(CẢNH GIÁC) Đã có bệnh nhân nguy kịch do thủy đậu

Chủ Nhật, 13/05/2018, 16:58

Ngày 13-5, chỉ sau 2 ngày nhập viện do bệnh thủy đậu, bệnh nhân N.T.M (28 tuổi, trú tại Sơn La) đã rơi vào tình trạng rất nguy kịch do biến chứng, dẫn đến rối loạn đông máu toàn thân, suy đa phủ tạng bác sĩ cho biết có tiên lượng rất xấu.



Trước đó, ngày 11-5, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng ban dày, nốt phỏng to, rất mệt. Chẩn đoán bệnh nhân bị thủy đậu nặng nên bác sĩ đã chuyển vào Khoa Sốt rét ký sinh trùng. Tuy nhiên, chỉ sau nửa ngày, bệnh nhân đã có diễn biến nặng, bị rối loại đông máu trầm trọng nên được chuyển vào Khoa Cấp cứu.

Gia đình bệnh nhân cho biết, trước đó, bệnh nhân bị ốm sốt, đã tự ý mua thuốc về điều trị. Sau đó toàn thân nổi các nốt ban nhỏ nên chỉ nghĩ là do dùng thuốc tây nhiều, nên bị “nóng trong” chứ không nghĩ mắc bệnh thủy đậu. Sau ngày thứ 2, bệnh nhân mới nói với gia đình và được đưa vào Bệnh viện đa khoa Mộc Châu điều trị nhưng không đỡ, nên xin chuyển xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tính từ thời điểm bệnh nhân xuất hiện triệu chứng thủy đậu đến nay là 5 ngày.

Một bệnh nhân mắc thủy đậu

Trước đó, đã có hơn chục bệnh nhân thủy đậu vào điều trị tại Bệnh viện E, trong đó có 1 người bị biến chứng nặng. Ở Bệnh viện Bạch Mai, cũng có hàng trăm bệnh nhân mắc thủy đậu nhập viện, trong đó có hàng chục ca bị nặng. Đây là những cảnh báo về sự nguy hiểm của bệnh thủy đậu cũng như cần cảnh giác trước sự lây lan của căn bệnh này. 

Do thủy đậu là bệnh có khả năng lây lan cao, dễ bùng phát thành dịch. Tỷ lệ lây truyền thủy đậu giữa những người ờ chung nhà có thể lên đến 87%, cao hơn cả các bệnh nhân nằm cùng khoa, cùng phòng trong bệnh viện (70%). Nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2017, cả nước đã phát hiện gần 39.000 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 45,9% so với năm 2016. Ở những nước nhiệt đới, người lớn hay bị mắc bệnh nhiều hơn. Zona hay xảy ra ở người trung niên. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vaccine đều có thể mắc bệnh. Thông thường, người lớn bị mắc bệnh nặng hơn trẻ em. 

Bệnh nhân bị thủy đậu biến chứng với tiên lượng xấu

Sau khi mắc bệnh sẽ để lại miễn dịch lâu dài, ít khi mắc bệnh lần thứ hai ở những người suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, tái nhiễm thể ẩn thường hay xảy ra, có thể nhiễm virus tiềm tàng và bệnh có thể tái phát sau đó nhiều năm như bệnh zona ở 15% người già và đôi khi gặp ở trẻ em. 

Theo TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt hoặc có bệnh cảnh nền. Việc cho bệnh nhân thủy đậu kiêng nước, kiêng tắm, hoặc tắm nước lá khiến đã có những trường hợp bệnh nhân bị bội nhiễm do không đảm bảo vệ sinh.

Khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng bệnh thủy đậu là cần bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng không thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh không có miễn dịch, người suy giảm miễn dịch tránh bị phơi nhiễm bằng cách tiêm phòng vaccine. Khi trẻ đã bị mắc bệnh, cần cách ly trẻ ở nhà trong 7 ngày. Những trẻ có tiếp xúc với người bị thủy đậu cần cách ly 11 - 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Người lớn mắc bệnh không được đi làm, tránh tiếp xúc với những người khác. Đối với thủy đậu, tiêm vaccine  là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Hơn 90% người đã tiêm phòng sẽ tránh hoàn toàn được bệnh thủy đậu, khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng cũng chỉ ở mức độ nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), nhất là không gặp biến chứng.


Thanh Hằng
.
.
.