Cứu sống bé trai 2 ngày tuổi mang bệnh cực kì hiểm nghèo, hiếm gặp

Thứ Hai, 06/02/2017, 16:27
Được xác định mang căn bệnh "bướu máu toàn thân", tính mạng của bé trai (cân nặng 2,5kg) là con đầu lòng của một sản phụ ngụ tại TP. Hồ Chí Minh đã rơi vào tình trạng rất nguy kịch nhưng đã được các bác sĩ bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 cứu mạng ngay trong những ngày Tết vừa qua. 

Bé trai trên sinh vào ngày 31-1 (ngày mùng 4 Tết Nguyên Đán). Tuy nhiên, ngay sau sinh ít giờ, trên cơ thể bé đã xuất hiện các bướu máu lan từ mặt ra khắp toàn thân. Đặc biệt, ở vùng đùi phải có khối bướu máu phát triển rất nhanh mà các BS đã ví nó như một hồ chứa máu lớn hay nói khác, là như một "con quái vật" hút dần máu trong cơ thể của bé.

Bé trai đang được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi đồng 1.
Trước tình trạng nguy kịch, bé trai nhanh chóng được chuyển khẩn cấp tới BV Nhi Đồng 1 vào ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán. BS Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh BV Nhi Đồng 1 cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, BV đã thông báo hội chẩn toàn BV với sự tham gia của hầu như các Chuyên khoa trong BV. 

Đối chiếu các kết quả kiểm tra cho thấy, tiểu cầu và các yếu tố rối loạn đông máu trong cơ thể bé xuất hiện trầm trọng, tiểu cầu giảm gây nên hiện tượng chảy máu, kèm xuất huyết não. Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhi khiến bé có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. 

Tuy nhiên, việc tìm nhóm máu phù hợp cho bệnh nhi là việc vô cùng khó khăn bởi cơ thể bệnh nhi mới 2 ngày tuổi, máu truyền buộc phải là nguồn máu mới, và phải phù hợp với cả mẹ và trẻ để tránh phản ứng do bất đồng nhóm máu.
BS Phạm Thị Thanh Tâm-Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi Đồng 1 thăm khám cho bé trưa ngày 6/2.

Tìm được máu truyền đạt yêu cầu, nhưng, khối bướu máu ở đùi bé như một hồ chứa lớn, nên truyền cho bé bao nhiêu, thì cũng có bấy nhiêu máu bị hút về khối bướu này. Lượng máu bị mất của cháu vẫn ở mức rất cao. Ê kíp hội chẩn toàn BV lại "vắt óc" suy nghĩ cách giải quyết.

Phương án lúc đầu là các bác sĩ sẽ bịt các mạch đang đưa máu vào nuôi khối bướu, nhưng do các mạch máu nhiều, không thể xử lý hết. Do đó, ê kíp quyết định phẫu thuật can thiệp. 

Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 h đã lấy trọn khối bướu máu khổng lồ. Ngay sau khi khối bướu được lấy ra, tình trạng chảy máu của bệnh nhi đã dừng lại, và không cần truyền thêm đơn vị máu nào, tình trạng xuất huyết não do rối loạn chảy máu của bệnh nhi cũng dần cải thiện, đồng thời, trong ca can thiệp đã xử lý luôn cả căn bệnh tim bẩm sinh của bé.

Cho tới ngày 6-2, bệnh nhi vẫn đang được thở máy. Tuy nhiên, căn bệnh của bé có khả năng tái phát nên theo các BS, sau khi được xuất viện bé vẫn cần được theo dõi sát để phát hiện xử trí kịp thời.

H.Nga
.
.
.