Bịa tin TP Hồ Chí Minh có 1.000 người tử vong vì dịch COVID-19
- 143 trường hợp liên quan đến bar Buddha có kết quả âm tính COVID - 19
- Ghi ở điểm nóng chống dịch COVID-19
- Nhận diện thủ đoạn lợi dụng dịch COVID-19 để chống phá Đảng, Nhà nước
Theo đó, mấy ngày qua, trên mạng xã hội Youtube phát tán một video clip về việc đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nói rằng “…từ sáng tới giờ có tổng cộng hơn 43.000 ca, trong đó có hơn 100 ca tử vong, nâng số tử vong là hơn 1.000 ca…”.
Clip này lan truyền rất nhanh với nhiều bình luận tiêu cực. Nhiều tài khoản mạng xã hội không chỉ chia sẻ mà còn “gắn” thêm vào Công văn 2285 của Sở TN-MT thành phỗ (đã bị thu hồi) để cho rằng TP Hồ Chí Minh đang "ém dịch, giấu dịch".
TP HCM luôn nỗ lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 một cách tốt nhất |
Qua kiểm tra, xác minh của Phòng Báo chí và Xuất bản - Ban Tuyên giáo Thành ủy, đoạn clip này đã bị một số thế lực xấu lợi dụng cắt ghép với dụng ý xuyên tạc từ clip của Báo Tuổi trẻ phỏng vấn Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm trong dịp đến kiểm tra công tác điều trị bệnh COVID-19 tại bệnh viện dã chiến xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi ngày 11/2.
Theo đó, trong đoạn phỏng vấn, ông Lê Thanh Liêm có nói đến con số cập nhật về tình trạng lây nhiễm COVID-19 và số người tử vong trên thế giới tại thời điểm 11/2/2020.
Hiện cơ quan chức năng đang điều tra các tài khoản lan truyền clip trên với ý đồ xấu để xử lý nghiêm.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 5 thành phố trực thuộc Trung ương ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định “Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong vì COVID 19”.
Trước thông tin TP Hồ Chí Minh giấu dịch bệnh dẫn đến có người chết phải huy động các đơn vị hỏa táng vào cuộc, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí thành phố khẳng định: “Thành phố luôn chủ động công bố tình hình các ca nhiễm cũng như các giải pháp phòng chống dịch. Thành phố sẽ công khai việc xem xét, xử lý cá nhân có sai sót liên quan đến văn bản gây hoang mang dư luận".
Trước những kết quả kiểm soát và phòng chống dịch hiệu quả của Chính phủ nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng, nhiều đối tượng thù địch liên tục rình rập, bắt lỗi và bình luận tiêu cực về kết quả rất đáng trân trọng của nước ta. Thủ đoạn cuối cùng là nếu không thể tìm ra bất cứ lý do gì thì chúng sẵn sàng vu khống, cắt ghép hình ảnh, âm thanh của lãnh đạo thành phố theo dụng ý tiêu cực để tác động vào niềm tin của một bộ phận người dân.
Ông Từ Lương cho biết thêm, người dân cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin; không nên chia sẻ, bình luận và quan tâm đến những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Việc không chia sẻ, lan truyền và phát tán thông tin không kiểm chứng là 1 trong 12 điều cần làm ngay mà Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu trong tờ rơi đã phát đến 2,5 triệu hộ dân toàn thành phố.
Trong trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, người dân cần thông báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.
Riêng về trường hợp báo chí đưa tin sai sự thật, ông Từ Lương nhấn mạnh: Báo, đài nào đưa sai thì sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định. Đặc biệt, các báo khi thông tin những vấn đề quan trọng, nhạy cảm thì cần có cách diễn đạt rõ ràng, tránh dẫn đến hiểu nhầm khiến dư luận hoang mang, lo lắng.