Đi khám sớm để tránh nhầm ung thư đại trực tràng thành bệnh trĩ

Thứ Bảy, 23/11/2019, 20:08
Trong gần 100 người tới khám, tư vấn miễn phí đại trực tràng, tầng sinh môn sáng 21/11 tại BV Hữu nghị Việt Đức, nhiều người trong số đó có thói quen ngồi nhiều giờ trên máy tính hoặc chơi game trên điện thoại nên dễ mắc bệnh trĩ.

BSCKII Phạm Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng, tầng sinh môn, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh đại trực tràng, tầng sinh môn ngày càng trẻ hóa do thói quen sinh hoạt. Trước đây, bệnh lý này hay gặp ở tuổi trung niên, nhưng giờ gặp nhiều ở người trẻ do ngồi sử dụng điện thoại, máy tính trong nhiều giờ, ít vận động.

Những người theo chế độ ăn kiêng ít tinh bột, nhiều đạm cũng dễ mắc bệnh do vài ngày mới đi ngoài một lần. Trẻ em mải chơi lười đi vệ sinh, một số em ngại nhà vệ sinh trường học bẩn đã "nhịn", lâu ngày thành táo, dẫn tới giãn đại tràng và chảy máu khi đi vệ sinh.

Anh N.V.C (Hà Nội) cho biết, do công việc nên mỗi ngày anh thường ngồi từ 13 đến 14 giờ trên máy tính và thường xuyên đi ngoài ra máu. Trong khi chờ bác sĩ chẩn đoán, anh C khá lo lắng bởi tình trạng của anh đã xảy ra thời gian dài. 

Theo BS Huyền, nhiều người bị hội chứng ruột kích thích, cứ ăn vào lại đi ngoài, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí có bệnh nhân phải điều trị thêm bệnh trầm cảm.

Bác sĩ Huyền đang khám và tư vấn cho người bệnh

Mặc dù bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, áp xe- rò hậu môn… là bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến dai dẳng gây ra biến chứng nặng nề như thiếu máu, viêm tấy lan tỏa tầng sinh môn, nhiễm trùng máu gây nguy hiểm đến tính mạng, làm cho người bệnh mất tự tin, giảm chất lượng cuộc sống.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng, tầng sinh môn, triệu chứng bệnh trĩ và dấu hiệu ban đầu của ung thư đại trực tràng rất giống nhau nên người bệnh cần phân biệt rõ các triệu chứng bệnh, khi có dấu hiệu bất thường, cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán chính xác để có phác đồ điều trị phù hợp.

Bởi trong quá trình thăm khám thời gian vừa qua, PGS Hùng đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng nhưng bị chẩn đoán thành bệnh trĩ, khiến cho quá trình điều trị không có kết quả.

Ung thư đại trực tràng cũng có dấu hiệu có lẫn máu trong phân, tuy nhiên, khác với bệnh trĩ, ung thư đại trực tràng thường tiết dịch nhầy, phân lỏng và nhỏ khi đi đại tiện. Ngoài ra, ung thư đại trực tràng uống kháng sinh không khỏi, người sút cân nhanh chóng.

 Với tâm lý bệnh ở vùng kín và không nguy hiểm nên người dân thường ngần ngại, chủ quan không đi thăm khám, đến khi đau đớn trầm trọng mới tìm đến bác sỹ bệnh đã diễn biến phức tạp, khiến cho quá trình điều trị khó khăn, kéo dài và tốn kém.

Để nhận biết bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng không hề đơn giản, do vậy, khi có dấu hiệu đi ngoài ra máu, táo bón hoặc tiêu chảy lâu ngày, người dân cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay.

 


Tr.Hằng
.
.
.