Bệnh viện K lên tiếng về trường hợp cô giáo tử vong trong khi điều trị
- Bệnh viện K: Phẫu thuật khối u cực lớn cho bệnh nhi 4 tuổi
- “Phim hay – BÉ VUI” - Rạp chiếu phim thu nhỏ dành Bệnh nhi tại Bệnh viện K
- Bệnh viện K: Phẫu thuật thành công u Phyllode tuyến vú rất lớn
- Bệnh viện K khai trương hệ thống máy xạ trị hiện đại nhất Việt Nam
Ngày 30-9, cô giáo Trần Thị L., 45 tuổi đã tử vong tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ bởi thuốc cản quang tĩnh mạch không hồi phục trên bệnh nhân theo dõi ung thư cổ tử cung tái phát sau mổ 4 tháng tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Đây là thông tin chính thức về trường hợp bệnh nhân Trần Thị L, được Bệnh viện K đưa ra vào chiều 3-10.
Theo ông Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K, bệnh nhân Trần Thị L. bị mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IB1, đã được phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ và phần phụ tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An vào tháng 5-2017. Sau khi mổ được 4 tháng, bệnh nhân bị ra máu âm đạo, nên đã đến khám lại tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
Các bác sĩ nghi ngờ khả năng bệnh tái phát nên đã quyết định cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên để điều trị. Ngày 21-9-2017, bệnh nhân đã được Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chuyển tuyến cho đến Bệnh viện K với triệu chứng đau hạ vị kèm ra máu âm đạo bất thường, nghi tái phát, cần khám và xạ trị.
Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người đến khám, chữa bệnh ở BV K, cơ sở Tân Triều |
Ngày 28-9, sau khi bệnh nhân đến Bệnh viện K khám và chẩn đoán theo dõi ung thư cổ tử cung tái phát, các bác sĩ đã chỉ định làm xét nghiệm chỉ điểm khối u (định lượng CEA125, SCC, HE4), X-Quang phổi thẳng, siêu âm tử cung phần phụ, chụp cắt lớp vi tính bụng – tiểu khung thường quy (16 dãy) có tiêm thuốc cản quang. Bệnh nhân được tiêm thuốc cản quang Ultravist 80ml vào lúc 9h56’ ngày 29-9 tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện K, sau đó, bệnh nhân được theo dõi tại khoa.
Ít phút sau, vào 10h05’, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tức ngực, khó thở, da ngứa, mẩn đỏ và được bác sĩ chẩn đoán bị sốc phản vệ do thuốc cản quang/ung thư cổ tử cung đã phẫu thuật. Lập tức, bệnh nhân được xử trí tại chỗ và vận chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu sát bên cạnh.
5 tiếng sau khi được cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, da đỡ đỏ, xung huyết, còn tức ngực và được hội chẩn với kết luận tình trạng nặng, chưa thoát sốc, cần được duy trì điều trị và theo dõi sát. Chỉ định cận lâm sàng, công thức máu, khí máu, sinh hóa máu, điện tim đồ.
Trong đêm 29-9, bệnh nhân được theo dõi sát sao và trong đêm đó diễn biến khá ổn định. Tuy nhiên, vào 8h ngày 30-9 bệnh nhân đột ngột xuất hiện khó thở nhiều và được nhân viên y tế tiến hành cấp cứu hô hấp nhưng bệnh vẫn không cải thiện. Đến 9h30 thì bệnh nhân tử vong.
Sau sự cố này, Bệnh viện K đã tổ chức thăm hỏi, động viên và chia sẻ mất mát với người thân và gia đình bệnh nhân, đồng thời, hỗ trợ áo quan và vận chuyển thi hài bệnh nhân và người nhà về quê.
Bệnh viện cũng đã thành lập Hội đồng chuyên môn để kiểm thảo tử vong, rà soát các quy trình chuyên môn và thực hiện công tác pháp y để xác định nguyên nhân tử vong và kết quả chẩn đoán như đã nói là sốc phản vệ bởi thuốc cản quang tĩnh mạch không hồi phục trên bệnh nhân theo dõi ung thư cổ tử cung tái phát.