Chưa thể thay thế vaccine Quinvaxem
- Vẫn sử dụng vaccine Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng
- Bộ Y tế yêu cầu các điểm tiêm miễn phí vaccine Quinvaxem
- Đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong 1 trở lại ở trẻ em
PV: Thưa ông, sự thực về lợi ích của tiêm chủng vaccine Quinvaxem ở Việt Nam đã được chứng minh thế nào?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Quinvaxem là vaccine phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh viêm màng não/viêm phổi nặng do vi khuẩn Hib gây ra, nên chỉ cần một mũi tiêm đã có thể phòng được 5 bệnh cho trẻ em. Nghiên cứu lâm sàng đáp ứng kháng thể đối với vaccine Quinvaxem cho thấy tỷ lệ sinh kháng thể bảo vệ phòng bệnh sau khi tiêm 3 liều là 100% đối với bệnh bạch hầu, uốn ván; 98% đối với bệnh do Hib gây ra; 97% đối với bệnh ho gà và 94% đối với bệnh viêm gan B. Đây là vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng.
PGS.TS Trần Đắc Phu. |
PV: Trẻ có thể gặp phải những phản ứng thế nào sau tiêm chủng, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đối với vaccine Quinvaxem, do có thành phần ho gà toàn tế bào (giống vaccine DPT) nên các phản ứng nhẹ sau tiêm chủ yếu là đau tại chỗ tiêm, sốt cao, khóc dai dẳng… có thể lên tới trên 50% các trường hợp sau tiêm, song phần lớn sẽ tự khỏi sau 1-2 ngày.
Theo WHO, các phản ứng thông thường ở vaccine có chứa thành phần ho gà toàn tế bào cao hơn vaccine vô bào nhưng các phản ứng nặng là tương đương. Song cũng có ý kiến cho rằng, vaccine toàn tế bào có tính sinh miễn dịch tốt hơn. Tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem của Việt Nam là 4,5/1.000.000 liều, thấp hơn tỷ lệ cho phép của WHO là 20/1.000.000 liều.
Mặc dù sử dụng vaccine có thể gặp rủi ro, song mục đích của tiêm chủng là bảo vệ cộng đồng, nên nếu tỉ lệ phản ứng sau tiêm chủng nằm trong thống kê của WHO thì vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát. Nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn. Hiện nay, dịch bạch hầu đang bùng phát tại Lào do tỷ lệ tiêm phòng bệnh bạch hầu thấp tại nước này.
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ để phòng dịch bệnh bùng phát. |
PV: Nhiều phụ huynh giờ muốn cho con sử dụng vaccine dịch vụ. Nhưng vaccine đó có xảy ra tai biến không? Bộ Y tế có thay thế vaccine Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Nhiều người cho rằng vaccine Quinvaxem không an toàn và vaccine có chứa thành phần ho gà vô bào Infanrix Hexa (6 trong 1) hoặc Pentaxim (5 trong 1) tiêm dịch vụ là tuyệt đối an toàn. Nhưng, không có vaccine nào là an toàn 100% cả.
Bộ Y tế luôn mong muốn trẻ em Việt Nam ngày càng được tiêm nhiều loại vaccine thế hệ mới, an toàn và hiệu quả. Tuy vậy việc thay thế vaccine phải dựa trên các bằng chứng khoa học, chứ không thể xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng là thay thế ngay vaccine, mà phải tìm hiểu rõ vấn đề an toàn tiêm chủng, tính sinh miễn dịch của loại vaccine dự kiến thay thế. Tiếp đó là nguồn cung ứng vaccine và nguồn tài chính bảo đảm. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định vaccine mới thay thế sẽ không xảy ra tử vong.
Việc thay thế vaccine Quinvaxem bằng vaccine phối hợp chứa thành phần ho gà vô bào đã được đặt ra, tuy nhiên còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay nguồn cung ứng các vaccine này trên thế giới và tại Việt Nam rất khó khăn, không có để sử dụng, ngay cả trong tiêm dịch vụ. Vì các nhà sản xuất không có khả năng cung ứng đủ vì thay đổi quy trình công nghệ, địa điểm và kế hoạch sản xuất, do các nhà sản xuất không ưu tiên cung ứng cho các nước chưa đưa vaccine này vào tiêm chủng mở rộng, mà chỉ cung cấp cho các nước đã đặt hàng với số lượng lớn từ trước.
PV: Cảm ơn ông đã trao đổi!