Giám đốc bệnh viện kêu gọi nhân viên hiến máu cứu bệnh nhân đang mổ
- BV Xanh Pôn cấp cứu một ca tai nạn đa chấn thương
- BV Xanh Pôn đặt thành công Catherter vào đường tĩnh mạch chủ
- BV Xanh Pôn điều trị thành công gãy liên mấu chuyển xương đùi ở người già
- BV Xanh - Pôn Hà Nội lần đầu tiên nối liền bàn tay phải bị cắt rời
Chiều 4-1, sau trận nhậu thì xảy ra cãi cọ, anh Tuấn bị bạn đâm 3 nhát vào bụng, chảy máu dữ dội. Mọi người vội đưa anh vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Sóc Sơn.
Các bác sĩ xác định anh bị tổn thương bên trong rất nghiêm trọng: Toàn bộ tá tràng bị đứt làm đôi, đầu tụy bị rách, dạ dày bị xuyên thủng, động mạch vành vị bị đứt và chảy máu dữ dội, nhánh phải tĩnh mạch gan cũng bị đứt rời, cơ hoành bị thủng gây tràn máu tràn khí màng phổi cả hai bên.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, BS. Tạ Văn Sứng - Giám đốc BV lập tức quyết định chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ, chứ không chuyển viện.
Các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu sống người bệnh. Chỉ có 15 phút kể từ lúc bệnh nhân nhập viện cho đến khi mở ổ bụng. Ngay khi cho chuyển bệnh nhân lên phòng mổ, BS. Sứng đã gọi điện qua đường dây nóng, xin viện trợ khẩn cấp một ê kíp phẫu thuật và hồi sức cấp cứu từ BV Xanh Pôn. Luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới nên lãnh đạo BV Xanh Pôn cũng lập tức điều động một ê kíp phẫu thuật và hồi sức cấp cứu khẩn trương lên đường.
Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch (ảnh chụp chiều 12.1) |
Phụ trách ê kíp phẫu thuật là BS. Ôn Quang Phóng, ê kíp gây mê hồi sức là BS. Vũ Văn Khâm. Cả hai bác sĩ đều bất ngờ, bởi họ hiểu với ca bệnh khó như thế thì ngay ở những BV lớn cũng sẽ không dễ dàng gì. BS. Ôn Quang Phóng kể lại: Hiểu rõ sự nguy cấp của bệnh nhân nên trên đường đi, chúng tôi liên tục trao đổi qua điện thoại với các bác sĩ của BVĐK Sóc Sơn để tư vấn.
Nhờ đó chúng tôi biết được bệnh nhân bị tổn thương mạch máu vùng cuống gan và cần những dụng cụ chuyên sâu mà BVĐK Sóc Sơn không có. Vì vậy chúng tôi lại gọi về BV Xanh Pôn, để 1 xe cấp cứu khác tiếp tục mang dụng cụ phẫu thuật, chỉ khâu mạch máu cùng chúng tôi cấp cứu cho người bệnh.
BS. Vũ Văn Khâm cho biết thêm: Chạy đua với thời gian, chúng tôi đến nơi lúc 19h, tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch, mất máu quá nhiều, huyết áp tụt, tối đa còn 40-50mmHg. Ba nhát đâm của con dao gọt hoa quả vào ngực và bụng gây tổn thương bên trong rất nặng nề, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được xử lý kịp thời. May mắn là các bác sĩ ở BVĐK Sóc Sơn đã xử lý rất chuyên nghiệp, căn bản đã giải quyết được các tổn thương.
Với sự tận tâm hết mình của các thầy thuốc BVĐK Sóc Sơn, sự hỗ trợ rất kịp thời của các bác sĩ BV Xanh Pôn, các mạch máu bị đứt đã được nối lại, các tổn thương khác cũng được xử trí. Đợi đến nửa đêm, khi tình trạng bệnh nhân tạm ổn định, các bác sĩ mới quyết định chuyển anh Tuấn về BV Xanh Pôn để tiếp tục hồi sức.
Có một câu chuyện hết sức cảm động về tấm lòng của những người thầy thuốc trong thời gian cấp cứu bệnh nhân ở BVĐK Sóc Sơn. Đó là trong suốt 3 tiếng phẫu thuật, anh Tuấn phải truyền tới 10 đơn vị máu. Bình thường, lượng máu này được lấy từ ngân hàng máu ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Nhưng trường hợp tối cấp cứu như của anh Tuấn do tình trạng mất máu quá nặng nên anh Tuấn không thể đợi chờ máu từ ngân hàng. BS. Sứng đã khẩn trương thông báo cho tất cả các khoa phòng, kêu gọi nhân viên tình nguyện đến làm xét nghiệm, để có nhóm máu AB hỗ trợ bệnh nhân. Các thầy thuốc vội tạm ngừng công việc, dồn về khu xét nghiệm để thử máu. Nhưng chỉ có 2 người cùng nhóm máu với người bệnh.
Người lái xe cứu thương của BV nghe tin bệnh nhân cần máu AB cũng đến xét nghiệm và may mắn cho bệnh nhân khi anh có nhóm máu hiếm AB. Một phụ nữ đi chăm bệnh nhân, khi biết anh Tuấn đang cần truyền số lượng máu lớn, lại thuộc nhóm máu hiếm, cũng tình nguyện hiến máu. Thêm một lần may mắn khi chị cũng thuộc nhóm máu AB.
Để giành giật được sự sống, anh Nguyễn Văn Tuấn và các bác sĩ của 2 BV đã phải đi một chặng đường rất dài và vô cùng khó khăn khi luôn phải vật lộn với tử thần. Chỉ có những tấm lòng nhân ái, giàu hy sinh, tận tụy cùng với trình độ tay nghề của những người thầy thuốc, thì những ca bệnh đã ở ranh giới mỏng manh với tử thần như thế này mới có thể vượt qua được.