Công cụ mới giúp bác sĩ chẩn đoán, điều trị bệnh đái tháo đường

Thứ Năm, 14/11/2019, 19:07
Toàn thế giới có 425 triệu người (20-70 tuổi) đang sống với đái tháo đường (ĐTĐ) vào năm 2017 và tại Việt Nam là 3,5 triệu người. Dự báo đến năm 2045, Việt Nam sẽ có 6,3 triệu người đái tháo đường.  

Tại Việt Nam, vào năm 2017 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh theo số liệu của IDF Diabetes Atlas, và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045.

Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế. Trong đó, phần lớn bệnh nhân không đạt được đầy đủ các mục tiêu điều trị. Số liệu cũng cho thấy cứ 10 bệnh nhân thì gần 6 người bị biến chứng do đái tháo đường. 

Người bệnh bị đái tháo đường biến chứng vào chân

Để giúp bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ đa khoa tuyến huyện và bác sĩ tuyến y tế cơ sở có công cụ tự tin hơn, thuận lợi hơn trong việc điều trị ĐTĐ, chiều 14/11, Bộ Y tế đã tổ chức giới thiệu công cụ ứng dụng công nghệ số “Ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường (Diabetes Journey)”.

Ứng dụng Diabetes Journey là một ứng dụng kỹ thuật số đơn giản trên điện thoại di động, được xây dựng dựa trên các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, các hướng dẫn liên quan được Bộ Y tế phê duyệt (như: hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ĐTĐ typ 2, danh mục thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc…). 

Kết quả khi ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường không chỉ là đưa ra chỉ dẫn về chẩn đoán khách quan mà còn đề xuất các lựa chọn điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ĐTĐ tại Việt Nam để bác sĩ quyết định lựa chọn.

Bộ Y tế ra mắt ứng dụng công nghệ số Hành trình bệnh đái tháo đường

 Ứng dụng với các tính năng tương tác của nó cải thiện việc học của các bác sĩ theo hướng dẫn tại Việt Nam và cuối cùng nâng cao sự tự tin của bác sĩ trong điều trị bệnh nhân ĐTĐ Typ 2.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết: "Đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm đang gia tăng tại Việt Nam, là gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình họ, đồng thời là gánh nặng kinh tế cho Chính phủ. Ứng dụng Hành trình cho bệnh ĐTĐ là một công cụ hữu ích cho các bác sĩ, đặc biệt là cán bộ y tế tuyến cơ sở, giúp họ hiểu rõ hơn khoa học về điều trị căn bệnh này".



Trần Hằng
.
.
.