé bỏng bằng xương bằng thịt mà vợ chồng chị đợi chờ trong khao khát. Đến mức, giờ đây, mỗi lần bế con trên tay, đôi lúc, chị vẫn tưởng mình đang trong một giấc chiêm bao….

Anh Đỗ Đại Dương cũng từng nghĩ, việc được làm bố chỉ là một giấc mơ xa vời, bởi anh bị tai nạn năm 19 tuổi, liệt hoàn toàn 2 chân. Mãi 36 tuổi anh mới lập gia đình. Nhưng các bác sĩ ở nhiều BV mà anh đi khám đều cho biết, trường hợp của anh rất khó có con, có thể nói là vô vọng. Dẫu biết bệnh tình của mình khá đặc biệt, nhưng cả 2 vợ chồng anh đều quyết tâm điều trị. Năm 2012, anh tìm đến các bác sĩ ở BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Anh kể, anh không thể tin được khi ngay trong lần thực hiện TTTON đầu tiên, vợ chồng anh đã thành công. Cô con gái 4 tuổi tung tăng bên bố mẹ là minh chứng của tình yêu, của hạnh phúc gia đình và cũng là minh chứng của sự thành công trong khoa học.

Gần 20 năm chạy chữa vô sinh, tuyệt vọng và hy vọng luôn song hành, để rồi, chị Đinh Thị Bích Thủy (Hà Nội) đã òa khóc trước hạnh phúc quá lớn ào tới khi ngày 11-2-2015, chị đã được làm mẹ. Chị kể lại trong niềm vui ngập tràn: Vợ chồng chị đã chạy chữa nhiều năm, nhưng đều thất bại. Cho đến khi chị tìm đến BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, dù cũng chỉ hy vọng mong manh, nhất là khi lần đầu thực hiện TTTON thất bại. Nhưng đến lần thứ 2 thì ước mơ thành hiện thực. Chị nghẹn ngào: Các bác sĩ là người tái tạo hạnh phúc gia đình cho tôi…

Hiếm muộn gia tăng và trẻ hóa

Nếu biết về tình trạng hiếm muộn ở Việt Nam hiện nay, sẽ hiểu được ý nghĩa của sự thành công trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn, cũng như niềm hạnh phúc của những cặp vợ chồng hiếm muộn khi được làm cha mẹ.

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tỉ lệ vô sinh chiếm 6%-12%, trong đó, khu vực châu Á -Thái Bình Dương có tỷ lệ cao nhất. Một nghiên cứu của Bộ Y tế cũng chỉ ra, tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tới 7,7%, tức là cả nước có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh.

Bác sĩ Thu Hiển, Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đang thực hiện một ca chuyển phôi.

Trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Có những vùng, tỷ lệ vô sinh còn cao hơn, như Hà Nội 13%, Khánh Hòa gần 14%. Đáng báo động khi khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh dưới tuổi 30.

Tại BV Phụ sản Trung ương, BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội mỗi ngày có hàng trăm cặp vợ chồng tới tư vấn, điều trị hiếm muộn. Riêng Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y) mỗi năm tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 10.000 lượt người vô sinh, đa số ở độ tuổi 25-32. Từ đầu năm 2016 đến nay, BV Bưu Điện đã khám và tư vấn cho trên 1.000 cặp vợ chồng hiếm muộn, HTSS cho gần 500 cặp, mỗi ngày có tới trên 100 bệnh nhân đến khám và điều trị vv…

Mặc dù tỉ lệ hiếm muộn cao, nhưng rất ít cặp vợ chồng biết về các yếu tố nguy cơ cũng như sự thật về khả năng sinh sản. Theo một khảo sát về sinh sản trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì nhận thức hạn chế đó là một nguyên nhân dẫn đến nhiều cặp vợ chồng điều trị muộn. Nhiều người không biết việc phát hiện càng sớm khả năng chữa trị càng cao, chi phí điều trị cũng giảm.

Ở Việt Nam, rất nhiều cặp vợ chồng không có thói quen khám sức khỏe tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng hiếm muộn, vô sinh. Vì thế, có tới 72% phụ nữ không nghĩ rằng mình bị hiếm muộn dù sau 6 tháng cố gắng thụ thai không có kết quả. Có tới 83% phụ nữ không nghĩ rằng chồng mình có khả năng vô sinh và gần 60% phụ nữ không biết đàn ông có thể vô sinh dù vẫn sản xuất được tinh trùng.

Theo các chuyên gia, vô sinh và hiếm muộn tăng cao là do nhiều yếu tố, trong đó có ô nhiễm môi trường, thức ăn chứa nhiều hóa chất độc hại, quan hệ tình dục thiếu an toàn dẫn tới nhiều phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục, nạo hút thai, sảy thai, có thai ngoài tử cung.

Thống kê cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ nạo phá thai cao trên thế giới với 32% phụ nữ từng nạo phá thai, tức khoảng 1 triệu ca/năm. Còn đối với nam giới, bất thường về tinh trùng chiếm tới 90% số ca vô sinh, cùng với đó là áp lực công việc, cuộc sống và nhất là ảnh hưởng của rượu bia, thuốc lá.

Nhân lên hy vọng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tình trạng vô sinh và hiếm muộn đang là thách thức lớn với ngành sản khoa, nhưng những tiến bộ trong lĩnh vực HTSS đã tạo cơ hội cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn được có con. Cả nước đã có hơn 10 cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép điều trị hiếm muộn.

Hầu hết các cơ sở đều đã thực hiện thành công các phương pháp: tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương trứng, chuyển phôi đông lạnh, đặc biệt là mới đây, BV Bưu Điện đã xử lý thành công tinh trùng bất động 100% bằng HOT-TES, biến ước mơ làm bố thành hiện thực, hay đông trứng thành công, tạo cơ hội cho phụ nữ hiện đại có thể làm mẹ bất cứ khi nào họ muốn.

Đặc biệt, khả năng điều trị thành công hiếm muộn của các cơ sở y tế trong nước không hề thua kém các nước phát triển, với tỷ lệ thành công từ 35-40%, thậm chí nhiều BV còn đạt tỉ lệ 50%. Đặc biệt là chi phí điều trị ở nước ta rất thấp so với ở nhiều nước.

Những điều này là cơ sở sẽ giúp cho bao ngôi nhà hiếm muộn vang lên tiếng nói cười của trẻ, để mùa xuân mãi mãi ở trong ngôi nhà của họ. 

Thanh Hằng
.
.
.