Cứu sống bé gái bị mảnh thủy tinh xuyên thấu ngực

Thứ Tư, 29/11/2017, 19:05
Các bác sĩ của Bệnh viện Xanh Pôn vừa cứu sống một cháu bé trong tình trạng hiểm nghèo và sau 3 ngày được cấp cứu, cháu bé đã qua cơn nguy kịch.


Theo BS CKII. Đoàn Duy Hùng, người trực tiếp phẫu thuật để cứu cháu bé cho biết, tối ngày 27-11, cháu Nguyễn Đăng Phương Uyên, 11 tuổi được đưa vào cấp cứu với vết thương vùng ngực trái do mảnh kính vỡ rơi vào ngực tại trường học. 

Cháu bị mất nhiều máu, đau ngực, khó thở, sốt cao, trong khi thể trạng nhỏ bé, chỉ nặng 25kg. 

Các bác sĩ lập tức cho tiến hành các xét nghiệm và thăm khám đã phát hiện bệnh nhân có tình trạng tràn máu màng phổi nặng do vết thương thấu ngực trái, gây nên tình trạng suy hô hấp và mất máu. Cháu đã được chỉ định mổ cấp cứu.

Bác sĩ thăm khám cho em Phương Uyên

Sau khi dẫn lưu khoang màng phổi trái hút ra 650ml máu, kíp phẫu thuật quyết định mở ngực qua vết thương ngực để xác định nguyên nhân chảy máu và cầm máu. 

Nhờ đó đã xác định được nguồn chảy máu từ động mạch ngực trong bên trái bị đứt rời do mảnh kính cứa đứt khi đâm thủng ngực, máu từ động mạch đứt chảy liên tục vào khoang màng phổi trái với số lượng lớn gây đè ép vào phổi và mất máu.

Đây là trường hợp tai nạn khá phức tạp, nhưng bằng trình độ và kinh nghiệm của các bác sĩ ở Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu của Hà Nội, ekip phẫu thuật đã xử lý nhanh chóng và chính xác các tổn thương. Chừng 60 phút sau, ca mổ kết thúc mỹ mãn.

Với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các y bác sỹ phòng mổ, bệnh nhân nhanh chóng ổn định.  Ngày đầu tiên sau mổ, tuy còn nằm trên giường cấp cứu, cháu đã có thể nói chuyện, ăn uống, khi không còn bị mất máu và suy hô hấp nữa.

BS CKII. Đoàn Duy Hùng, trưởng kíp phẫu thuật cho biết: Động mạch ngưc trong là động mạch xuất phát từ một động mạch lớn, khi bị đứt sẽ gây chảy máu nặng, không tự cầm được, đặc biệt là lại chảy máu vào khoang kín là khoang màng phổi nên khó phát hiện. 

Với lượng máu chảy vào khoang màng phổi khoảng 650 ml máu, khi dẫn lưu màng phổi là rất lớn, hơn 1/3 khối lượng máu của bệnh nhân, sẽ dẫn đến mất máu nặng, chèn ép phổi, đẩy lệch tim và mạch máu lớn sang ngực bên đối diện làm cho máu khó trở về tim, gây thiếu oxy nặng. Trường hợp này nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến diễn biến xấu, thậm chí tử vong.

Đến chiều tối ngày 29-11, bệnh nhân đã không chỉ qua cơn hiểm nghèo mà diễn biến sức khỏe khá tích cực, có thể sẽ được sớm xuất viện. 

Thanh Hằng
.
.
.