Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chăm sóc người già

Thứ Ba, 06/09/2016, 18:39
Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dịch vụ chăm sóc người già.


Đó là chia sẻ của vị đại biểu người Hàn Quốc tại hội thảo về vấn đề vấn đề già hóa dân số tổ chức tại Hà Nội chiều 6-9, với sự tham dự của đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới và đại diện nhiều tổ chức quốc tế khác, nhằm tìm ra mô hình chăm sóc cho người già tốt nhất.

Nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước tham gia hội thảo về vấn đề dân số già

Chúng ta đều có cha mẹ, thậm chí, bản thân mỗi người đều sẽ đến lúc phải “sống chung” với tuổi già. Vì thế, tuổi già là tương lai của bất cứ ai và nỗi lo về vấn đề chăm sóc cho người già không chỉ cho người khác, mà còn cho chính chúng ta. Những giải pháp chăm sóc người già đã không còn là sớm nữa.

Điều này đặc biệt cần thiết khi theo nghiên cứu mới nhất mà GS.TS. Phạm Thắng, Giám đốc BV Lão khoa Trung ương công bố tại hội thảo, thì Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất. 

Nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người già rất lớn

Nhu cầu được chăm sóc ở người già rất lớn. Người càng lớn tuổi càng gia tăng nguy cơ tàn phế và các bệnh mạn tính như huyết áp cao, ung thư, thoái hóa khớp, đái tháo thường vv… phải điều trị suốt đời. Hầu hết người già đều dễ bị tổn thương, suy giảm nhận thức (bệnh Alzeimer), rối loạn đi, suy dinh dưỡng, lú lẫn, trầm cảm vv… Thực trạng này làm cho chi phí y tế tăng cao gấp khoảng 10 lần so với người trẻ và sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc.

Làm thế nào để chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người già tốt hơn là câu hỏi xuyên suốt hội thảo và được các đại biểu trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm.

Người già cần được chăm sóc y tế gấp nhiều lần người trẻ

GS.TS. Phạm Thắng cho rằng, để nâng cao chất lượng CSSK người cao tuổi, phải nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Lý tưởng nhất là người già được sống tại cộng đồng, ở nhà, do con cái chăm sóc, nhất là khi bị bệnh Alzeimer. 

Nhưng muốn chăm sóc người già ở gia đình vẫn cần các dịch vụ cộng đồng. Do đó, phải đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ người già sống tại nhà như dọn nhà, giặt giũ, đi chợ, cung cấp bữa ăn, điều dưỡng đến nhà chăm sóc, lao động trị liệu, trông người già theo giờ, tư vấn sức khỏe vv… Để tạo được môi trường thân thiện với người già, phải chống phân biệt tuổi tác, đảm bảo tính tự chủ của người cao tuổi, đưa vấn đề người cao tuổi vào tất cả các chính sách và ở các cấp.

Giáo sư Keizo Takemi, nghị sĩ Nhật Bản cho rằng, để chăm sóc người già tốt nhất, cần tích hợp giữa các dịch vụ y tế và dịch vụ về xã hội vào với nhau.

Đại diện người Hàn Quốc cũng cho biết, ở Hàn Quốc, nhà dưỡng lão là do tư nhân quản lý, nên họ thường muốn giữ người già ở càng lâu càng tốt. Do đó, đây là vấn đề không đơn giản. Hàn Quốc cũng có mô hình “khu chung cư cho người già” tức là cả một khu vực chỉ có người già sinh sống.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà dưỡng lão tư nhân là cần thiết, nhưng vai trò của Chính phủ trong vấn đề này rất quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu triển khai “bảo hiểm người già” hoặc “bảo hiểm chăm sóc dài hạn.” 

Một điều mới mẻ và được coi là mấu chốt trong việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng CSSK người già được đưa ra tại hội thảo là, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dịch vụ chăm sóc người già. Nếu không, Nhà nước sẽ “ôm” không “xuể”, khiến người già phải chịu nhiều thiệt thòi.

Thanh Hằng
.
.
.