Những ca cứu sống bệnh nhân "thập tử nhất sinh" ở bệnh viện tuyến dưới

Thứ Năm, 01/09/2016, 09:44
Nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch đã được “tái sinh” nhờ các kỹ thuật hiện đại do các Bệnh viện ở địa phương mới triển khai thành công những năm gần đây, kết quả từ hoạt động chỉ đạo tuyến của các BV tuyến Trung ương.



Tháng 7-2016, Bệnh viện (BV) Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã chính thức triển khai kỹ thuật cắt tử cung qua nội soi do BV Phụ sản Trung ương chuyển giao thành công. Đây là một kỹ thuật cao, có nhiều ưu điểm so với mổ mở thông thường, bệnh nhân mất máu ít hơn, an toàn cao, vết mổ nhỏ nên bệnh nhân đỡ đau hơn, hồi phục nhanh sau mổ, đảm bảo tính thẩm mỹ khi chỉ để lại vết sẹo nhỏ trên người bệnh.

Theo TS. Lê Hoàng, Phó giám đốc BV Phụ sản Trung ương, đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại và BV Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã đáp ứng các yêu cầu đó. Việc BV Sản Nhi Lào Cai độc lập thực hiện kỹ thuật hiện đại này là một bước ngoặt trong lĩnh vực phụ sản ở một tỉnh miền núi, khi người dân địa phương đã được sử dụng kỹ thuật cao ngay tại chỗ mà không phải về Hà Nội như trước.

Ca cấp cứu bệnh nhi ở Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Cô bé Vũ Thị Ngọc Mai, 4 tuổi, ở xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu đã được chỉ định phẫu thuật từ năm 2014, nhưng gia đình cháu kinh tế rất khó khăn nên không thể đưa cháu ra Hà Nội để phẫu thuật. Chỉ khi BV Sản Nhi tỉnh Nghệ An triển khai kỹ thuật phẫu thuật tim hở, cháu mới có cơ hội “đổi đời”. 

Gia đình bé Mai chỉ là một trong hàng trăm gia đình ở Nghệ An được hưởng thành quả từ việc triển khai thành công kỹ thuật cao của BV Sản Nhi Nghệ An với chi phí giảm hơn nhiều so với việc đưa con lên BV tuyến trên. Đến nay, BV Sản Nhi Nghệ An đã phẫu thuật tim hở cho hơn 30 ca và can thiệp được gần 200 ca khác. BV này còn đang triển khai thêm 2 kỹ thuật chuyên sâu về tim là bít dù thông liên thất và liên nhĩ.

Mới đây, BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã phẫu thuật cứu sống một em bé mới 35 ngày tuổi bị dao quắm xuyên vào đầu gây dập não vùng trán. Trước đó, BV cũng đã cấp cứu thành công một ca phức tạp khác cho một em bé mới hơn một tháng tuổi bị vết thương hiểm nghèo. BV này còn áp dụng kỹ thuật vật lý trị liệu trong điều trị bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ, rút ngắn thời gian điều trị và giảm bớt tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ.

Không thua kém các đồng nghiệp, BV Sản Nhi Bắc Giang cũng đã cứu sống một trẻ sơ sinh vừa bị suy hô hấp, vừa gãy xương sườn, tràn dịch màng phổi trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. 

Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên từng “cải tử hoàn sinh” một sản phụ bị thuyên tắc ối, đông máu rải rác, chảy máu ồ ạt… Đây là một thành công đáng ghi nhận ở BV tuyến tỉnh, bởi 99% bệnh nhân gặp tình trạng này thường khó qua khỏi.

Đó chỉ là một số trường hợp bệnh nhân nguy kịch đã được “tái sinh” nhờ các kỹ thuật hiện đại do các BV ở địa phương mới triển khai thành công những năm gần đây, kết quả từ hoạt động chỉ đạo tuyến của các BV tuyến Trung ương.

