Bệnh nhân chê y tế cơ sở vì chất lượng khám, chữa bệnh kém
Đó là điều được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại hội nghị “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở” do Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 6-7.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ hiện nay mức chi KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở quá thấp, chỉ không quá 20% quỹ KCB BHYT. Vì thế, một số loại bệnh trạm y tế xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, lại vừa tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm.
Khám, chữa bệnh ở một trạm y tế xã. |
“Tuyến Trung ương và tỉnh/thành phố, số người đến khám chỉ 28,7% nhưng chi phí lên tới 67,3% tổng chi quỹ KCB BHYT. Trong khi đó, tuyến huyện khám tới 51,4% số lượt bệnh nhân nhưng chi phí chỉ 29,8% và con số này tại tuyến xã còn thấp hơn nữa, chỉ 2,7% tổng chi quỹ KCB BHYT trong khi tỷ lệ người dân đến khám chiếm gần 20%”-Bộ trưởng Y tế phân tích.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết, y tế cơ sở đang đối mặt với nhiều khó khăn, cả về cơ sở vật chất, chất lượng cán bộ y tế cũng như thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Hầu hết các trạm y tế đều thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị các bệnh mạn tính, thông thường, thuốc y học cổ truyền. Tỷ lệ trạm y tế thiếu thuốc tại Cao Bằng là 71,9%; Điện Biên là 33,7%; Bình Định là 41,7%...
Năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 loại thuốc- là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Nhưng qua khảo sát, các trạm y tế chưa cung ứng được.
Tuyến xã mới chỉ quản lý số lượng người bệnh tăng huyết áp hoặc chỉ khám, kê đơn theo các đơn thuốc đã được kê tại tuyến trên, không đánh giá điều trị.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng hiện y tế cơ sở chỉ nặng về kê đơn, cấp thuốc, nên nhiều nơi chỉ khám, cấp phát thuốc theo ngày trong tháng, chủ yếu vào đầu tháng.
Do đó, phải đào tạo cho cán bộ y tế tại trạm y tế xã dự trù thuốc, phân bổ nguồn kinh phí trong tháng, tránh tình trạng giữa, cuối tháng hết thuốc.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở, vì chất lượng KCB, danh mục thuốc, kỹ thuật ít, dẫn đến vượt tuyến, gây quá tải bệnh viện (BV), tăng chi phí, mất thời gian...
“Khi tôi đi kiểm tra các BV tuyến Trung ương, nhiều bệnh nhân cho biết đã đi khám bệnh từ 3-4 giờ sáng, nhưng chỉ là đau đầu, đau chân tay, huyết áp… Mà những bệnh này, tuyến y tế cơ sở có thể làm được.” - Bộ trưởng lưu ý.
Cả ngành Y tế lẫn BHXH Việt Nam đều thống nhất nâng cao chất lượng y tế cơ sở là giải pháp tối ưu giúp người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu sớm. Vì thế, 2 bên đã đưa ra nhiều giải pháp sao cho y tế cơ sở thu hút người dân đến KCB nhằm giảm tải BV.
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chỉ ra việc người dân không lựa chọn trạm y tế xã để KCB BHYT ban đầu là do chính sách thông tuyến, nên người bệnh thường lựa chọn KCB tại các BV tuyến huyện.
Hơn nữa, hệ thống trạm y tế xã còn nhiều bất cập cả về nhân lực, cơ sở vật chất, chưa đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ, đặc biệt là chất lượng bác sĩ. Nếu không được đầu tư tốt, người dân sẽ dồn lên tuyến trên và trạm y tế sẽ không phát triển được.
Để nâng cao chất lượng KCB BHYT tại y tế cơ sở, theo bà Minh, cần thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản; quản lý các bệnh mãn tính tại trạm y tế xã, gắn hoạt động quản lý sức khỏe với hoạt động của bác sĩ gia đình.
Đặc biệt, cần bỏ quy định giao quỹ KCB cho trạm y tế tối đa bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú.
Nếu cơ sở y tế nào tốt, cần mạnh dạn phân cấp kèm các chính sách ưu đãi. Kỹ thuật nào tuyến xã đã làm tốt thì BHXH sẽ không thanh toán KCB BHYT với tuyến huyện. Nếu người dân vẫn vượt tuyến thì phải tự bỏ tiền.
“Muốn phát triển trạm y tế xã, các địa phương cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng. Điều quan trọng nữa là lo ngại về chất lượng bác sĩ ở trạm y tế xã.
Người dân chưa tin tưởng trạm y tế xã là do chưa tin tưởng tay nghề của bác sĩ. Vì vậy, ngành y tế cần tập trung đào tạo lại nhân lực ở các trạm y tế xã để đáp ứng nhu cầu người dân”. - Bà Minh nêu quan điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để tăng cường KCB BHYT tại các trạm y tế, tới đây, ngành Y tế sẽ đổi mới cơ chế chi trả KCB BHYT như không quy định tỷ lệ quỹ BHYT được sử dụng tại trạm y tế xã như hiện nay, tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mãn tính; đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã theo mô hình chuẩn vv…