Bộ Y tế lên kế hoạch khống chế dịch bệnh

Thứ Năm, 11/10/2018, 21:03
Trong khi dịch sởi chủ yếu ở phía Bắc, thì bệnh tay – chân – miệng (TCM) lại tập trung ở phía nam, chiếm tới gần 80% trong số hơn 61.000 ca mắc TCM. 10 tỉnh có số mắc cao nhất nước là Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Long An, Tây Ninh và Quảng Ngãi. 


Ở nhiều bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, số bệnh nhân TCM đến khám tăng đột biến, gần tương đương với đỉnh dịch năm 2015, trong đó, số ca nặng cũng tăng cao. Tại TP. Hồ Chí Minh, 4  quận/huyện có số ca TCM nhập viện cao nhất là quận Tân Phú, Hóc Môn, Tân Bình và Bình Tân.

Tuy nhiên báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, việc giám sát, phát hiện bệnh còn nhiều khó khăn như số cháu khám tại các phòng khám tư không được báo cáo lên hệ thống, hay trường mầm non, nhóm trẻ không báo cáo cho trạm y tế để thống kê. Đặc biệt, những trẻ mắc bệnh vẫn không được cách ly nên tạo ra sự lây lan trong các trường học. Đáng nói là thông thường, dịch sởi tấn công chủ yếu ở phía Bắc thì năm nay cũng xuất hiện nhiều ở phía Nam.

Trước tình hình bệnh dịch sởi, TCM, sốt xuất huyết có số mắc cao với các dấu hiệu chưa dừng lại, Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB), Cục Quản lý Dược… phối hợp, tập trung lực lượng để ứng phó.

Cục Y tế dự phòng tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi mắc bệnh đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của týp virus gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của virus.

Dự kiến số bệnh nhân đến khám, điều trị tại cơ sở y tế sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến cuối, gây nên tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương vào cuộc. 

Theo đó, các cơ sở y tế phải tổ chức, hướng dẫn khuyến cáo hoặc bắt buộc thực hiện yêu cầu những người bệnh sởi và nghi sởi mang khẩu trang khi đi khám bệnh, đối với trẻ nhỏ (không thể mang khẩu trang) thì người nhà dùng khăn giấy che miệng trẻ khi ho, hắt hơi. 

Đối với bệnh TCM phải rửa tay bằng xà phòng mỗi khi chăm sóc, vệ sinh cho trẻ... Bệnh sốt xuất huyết thì phải phòng, chống muỗi đốt khi nằm viện (muỗi SXH đốt ban ngày, đặc biệt là sáng sớm hoặc buổi chiều tối).

Để tránh lây chéo trong bệnh viện, Cục Quản lý KCB yêu cầu các bệnh viện phải tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi. 

Chỉ nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi, TCM, SXH nặng và đúng tuyến điều trị để tránh quá tải, đồng thời, tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị, tránh lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện.

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh cho trẻ

Những trường hợp bệnh nặng, bệnh viện phải tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, liên bệnh viện theo quy định hoặc xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin, hỗ trợ về chuyên môn với tuyến trên. Các cơ sở y tế cần tăng cường nhân lực nếu bệnh nhân tăng cao, nhất là khu vực điều trị nội trú nhằm giảm quá tải cho nhân viên y tế.

Nhằm giảm áp lực cho tuyến trên, không để các trường hợp nhẹ dồn về như từng xảy ra khi có dịch bệnh, gây hậu quả là quá tải bệnh viện và nhiễm chéo, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối phải chú trọng công tác chỉ đạo tuyến. Sẵn sàng hội chẩn, góp ý, chỉ đạo chuyên môn qua đường dây nóng. Nếu thay đổi số điện thoại đường dây nóng hoặc người phụ trách thì phải thông báo kịp thời với cơ sở KCB và cá nhân liên quan. Công tác thường trực các đội cấp cứu cơ động, hỗ trợ tuyến dưới luôn sẵn sàng.

Để đảm bảo cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh TCM, ngày 11-10, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo về dự trữ, cung ứng thuốc; kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh tay chân miệng.

Cục Quản lý Dược cũng chỉ đạo các viện, bệnh viện chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật số lượng và tình trạng các ca mắc TCM để kịp thời liên hệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để bảo đảm đủ thuốc cho công tác phòng và điều trị bệnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc phải chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.

“Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc của các cơ sở để bảo đảm đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định.”- Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược nhấn mạnh.

Thanh Hằng
.
.
.