Tại hội nghị khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản nhi khu vực phía Bắc do Bộ Y tế tổ chức tại Bắc Giang ngày 30-8, Bộ Y tế đã chỉ rõ những kết quả đáng ghi nhận của công tác chỉ đạo tuyến với các địa phương. Khi những kỹ thuật cao được chuyển giao về tuyến dưới, thì người dân được dễ dàng tiếp cận hơn; các cán bộ y tế tuyến dưới có điều kiện học tập, tiếp nhận các kỹ thuật hiện đại. 

Cũng từ việc chỉ đạo tuyến mà cán bộ y tế tuyến trên đánh giá được chính xác thực tiễn và nhu cầu của tuyến dưới để chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm trong khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân.

Trước đây, nhiều bệnh nhi khi được đưa tới BV tuyến trên thì đã quá muộn. Nay các BV tuyến dưới đã được đào tạo các kỹ thuật khó như mổ cấp cứu, chăm sóc trẻ sơ sinh, được hướng dẫn quy trình chuyên môn để chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên, nên tỉ lệ tử vong giảm mạnh. 

Nhiều kỹ thuật khó các BV tuyến tỉnh đã tự xử lý được. Vì thế, tỉ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm gần 30%, riêng tỉ lệ chuyển tuyến của trẻ sơ sinh giảm tới 45%; nhiều bệnh giảm 50% như sản giật, tiền sản giật, băng huyết, rau tiền đạo. Số ca phẫu thuật nhẹ giảm khoảng 30%. Nhiều kỹ thuật trước đây 100% bệnh nhân phải chuyển tuyến như  trẻ sinh non, nay chỉ những trường hợp phức tạp mới chuyển đi, còn lại, các BV địa phương đã tự điều trị, chăm sóc được.

Tuy nhiên, Ths. Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cũng chỉ ra những vấn đề mà y tế cơ sở phải sớm khắc phục trong thời gian ngắn nhất. Đó là bác sĩ sản còn thiếu tới 25% và bác sĩ nhi thiếu 55%, là nguyên nhân quá tải ở các BV tuyến tỉnh và Trung ương, làm ảnh hưởng đến chất lượng KCB, nên không ngạc nhiên khi có những sự cố y khoa không mong muốn đã xảy ra. 

Năng lực của nhân viên y tế còn hạn chế, nhất là trong khám phát hiện dấu hiệu bất thường, theo dõi chuyển dạ. Thiếu kinh nghiệm hồi sức nội khoa trong sản khoa khiến tỉ lệ tử vong mẹ ở các vùng khó khăn vẫn cao gấp 2-3 lần so với đô thị; hay ra quyết định điều trị muộn như điều trị đặc hiệu, đình chỉ thai nghén, mổ cắt tử cung, chuyển tuyến muộn.

 Nhân viên y tế chủ quan, không tuân thủ quy trình KCB dẫn đến những xử trí cơ bản cũng hạn chế; không phát hiện được những dấu hiệu bất thường khi khám thai hoặc phát hiện được nhưng xử trí không đúng; không phát hiện được hoặc phát hiện muộn dấu hiệu nguy hiểm như băng huyết, “sốc”, dọa vỡ tử cung v.v… Tình trạng lạm dụng chỉ định Oxytocin, mổ lấy thai vẫn diễn ra.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, hạn chế lớn nhất của hoạt động chỉ đạo tuyến hiện là việc rà soát, đánh giá chưa đồng bộ, chưa sát thực tế, gây lãng phí, khi BV cần  hỗ trợ kỹ thuật thì lại không làm, mà chuyển giao kỹ thuật cho BV đã có thể tự làm tốt.

Một số BV đi chỉ đạo tuyến như “trình diễn” nên không hiệu quả, hoặc thu tiền của học viên là trái với chủ trương của Bộ Y tế. GS.TS. Nguyễn Viết Tiến đề nghị chính quyền các địa phương phải vào cuộc trong vấn đề chỉ đạo tuyến, có vốn đối ứng cùng Bộ Y tế để khắc phục các vấn đề thiếu và yếu về nhân lực và trang thiết bị ở y tế tuyến dưới.

Thanh Hằng
.
.
.