Còn nhiều vướng mắc trong thực hiện chỉ đạo tuyến, chuyển tuyến bệnh viện

Chủ Nhật, 20/12/2015, 08:23
Sáng 18-12, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc hội thảo “Đánh giá 5 năm công tác chỉ đạo tuyến, 1 năm thực hiện việc chuyển tuyến bệnh viện” với các cơ sở y tế khu vực phía Nam.

Ghi nhận cho thấy, còn bộn bề rất nhiều việc phải làm trong việc triển khai thực hiện so với mục tiêu đề ra của nhiệm vụ này. Đó là nhận định được đưa ra tại hội nghị.

Vấn đề của “năng lực” tuyến dưới

ThS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (CQLKCB) cho biết, sau 5 năm thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, 37/37 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã kiện toàn, phát triển tổ chức chỉ đạo tuyến, chuyển giao 1.129 lượt kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, hướng dẫn bệnh viện tuyến dưới thực hiện các chương trình y tế quốc gia như phòng chống lao, bệnh phong, tâm thần, tim mạch, đái tháo đường, bướu cổ…, khám sàng lọc tại cộng đồng.

Tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chuyển tuyến bệnh viện là tạo điều kiện cho bệnh nhân được khám, điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo tuyến cho thấy, mới có 6/18 bệnh viện trung ương thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ: Chỉ đạo chuyên môn tuyến dưới; quản lý chuyển tuyến; tổ chức giao ban đánh giá công tác chuyển tuyến với tuyến dưới. Còn ở tuyến các tỉnh, thành phố, mới có 18/46 bệnh viện tuyến tỉnh thành lập phòng chỉ đạo tuyến.

Mặc dù các bệnh viện đều nhận định, công tác chỉ đạo tuyến giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao, nhưng cũng theo đánh giá của Cục QLKCB, hiện vẫn còn 9 tỉnh chưa có mã đào tạo liên tục, gây khó khăn cho việc tổ chức đào tạo trong hoạt động tiếp thu, chỉ đạo tuyến. Ngoài ra, các đơn vị chưa nghiêm túc trong việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo; chưa có quy định cho bệnh viện hạng 2 thành lập phòng chỉ đạo tuyến. Việc bố trí kinh phí đối ứng của các địa phương còn nhiều khó khăn. Các điều kiện về CSVC, trang thiết bị, nhân lực, năng lực của các đơn vị vệ tinh chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

Gánh nặng vẫn đổ dồn lên tuyến trên

Bác sĩ Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, quá nhiều việc hành chính nên việc tổng hợp, báo cáo gặp nhiều khó khăn, việc chỉ đạo tuyến với các bệnh viện tuyến dưới cũng gặp trở ngại khi các bệnh viện tuyến dưới nhiều nơi thiếu cán bộ, thiếu trang thiết bị y tế, ảnh hưởng tới việc chuyển giao kỹ thuật.

Ông Đỗ Quốc Hiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) cũng cho hay, áp lực quá tải luôn đè nặng lên các bệnh viện tuyến cuối. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh mới chỉ đáp ứng được 15 bác sĩ/10.000 dân và 43 giường bệnh/10.000 dân, trong khi tỉ lệ bệnh nhân các tỉnh về các bệnh viện thành phố luôn chiếm từ 40-60%, vì thế, công tác chỉ đạo tuyến và chuyển tuyến là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc chuyển tuyến liên quan trực tiếp đến thanh toán bảo hiểm y tế, vì thế cần có sự thống nhất giữa ngành y tế và bảo hiểm xã hội để tạo thuận lợi cho người bệnh. Việc ban hành thống nhất các tiêu chuẩn xác định tình trạng cấp cứu, cơ sở pháp lý để giải quyết những vướng mắc trong việc chuyển tuyến và thanh toán bảo hiểm y tế; hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc thực hiện một số phương thức chuyển tuyến không theo trình tự nhằm đảm bảo việc khám chữa bệnh kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân. Việc triển khai chuyển tuyến mới chỉ tập trung trong hệ thống bệnh viện, chưa phổ biến được đến các cơ sở khám, chữa bệnh khác như phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, trạm y tế, mô hình bác sĩ gia đình… Đây là một lực lượng rất hùng hậu, có hướng dẫn cụ thể để tận dụng hiệu quả góp phần giải quyết những bất cập trong thực trạng chuyển tuyến hiện nay.

Huyền Nga
.
.
.