Biến chứng bệnh thủy đậu có thể dẫn tới tử vong

Thứ Tư, 04/04/2018, 08:13
Mùa hoa xoan là khi bệnh thủy đậu bùng phát, trẻ đã tiêm phòng thủy đậu vẫn có thể mắc bệnh, vì vậy phòng ngừa để tránh lây lan bệnh trong cộng đồng là vô cùng quan trọng. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, do virus gây ra, tuy là bệnh lành tính nhưng có khả năng biến chứng nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.


Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) thường xuyên tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi mắc thủy đậu có biến chứng. Từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận và điều trị cho hơn 40 ca thủy đậu có biến chứng.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi. Do vậy phụ huynh cần biết về căn bệnh này để phòng ngừa lây nhiễm cho con với các thành viên trong gia đình (nhất là nhà có trẻ nhỏ) và cộng đồng.

Đặc biệt, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. BS Lâm cũng khuyến cáo đặc biệt với phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Khi thấy trẻ bị thủy đậu mệt mỏi, co giật phải đưa đến ngay cơ sở y tế để tránh biến chứng.

Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nó lại biến chứng nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong, do vậy phụ huynh không nên chủ quan mà có những hiểu lầm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trẻ vào nhập viện tại Khoa Truyền nhiễm khi đã biến chứng viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm gan…

Có trường hợp đưa đến viện muộn, khả năng cứu chữa rất khó khăn. Chăm sóc con tại Khoa Truyền nhiễm, chị Nguyễn Thị L (ở Phú Thọ) rơm rớm nước mắt cho biết, con trai chị 3 tuổi bị mắc thủy đậu. Thấy con sốt, nổi các nốt phỏng, đoán con bị thủy đậu chị đã tự đi mua thuốc bôi cho con. Sau 5 ngày sốt cao, con có biểu hiện ngày càng mệt mỏi chị mới cho đi viện. Phát hiện bệnh tiến triển nặng, con chị đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo BS Lâm thì bệnh thủy đậu có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Đặc biệt là viêm phổi do thủy đậu, tuy ít xảy ra nhưng rất nặng và rất khó trị. Viêm não do thủy đậu cũng xảy ra, không hiếm với các triệu chứng như sau: trẻ bỗng trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể mang di chứng thần kinh lâu dài như bị điếc, chậm phát triển, động kinh…

Để tránh biến chứng để lại hậu quả đáng tiếc thì theo lời khuyên của bác sĩ, phụ huynh cần phải chăm sóc trẻ đúng cách, đặc biệt phải cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn để tránh lây lan cho người khác. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu phải đeo khẩu trang, khi tiếp xúc xong phải rửa tay bằng xà phòng. Tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài. Nếu thấy trẻ khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Theo BS Lâm thì cách phòng ngừa bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vaccin. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc thủy đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm phòng. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.

Trần Hằng
.
.
.