Chiếc muỗng ở nhà trẻ tư suýt lấy mạng bé gái 1 tuổi

Thứ Hai, 16/01/2017, 17:27

Bé gái hơn 1 tuổi nhập viện trong tình trạng cổ sưng to, tính mạng bị đe doạ do tràn khí dưới da vùng cổ. Sau khi chụp CT, các bác sĩ phát hiện thực quản của bé bị rách một đoạn dài tới 7cm, gây áp xe trung thất. Tai nạn xảy ra cho bé trong giờ chơi ở một lớp giữ trẻ tư nhân thuộc tỉnh Phú Yên. 

Chiều 16-1-2017, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thông tin về trường hợp bệnh nhi trên và cho biết cháu đã được phẫu thuật, tạm thời ổn định nhưng vẫn phải theo dõi tình trạng nhiễm trùng vết thương. Điều đáng cảnh báo là qua trường hợp bị tai nạn này cho thấy, cần phổ biến những kiến thức sơ cấp cứu cho trẻ cơ bản cho các cô bảo mẫu hoặc người trực tiếp chăm sóc cho trẻ là vô cùng cần thiết.

Được biết, ngày 23-12-2016, bé N.N.P.D (16 tháng tuổi, quê Phú Yên) được gia đình đưa đến nhà trẻ tư nhân như mọi ngày. Đến 15h cùng ngày người giữ trẻ điện thoại thông báo cho người nhà đến đưa bé đi bệnh viện gấp vì bé khó thở, cổ sưng to, bé đau, sốt nhiều.

Bé D được BS Thế Huy thăm khám lại chiều 16-1.
Theo chị Nguyễn Thị T. (34 tuổi, mẹ của bé D.) thì người giữ trẻ nói rằng khoảng 10h sáng hôm đó có cho bé cầm chiếc muỗng cà phê để chơi, có thể do bé mới tập đi nên trong lúc chơi đã bị té ngã khiến chiếc muỗng đâm sâu trúng vào cổ họng. 

Thấy vậy, hoảng hốt, cô giữ trẻ do thiếu kinh nghiệm nên lập tức rút chiếc muỗng ra,thấy máu chảy cô tìm cách băng cho trẻ cầm máu và dỗ dành bé mà không biết rằng trong hoàn cảnh đó nên để nguyên chiếc muỗng và phải đưa cháu đi nhập viện ngay. 

Nguy hiểm hơn khi cho rằng lấy được chiếc muỗng ra thì bé đã ổn nên cô giữ trẻ tiếp tục cho bé D uống sữa, rồi tới khoảng 11 h trưa vẫn cho cháu ăn theo lịch của nhà trẻ. Tuy nhiên, bé D. ăn vào thì bị nôn ói, đến 15h thấy phần cổ họng bé sưng to, khó thở nên mới điện thoại báo cho chị T tới đón cháu về.
Bé D đã được cứu sống, ngồi chơi cùng cha mẹ tại bệnh viện Nhi đồng 1.

Chị T kể: Ngay khi nghe cô giáo  “thông báo, tôi lập tức đưa con đến BV tại Tuy Hoà-Phú Yên, sau đó chuyển tiếp lên BV tỉnh. Ở BV được 2 ngày, cổ con tôi vẫn sưng to, ăn vào lại ói ra hết, nóng sốt nên tôi xin chuyển thẳng bé đến BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh để điều trị.”.

Ngày 25-12, tại BV Nhi Đồng 1, bác sĩ kiểm tra và phát hiện bé D. có vết rách từ thực quản vùng cổ đến thực quản vùng ngực. Vết rách dài khoảng 7cm khiến tất cả thức ăn bị dồn ứ gây nhiễm trùng nặng tạo mủ, gây ép xe, tiên lượng tử vong cao.

Các trường hợp trẻ bị hóc dị vật vùng thực quản, bị muỗng, bị đũa đâm trúng cổ từ trước tới nay BV Nhi Đồng 1 cũng đã tiếp nhận, tuy nhiên theo BS Nguyễn Thế Huy-Phó khoa Tai mũi họng BV thì đây là trường hợp trẻ bị tổn thương vùng thực quản quá nặng, chưa gặp bao giờ!. 

Tổn thương khiến bé D. còn bị tràn khí dưới da, tràn khí vùng cổ, ngực, tràn dịch màng  phổi. Các bác sĩ phải phẫu thuật vùng cổ, lấy hết thức ăn ứ đọng, dẫn lưu dịch, đặc biệt phải thực hiện vệ sinh cổ họng liên tục suốt 10 ngày. Dù mỗi lần như vậy phải gây mê, để bảo vệ vết thương. Sau đó tiếp tục mở dạ dày qua da để truyền thức ăn, không thể truyền thức ăn vùng thực quản được, để vết thương không bị bất cứ tác động nào.

Sau gần 1 tháng điều trị, hiện tại sức khỏe của bé D. đã ổn định, vết mổ tiến triển tốt, vài ngày tới bé có thể xuất viện để về nhà đón Tết. BS Huy cũng rất vui cho biết, sau này, khi khỏi hẳn, bé có thể ăn uống bình thường và không bị ảnh hưởng đến giọng nói.

KHUYẾN CÁO CỦA BÁC SĨ
Theo các bác sĩ, Tết đang đến gần cũng là lúc phụ huynh bận rộn nhiều việc, nhất là lo dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết, nên dễ chủ quan trong việc trông, để mắt tới trẻ. Tai nạn thường xảy ra vào những lúc ta chủ quan nhất. Qua trường hợp này các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi tai nạn xảy ra, người chăm sóc không nên tự rút dị vật ra mà hãy đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để tránh gây tổn thương nặng hơn . Trường hợp dị vật được lấy ra mà bé có biểu hiện nôn ói, khó nuốt và đau nhức khi ăn, uống thì người thân phải đưa bé đến bệnh viện kiểm tra ngay, để lâu dài có thể gây ra nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng của bé. Ngoài ra, không nên cho bé dùng muỗng, nĩa khi  chơi, trường hợp bé ngậm tăm, cầm những vật dài như đũa, vá, muỗng xới cơm... thì càng không nên, vì trong lúc di chuyển, các bé có thể té và gây chấn thương. Khi bé được cho ăn kẹo nhất là ăn kẹo cây, ăn đồ ăn xiên que…thì nhất định phải chú ý vì nó rất có thể trở thành vật nhọn, gây nguy hiểm cho trẻ trong tích tắc vì cha mẹ sơ ý.


H.Nga
.
.
.