Các địa phương phải lường hết khó khăn để ứng phó khi có ca bệnh COVID-19 mới

Thứ Sáu, 06/03/2020, 12:42

Việt Nam đang cách ly 15.000 người, chủ yếu người trở về từ Hàn Quốc. Trong khi các nước khác tại châu Âu cũng đang bùng phát dịch và tới đây có thể sẽ phải tiếp nhận nhiều người trở về Việt Nam, chưa biết lúc nào sẽ có ca bệnh mới xuất hiện ở tỉnh, thành phố nào. Do vậy, các địa phương phải chủ động kiểm tra lại các trang thiết bị bảo hộ tại các cơ sở y tế, phải chuẩn bị phương án đối phó tốt nhất


Phát biểu tại Hội nghị tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do Sars-CoV-2 (COVID-19) do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID tổ chức cho đại diện Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước vào ngày 6/3, Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh: “Tôi thấy lo lắng khi một số nơi chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng, chưa lường hết được những khó khăn xảy ra nếu có bệnh nhân mắc COVID-19. Do vậy, các địa phương cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng, phải lường hết được những khó khăn xảy ra nếu có bệnh nhân mắc COVID-19".

Ths, BS Nguyễn Trọng Khoa cho biết, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc kiểm soát, khoanh vùng dập dịch mà công đầu là công việc của y tế dự phòng. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc đã rất thành công trong việc thực hiện ngay cách ly một xã Sơn Lôi, để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng khi tại địa phương này đã xác định được có ca lây nhiễm thứ cấp.

Đại diện Sở Y tế các tỉnh, thành tham gia tập huấn chuẩn đoán, điều trị bệnh COVID-19

Do vậy, Việt Nam tiếp tục duy trì chiến lược, bệnh nhân nào mắc COVID-19 là cách ly triệt để. Bởi chỉ cần xơ xẩy vài trường hợp không phát hiện sớm, khi lây cho vài nghìn người thì lúc đó, Việt Nam sẽ vỡ trận giống như Hàn Quốc. Ông Khoa đề nghị y tế các địa phương không được lơ là trong chống dịch, cần phải chuẩn bị kỹ càng về phương tiện, nhân lực, vật lực, khắc phục khó khăn, chủ động điều trị được các ca bệnh nặng ở tuyến tỉnh như thở máy, lọc máu, thở Ec-mo.

Nhấn mạnh đây là thời điểm quan trọng để tập huấn, đào tạo, rà soát phương tiện trang thiết bị bảo hộ, máy thở, phương tiện phục vụ chăm sóc người bệnh, ông Khoa đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần kiểm kê lại xem có những trang thiết bị bảo hộ đúng chuẩn, các phương tiện vệ sinh bề mặt, khử khuẩn môi trường, xử lý chất thải…hay chưa.

Ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh: Các địa phương cần phải chuẩn bị sẵn sàng, phải lường hết được những khó khăn khi xảy ra nếu có bệnh nhân COVID-19 mới

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam phải tính đến tình huống có 10.000người nhiễm, 15% số trường hợp nặng và 10% số sẵn sàng phải thở máy. Do đó, Bộ Y tế đang đề xuất mua 100 máy thở cho hơn 10 bệnh viện tuyến cuối. Các địa phương cũng đang tự chủ động mua sắm theo kinh phí chống dịch của từng địa phương.

Tại hội nghị, ngoài chia sẻ về chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành về truyền nhiễm, đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng phương án đối phó với dịch COVID-19 thời gian qua.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam trình bày về cơ chế lây bệnh, thu dung, điều trị. Nói về các ca siêu lây nhiễm, GS Kính cho biết: “Ca siêu lây nhiễm như 1 bệnh nhân ở Việt Nam lây cho 5 người, 1 bệnh nhân ở Hàn Quốc lây cho 16 người, thậm chí bệnh nhân ở Italia lây cho nhiều người, gần giống như lây bệnh cúm mùa. Thách thức đặt ra ở đây, có phải bệnh sẽ lây mạnh như cúm mùa hay không. Tuy nhiên, đến nay chỉ có phát hiện một vài ca siêu lây nhiễm nên chưa đủ thời gian xác định bệnh do COVID-19 có lây như cúm hay không, nó vẫn trong cơ chế lây nhiễm của virus Corona” – GS Kính nói.


Trần Hằng
.
.
.