4 giờ phẫu thuật căng như dây đàn cứu cháu bé 2 đầu bị bỏ rơi

Thứ Sáu, 25/08/2017, 20:02
"Khiếm khuyết" hở ống thần kinh làm một phần của não "trôi tuột" ra vùng gáy khiến hình hài bé gái sinh ra bất thường giống như một người có tới ... 2 cái đầu. Ra đời được 2 ngày tuổi, bé bị gia đình hoàn toàn bỏ rơi.

Tình trạng bệnh bé quá nặng nhưng các bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh đã quyết tâm bóc tách khỏi vùng đầu cho bé khối u dị dạng. 

Ca mổ Chuyên khoa Ngoại thần kinh rất khó này đã đánh dấu thêm một thành công rất đáng ngưỡng mộ của những bác sĩ BV Nhi Đồng 1.

Tiếp xúc với báo chí ngày 25-8, Phó GĐ BV Lê Bích Liên cho biết: Trường hợp bé gái này là dị tật rất hiếm gặp. Trong Y văn ghi nhận tần suất khoảng 1/5000 ca trẻ sinh ra mắc phải".  

Bé vẫn đang được chăm sóc sau mổ tại BV Nhi Đồng 1 TP HCM.

Theo bác sĩ (BS) Liên, ngày 20-7-2017, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận bé gái được chuyển từ BV Đa khoa Kiên Giang tới trong tình trạng có khối "thoát vị não- màng não" vùng chẩm, gáy với kích thước khoảng 10x15 cm. 

Bé được đưa vào khoa Sơ Sinh chăm sóc. Cũng từ ngày nhập viện tới nay BV tìm cách liên lạc với gia đình nhưng không được. Từ đó tới nay bé hoàn toàn nằm trong vòng tay yêu thương chăm sóc của các BS của BV, được chăm sóc, điều trị như tất cả các trẻ khác.

Hình bé gái trước khi được phẫu thuật bóc tách khối thoát vị.

Th.S.BS Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa Sơ sinh BV Nhi Đồng 1 cho biết: "Bé đã được hội chẩn với nhiều Chuyên khoa và được đưa lên bàn mổ ngày 17-8. Sau 2 ngày mổ, bé đã được cai máy thở. Ngoài điều trị chống nhiễm trùng hiện, bé còn được điều trị viêm màng não, nhưng đã nuôi ăn được qua ống sold dạ dày, cân nặng 2,7 kg, và ổn định".

Ban Giám đốc và các BS Khoa Ngoại thần kinh, phẫu thuật viên BV Nhi Đồng 1 tiếp xúc báo chí ngày 25-8. 

BS Phan Minh Trí, Khoa Ngoại thần kinh, người trực tiếp mổ cho bé kể: "Bé có khối thoát vị rất lớn và phức tạp. Thách thức lớn nhất là phải đóng được hoàn toàn vùng thoát vị. Tức, bóc tách khối thoát vị nhưng phải bảo tồn được gân, cơ ở khu vực này đủ để..."đóng" vùng thoát vị, không dư cũng không được thiếu. Áp lực nữa trong khâu bảo toàn xoang tĩnh mạch. Mọi việc được tiến hành cẩn trọng qua hỗ trợ của kính vi phẫu, chỉ cần "phạm" phải xoang tĩnh mạch (có cấu tạo mỏng như tờ giấy vấn thuốc), sẽ nguy hiểm ngay lập tức cho bé. Cả ê kíp đã thở phào sau hơn 4h căng như dây đàn. Vùng da chẩm, cổ được tái tạo vừa khít như khi trước mổ các BS đã đo, vẽ, tính toán".

Được biết, do bé bị gia đình bỏ rơi nên sau khi được điều trị ổn định tại BV Nhi Đồng 1, BV làm thủ tục gửi bé vào trung tâm bảo trợ trẻ bị bỏ rơi của TP HCM, tiếp tục giữ mối liên hệ với nơi gửi bé để có thể theo dõi các chức năng, khiếm khuyết có ảnh hưởng tới sự phát triển của bé sau này.

Dị tật thoát vị não-màng não thường xuất hiện 3 tuần đầu của thai kì. Bệnh lý sinh ra do khiếm khuyết của ống thần kinh. Vì lý do gì đó ống thần kinh không được đóng kín, toàn bộ nhu mô não, màng não, mạch máu, dịch não bên trong thoát ra ngoài qua kẽ hở. 

Dị tật có ở nhiều vị trí: mũi, xoang sàn, đầu, cổ hoặc dọc xương sống...thường có nhất là vùng đỉnh, chẩm. Dị tật thường phát hiện ở những thai phụ nghiện hút ma tuý, nghiện thuốc lá, béo phì, hoặc nhiễm vi rút nhất là rubela; thai phụ tiếp xúc gần với hoá chất độc hại... 

Khám thai đầy đủ, tầm soát tiền sản là rất cần thiết với các bà mẹ khi mang thai. Qua đó, phát hiện sớm dị tật thai nhi. Tuỳ theo tổn thương nặng hay không để chấm dứt thai kì. Giữ sức khoẻ cho bà mẹ cũng như việc cho ra đời những đứa trẻ khoẻ mạnh.        

         


Huyền Nga
.
.
.