Chỉ đạo tuyến góp phần thay đổi chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới

Thứ Ba, 13/12/2016, 18:55
Một em bé sơ sinh mới 18 ngày tuổi bị bệnh ứ mủ thân do thận và niệu quản đôi, một bé sơ sinh khác bị tai nạn dao đâm thấu sọ đều đã được các bác sĩ ở BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh phẫu thuật thành công. Một bé sơ sinh bị suy hô hấp và bị gãy xương sườn cũng được các bác sĩ ở tỉnh ở Bắc Giang cấp cứu kịp thời. 

Đó chỉ là một vài trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân ở các địa phương đã được cứu sống, nhờ đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện (BV) địa phương đã được nâng cao tay nghề, trình độ từ công tác chỉ đạo tuyến của các BV tuyến Trung ương như BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai, BV Việt Đức vv… Những kết quả này đã góp phần giảm chuyển tuyến, giảm quá tải bệnh nhân ở BV tuyến trên và giảm chi phí cho người bệnh, đặc biệt là giảm tỉ lệ tử vong.

Tại hội nghị về công tác chỉ đạo tuyến do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 13-12, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB) cho biết: Những năm qua, đã có gần 1 vạn lượt cán bộ đi hỗ trợ cho tuyến dưới, trong đó, Trung ương hỗ trợ cho tuyến tỉnh gần 4.000 lượt, tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến dưới khoảng 5.000 lượt; chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết các BV tuyến dưới đều làm chủ được kỹ thuật để KCB cho nhân dân. 

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết hiệu quả của công tác chỉ đạo tuyến rất lớn

Lực lượng chỉ đạo tuyến đã trực tiếp khám cho gần 5 triệu người bệnh, phẫu thuật gần 2.000 ca, cứu sống hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo mà nếu đưa về BV tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao, do mất thời gian nên không kịp cấp cứu.

Công tác chỉ đạo tuyến của BV Nhi Trung ương bao phủ toàn bộ 28 tỉnh miền Bắc và miền Trung, giúp các BV tuyến dưới nâng cao chất lượng KCB. Đại diện BV Nhi Trung ương cho biết hiệu quả thấy rõ là trình độ chuyên môn của các cán bộ y tế tuyến dưới được nâng lên rõ rệt: hồi sức sơ sinh đã cơ bản trở thành thường qui, các kỹ thuật khó khác đáp ứng yêu cầu của người bệnh ở địa phương. 

Cấp cứu-hồi sức đã trở thành thường qui, ở các BV cùng nhiều kỹ thuật mới được cán bộ tuyến dưới tiếp cận, sử dụng hiệu quả. Hiện nay, lĩnh vực ngoại nhi ở các BV tỉnh đã phát triển nên các phẫu thuật cấp cứu ngoại nhi đã được tiến hành thường qui, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, một số kỹ thuật cao như mổ tim hở đã được triển khai tốt tại BV Nhi Hải Phòng, BV Sản nhi Bắc Giang vv… 

Nhờ chỉ đạo tuyến, nhiều BV tuyến dưới đã làm chủ được các kỹ thuật cao

Nhờ sự trao đổi thông tin 2 chiều giữa tuyến trên và tuyến dưới, mà nhiều thông tin y học mới được cập nhật. Y học bằng chứng được triển khai tốt đã làm giảm sai lệch trong chẩn đoán. Nhờ các biện pháp đó, trẻ em ở nhiều địa phương được cấp cứu kịp thời, nên giảm tỉ lệ trẻ vong.

Là BV thực hiện vai trò chỉ đạo tuyến rất sớm, BV Việt Đức đã chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật cho hơn chục BV tuyến tỉnh về lĩnh vực ngoại chấn thương. Vì thế, trước đây,  bệnh nhân gãy vùng mấu chuyển xương đùi ở BVĐK tỉnh Bắc Giang phải chuyển tuyến 50% thì nay chỉ còn 0,5 % nhờ BV đã thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật này, còn ở BVĐK Thái Bình trước 40% bệnh nhân phải chuyển tuyến thì nay 100% thực hiện được tại chỗ. 

Các kỹ thuật khó như phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi trước đây ở BVĐK tỉnh Hà Giang 100 % bệnh nhân phải chuyển tuyến thì nay chỉ còn 30%, tại Lào Cai 100% chuyển tuyến đến nay còn 20% vv…  Vì thế, nhiều bệnh nhân được cấp cứu nhanh trong thời gian “giờ vàng” nên tránh được tử vong cũng như những di chứng suốt đời.

BV Bạch Mai cũng đã chuyển giao gần 100 gói kỹ thuật cho 11 BV thuộc 6 chuyên ngành ở phía Bắc, đồng thời, tiếp tục giám sát, hỗ trợ nhằm giúp các BV triển khai tích cực các kỹ thuật đã được chuyển giao. BV còn tổ chức hội chẩn trực tuyến tại BV Bạch Mai kết nối với các BV tỉnh, nhờ đó, góp phần nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, để người dân không phải lên tuyến trên điều trị.

Công tác chỉ đạo tuyến của Sở Y tế Hà Nội cũng được ghi nhận, khi trong năm 2016, nhiều đơn vị tuyến huyện đã làm được những kỹ thuật khó trước đây chưa triển khai, hoặc chưa tự làm được, như kỹ thuật đặt lưới trong điều trị thoát vị, phẫu thuật bướu giáp, lấy sỏi niệu quản tại BVĐK Chương Mỹ, kỹ thuật nội soi u nang buồng trứng, phẫu thuật kết xương khó ở BVĐK Mỹ Đức, hay thắt động mạch tử cung cấp cứu tại BV Phú Xuyên vv… 

Đại biểu các BV chia sè kinh nghiệm chỉ đạo tuyến để hiệu quả cao

Với các kỹ thuật được thực hiện đã tạo uy tín cho cơ sở y tế tuyến dưới, thu hút số người đến khám và điều trị tăng cao.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, kết quả của công tác chỉ đạo tuyến được thấy rõ qua tỉ lệ chuyển tuyến trên không phù hợp đã giảm 30%. Ở nhiều địa phương, trước đây có những loại bệnh tỉ lệ chuyển tuyến cao, nay đã không còn chuyển tuyến như ung bướu, chấn thương. 

Cũng nhờ đó mà người dân ở vùng núi, vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ y tế có chất lượng cao, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo tuyến thời gian qua cũng còn những hạn chế. Đó là một số BV chưa làm tốt việc khảo sát nhu cầu, nên khi triển khai thiếu thực tế, hoạt động còn lúng túng. Các BV công lập chuẩn bị nhận cán bộ BV tuyế trên đêbs thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến chưa đầy đủ.

Một số lãnh đạo BV chưa quan tâm đến công tác chỉ đạo tuyến, còn chỉ đạo hoạt động theo kiểu phong trào. Hoạt động chỉ đạo tuyến của các BV Trung ương còn trùng lắp, mô hình chưa thống nhất ở các tuyến.


Thanh Hằng
.
.
.