Bệnh dịch diễn biến phức tạp không riêng ở Việt Nam
- Khẩn trương vào cuộc để "hạ nhiệt" bệnh sởi và tay chân miệng
- 53.500 ca mắc tay – chân – miệng, 6 trường hợp tử vong
- Nguy cơ bùng phát dịch sởi rất lớn
- Các địa phương cần tăng cường đối phó với dịch sởi
- Dịch sốt xuất huyết giảm, nhưng số bị nặng còn nhiều
- Cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát sau mưa lũ
Tuy nhiên, số ca mắc TCM diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh phía nam và miền Trung, còn bệnh sởi và SXH lại gia tăng ở miền Bắc, khiến nhiều người lo ngại về việc “dịch chồng dịch”.
Ông Nguyễn Đức Khoa - Phó Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà hiện nay, dịch bệnh trên thế giới cũng diễn biến rất phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bệnh sởi đang gia tăng ở nhiều nước, đặc biệt là châu Âu. Dịch TCM cũng gia tăng ở châu Á và Đông Nam Á và SXH thì lan rộng ở Đông Nam Á.
Giải thích về việc ở Việt Nam cả 3 bệnh này cùng tăng vào một thời điểm, ông Khoa cho biết cả 3 bệnh đều do virus gây nên. Nhưng có hai bệnh phát triển mạnh vào mùa đông xuân là TCM và sởi, do không khí lạnh thích hợp cho bệnh phát triển.
Bệnh SXH phát triển mạnh vào mùa mưa, thời điểm muỗi vằn truyền bệnh phát triển. Vì thế mùa đông xuân, thời tiết lạnh, muỗi truyền bệnh không phát triển được nên ở miền Bắc, bệnh SXH sẽ giảm. Còn ở miền Nam và Tây Nguyên, đang là mùa mưa nên bệnh dễ phát triển.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết ở BV Bạch Mai |
Trước sự băn khoăn về số ca mắc TCM chủ yếu ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… và đã có 6 ca tử vong, liệu có phải vì dịch năm nay có gì khác, ông Khoa cho hay: Thực tế thì dịch TCM có ở tất cả các địa phương chứ không phải chỉ ở miền Nam. Song gần đây dịch có gia tăng ở một số tỉnh phía Nam, nên ngoài nhìn nhận điều kiện tự nhiên làm tác nhân gây bệnh phát triển, ngành y tế cũng đang xem xét điều kiện kinh tế, xã hội đặc thù ở những khu vực này.
“Bệnh TCM thường phát triển quanh năm và có hai đỉnh dịch vào tháng 6 và tháng 11. Với bệnh truyền nhiễm thường xảy ra ở khu vực đô thị hóa nhanh, có nhiều công trình xây dựng, nhà trọ của học sinh, sinh viên, công nhân và dịch bệnh sẽ khó kiểm soát hơn do điều kiện sống tạm bợ, không được quan tâm về vệ sinh môi trường, như các KCN Đồng Nai, Bình Dương.
TS.BS. Nguyễn Văn Lâm -Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, cho biết, thời gian qua BV Nhi đã có nhiều bệnh nhân bị TCM và sởi nhập viện. Tuy nhiên, một tháng gần đây, bệnh TCM tăng hơn so trước và tình trạng bệnh bị nặng cũng tăng hơn. Do được chăm sóc và điều trị tốt nên ở BV Nhi Trung ương chưa có ca nào bị tử vong. Với số ca bệnh nhập viện hiện nay, không có gì bất thường vì đều được điều trị khỏi.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm: Các BV tỉnh đã được chuyển giao công nghệ rất tốt và BV Nhi Trung ương thông qua hội chẩn từ xa bằng điện thoại thông minh có hình ảnh nên đã giúp các BV tuyến dưới cứu sống được nhiều bệnh nhân. Có bệnh nhân nếu để lại các bác cấp cứu thì sống nhưng lại đưa lên tuyến trên, dẫn tới bệnh nhân bị nặng hơn, lên tới BV Trung ương thì đã quá muộn.
Rất nhiều người dân băn khoăn khi do công việc, không thể không đưa trẻ đến trường và do đó trẻ rất dễ lây bệnh từ các bạn. Vì thế họ muốn được tiêm vaccine cho con để phòng bệnh.
TS. Nguyễn Văn Lâm cho biết hiện chưa có vaccine phòng bệnh TCM và SXH, chỉ sởi mới có vaccine. Với những bệnh đã có vaccine phòng bệnh thì cách phòng hiệu quả nhất là đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch. Còn những bệnh chưa có vaccine như TCM hay SXH, cách phòng tốt nhất là giữ vệ sinh sạch sẽ cho cá nhân và môi trường sống.
Khi trẻ đã mắc TCM có bị lại hay không?
Theo TS. Nguyễn Văn Lâm, TCM có rất nhiều tuýp virus gây bệnh, như EV71 gây bệnh rất nặng nhất, rồi còn A16 và các loại khác nữa, nên một người đã bị nhiễm một loại virus TCM rồi thì chỉ có khả năng miễn dịch với loại virus đó thôi, chứ không miễn dịch với các loại virus khác.
Ví dụ, đã bị nhiễm EV71 rồi thì chỉ miễn dịch với EV71 nhưng vẫn có thể bị mắc TCM nếu do chủng A16 gây bệnh. Vì vậy, có thể bị mắc TCM nhiều lần với nhiều chủng virus khác nhau. Cũng giống như SXH, có 4 tuýp virus nên bệnh nhân có thể mắc tới 4 lần. Còn với sởi thì đã có vaccine nên ai đã tiêm phòng rồi thì sẽ không bị lại, trừ những trường hợp đặc biệt. Hiện các nhà khoa học đang cố gắng đưa ra vaccine phòng bệnh TCM trong thời gian sớm nhất.