Đề nghị chuyên gia quốc tế hỗ trợ Hà Nội chống dịch sốt xuất huyết

Thứ Sáu, 25/08/2017, 20:22
Số người mắc sốt xuất huyết (SXH) hiện đã vượt qua 100.000 người, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2016, cùng với 26 trường hợp tử vong. Hơn 82.000 người đã nhập viện.


Đây là con số mới nhất về dịch SXH được Bộ Y tế cho biết tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 25-8 với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, tổ chức quốc tế, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì.

Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, số mắc tập trung cao nhất ở miền Nam, chiếm tới 53%, sau đó là miền Bắc với 29,1% và Tây Nguyên 3,2%. Trong đó Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số mắc cao nhất. Nhưng những tuần gần đây, nhiều tỉnh có số mắc tăng mạnh là Hà Nội, Nam Định, Phú Thọ, Bắc Giang.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hà Nội, 2 tuần qua, dịch SXH ở Hà Nội đang chững lại nhưng vẫn ở mức cao, một số quận giảm nhưng các quận Hà Đông, Thanh Trì. Thanh Oai, Nam Từ Liêm… lại tăng. 

Tuy nhiên, 22 máy phun công suất cao do các tỉnh hỗ trợ được trang bị cho 22 quận, huyện cùng 30 máy phun đeo Bộ Y tế hỗ trợ, đặc biệt là phun mù nóng ở các khu vực công trường đang phát huy hiệu quả. Nhưng hơn 1 triệu học sinh phổ thông nhập học cùng các trường Đại học trên địa bàn chiêu sinh trong tháng 9-2017 sẽ là những nguy cơ khiến số mắc SXH tăng cao.

Đại diện Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết để tránh quá tải và tập trung tốt cho việc chăm sóc các bệnh nhân SXH nặng, các BV quân y tuyến trên đã triển khai giảm tải về tuyến dưới. 

Bộ Quốc phòng cũng đã có văn bản triển khai từ quân y đến chỉ huy các đơn vị trong phòng chống dịch SXH cho cả bộ đội và nhân dân vì giúp nhân dân chính là để bảo vệ bộ đội. Bộ Quốc phòng cũng đã yêu cầu các đơn vị khởi động phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm.

Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là tại sao hóa chất phun mà không chết muỗi đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt ra tại cuộc họp. 

Ông Trần Như Dương, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Để hỗ trợ Hà Nội phòng chống dịch SXH, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đưa 20 cán bộ về các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Hà Đông trực tiếp giúp về kỹ thuật, chuyên môn …

Viện còn tiến hành xét nghiệm hơn 700 mẫu bệnh phẩm, đồng thời, phối hợp với Hà Nội xét nghiệm hơn 400 mẫu. Kết quả cho thấy, về cơ bản không dịch năm nay không có gì khác biệt. Viện cũng kiểm tra độc lập đánh giá kết quả trước và sau phun ở Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng và thấy trước khi phun chỉ số muỗi cao, sau phun 24h là không còn nhưng bọ gậy không được xử lý hết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các bộ ngành nhập cuộc thực sự để
ngăn chặn dịch SXH

Ông Dương khẳng định hiệu lực của thuốc diệt muỗi là tốt nhưng bọ gậy không được giải quyết triệt để nên có khi sau khi phun hóa chất vài tiếng lại có muỗi là do bọ gậy già nở ra, muỗi lại tràn vào sân vườn của nhà đã được phun và người dân tưởng do thuốc không hiệu quả. Diệt muỗi phải đi kèm với diệt bọ gậy và xử lý bọ gậy mới mang tính bền vững.

“Hóa chất Hantox Việt Nam hiện đang dùng là loại thuốc đầu bảng do WHO khuyến cáo các nước thành viên sử dụng trong phòng chống các bệnh do muỗi. Hóa chất đã được Cục Quản lý môi trường y tế kiểm tra chặt chẽ, đánh giá hiệu lực và tính an toàn, được Hội đồng các nhà khoa học đưa vào danh mục thuốc phòng chống các bệnh do muỗi. Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã đánh giá thực địa trong năm 2016 ở Hoàng Mai, Ba Đình và đều cho thấy kết quả đạt 98% và 98,7%, tức là hiệu lực tốt.” –Ông Dương nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng tại sao lại phun sương để tác dụng của thuốc không kéo dài như phun tồn lưu được một vài tháng, ông Dương cho biết không khuyến cáo phun tồn lưu mà phun sương để diệt muỗi ngay. Vì muỗi gây bệnh SXH không đậu vào tường như muỗi gây bệnh sốt rét để có thể phun tồn lưu.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không riêng Việt Nam mà nhiều nước cũng bị ảnh hưởng của dịch SXH. Tỉ lệ mắc mới tăng rất cao. WHO đưa ra 3 khuyến nghị cho Việt Nam để chống dịch SXH: Cần phối hợp liên ngành, như ở Singapore: Bộ Môi trường kiểm soát muỗi và làm thường xuyên từ trước khi có dịch. 

Bộ Xây dựng đóng vai trò quan trọng để kiểm soát vecto trong các công trình; Bộ GD&ĐT nâng cao nhận thức cho học sinh sinh viên. Khuyến nghị thứ 2 của WHO là sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương trong diệt muỗi và bọ gậy. Khuyến nghị thứ 3 là Việt Nam cần đầu tư cho dự phòng và kiểm soát SXH; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và cộng đồng.

WHO cam kết sẽ đồng hành với Việt Nam trong phòng dịch SXH, nhưng từng cá nhân phải tự bảo vệ mình là rất quan trọng.

Đại diện của CDC Hoa Kỳ cho rằng, riêng Bộ Y tế sẽ không thể phòng chống SXH mà phải có các ngành và có nguồn lực. Phối hợp đa ngành và nhiều biện pháp để kiểm soát nguồn muỗi, bọ gậy là rất quan trọng. “Những gì cần làm Việt Nam đã làm hết và làm đúng. Nhưng quản lý SXH rất phức tạp và khó khăn. CDC cũng sẽ hỗ trợ hết mình cho Việt Nam phòng chống SXH” –đại diện CDC cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi các bộ ngành, nhất là Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT nhập cuộc mạnh mẽ hơn để ngăn chặn dịch. Hà Nội chú ý mùa nhập trường rất gần nên phải chạy đua với thời gian để kiểm soát dịch SXH. 

SXH vẫn tiếp tục gia tăng là chưa diệt hết bọ gậy, do các Đội xung kích chưa hiệu quả. 50% hộ gia đình chỉ cho phun tầng 1, 10-15% hộ gia đình từ chối phun là rất đáng lo ngại vì muỗi sẽ từ tầng trên bay xuống, từ nhà chưa phun bay sang nhà đã phun.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các chuyên gia của WHO và CDC hỗ trợ cho Hà Nội để khống chế dịch SXH.

Đại diện nhiều bộ, ngành và tổ chức quốc tế dự hội nghị bàn về chống dịch SXH
Thanh Hằng
.
.
.