Lo ngại dịch tay chân miệng bùng phát tại khu vực phía Nam

Thứ Sáu, 28/09/2018, 16:29

Sáng 28-9, Sở Y tế TP. HCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất công tác vệ sinh, phòng chống dịch tại Trường Mầm non thuộc phường 1 (quận 10), nơi đã có 2 trẻ bị mắc tay chân miệng (TCM) được phát hiện tuần qua.

Ngoài ra, tại TP HCM cũng đã có 1 trường hợp trẻ bị tử vong do căn bệnh này. Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM cũng cảnh báo, TCM đang có dấu hiệu tăng hơn hẳn so với năm trước, trong đó số ca mắc TCM do vi rút Entrouvirus 71 tăng cao.          

Theo báo cáo của nhà trường, tại lớp Mầm 3, P1, Q.10 có 2 bé mắc TCM. Một bé được phụ huynh phát hiện sốt và có dấu hiệu của bệnh vào ngày 21-9, cha mẹ nghi ngờ khi bé đang ở nhà nên đã báo ngay cho trường và không cho bé đến lớp.

 Cô giáo lớp Mầm 3 cho biết, sáng 24-9 phát hiện thêm một bé mắc bệnh. Bé này khi đến trường, mẹ bé đã nhắc cô để ý vì bé hơi mệt. Do đã có 1 trường hợp TCM trước đó nên cô giáo theo dõi sức khỏe của bé rất sát. Đến khoảng 9h, bé bắt đầu sốt và kêu đau miệng, giáo viên đã gọi điện cho phụ huynh đến đón con đưa đi khám tại BV nhi đồng. 

Đoàn công tác của Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM kiểm tra phòng chống dịch tại trường Mầm non P.1, quận 10.

Tại buổi kiểm tra, BS Nguyễn Hữu Hưng- Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM nhắc nhở các cô giáo đặc biệt lưu ý việc cho trẻ rửa tay thường xuyên trước mỗi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh cũng như việc khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng cho trẻ, nhất là giường cá nhân cho bé ngủ trưa.

Nhắc nhở các bé vệ sinh tay chân sạch sẽ đúng cách là biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM và các bệnh truyền nhiễm khác.

Cũng trong sáng 28-9, Sở Y tế TP. HCM đã kiểm tra một nhóm giữ trẻ gia đình trên cùng địa bàn phường 1, Q.10. Điểm giữ trẻ này hiện đang trông giữ 6 trẻ từ 24 – 26 tháng tuổi. Chủ nhóm trẻ cho biết, cơ sở thực hiện đúng các yêu cầu về vệ sinh, đảm bảo không lây truyền dịch bệnh truyền nhiễm.

Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cũng cho biết, trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh TCM nhập viện Nhi đồng 1-2 của TP. HCM có hiện tượng gia tăng nhanh. Trong số những ca bệnh nhập viện có đến gần 60% là các ca bệnh đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Đáng lo ngại là đã có 1 ca trẻ 2 tuổi, ngụ tại huyện Bình Phú-Bến tre đã tử vong do TCM. 

Riêng trong ngày 24-9 vừa qua, tại khoa Nhiễm thần kinh - BV Nhi đồng 1 TP HCM đã điều trị cho 222 bệnh nhi mắc bệnh TCM. Các bác sĩ cũng cho biết tuần qua có 10 trẻ bị bệnh TCM nặng phải thở máy tại khoa hồi sức tích cực của BV Nhi đồng 1. Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cũng cho hay, trong diễn biến dịch TCM đang có dấu hiệu lan nhanh tại khu vực TP HCM, đã phát hiện tới 50% số ca mắc mang chủng vi rút Enterovirus 71 là chủng đã gây vụ dịch TCM lớn trên cả nước những năm 2011. Đây cũng có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh đang gia tăng nhanh chóng trong  2 tuần cuối của tháng 9 này, nhất là tại TP HCM.

TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng, việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Có 80% số ca bệnh ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà; tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

H.Nga
.
.
.