Bất hợp lý khi người hiến tạng phải tự trả chi phí xét nghiệm

Thứ Ba, 20/03/2018, 20:50
Thông tin người hiến phải chi trả gần 20 triệu đồng cho các xét nghiệm, như gáo nước lạnh dội vào thiện tâm của nhiều người. Xung quanh vấn đề này, PV Báo CAND có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng.


+ Thưa ông, những ngày qua dư luận băn khoăn trước thông tin người hiến phải tự chi trả khá lớn cho xét nghiệm khi hiến tạng. Ông có ý kiến gì về điều này?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Tôi đã đọc được thông tin trên và thấy nhiều người cho rằng đó là thông tin ác ý với công tác vận động hiến mô/tạng, khiến nhiều người nhầm lẫn rằng việc đăng ký hiến tạng sẽ mất tiền và người hiến tạng nào cũng mất tiền xét nghiệm.

Theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì có 2 đối tượng hiến: Người hiến mô tạng lúc sống sẽ được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí sau khi hiến, được cấp thẻ BHYT miễn phí, được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép tạng, được tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân. Người hiến tạng lúc sống cũng được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ nếu không thể đi về trong ngày; được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại khám sức khỏe định kỳ… Những người có thẻ BHYT nếu đăng ký hiến tặng được BHYT thanh toán một số các xét nghiệm cơ bản như nhóm máu, nước tiểu hay chiếu chụp XQ...

Ông Nguyễn Hoàng Phúc.

Còn người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác sẽ được được truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, có chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài… Tuy nhiên cũng cần nói rõ là với người hiến tạng sau khi chết não thì mọi thủ tục xét nghiệm để xác định có thể ghép được cho các bệnh nhân khác hay không hoàn toàn do bệnh viện (BV) chi trả, gia đình người hiến không phải bỏ ra bất kỳ khoản nào. Thậm chí, chi phí khám chữa bệnh (KCB) giai đoạn đầu của người hiến tạng cũng được BV hỗ trợ.

Còn đối với người hiến tạng khi còn sống chủ yếu là nguồn tạng từ người cùng huyết thống và gia đình tự sắp xếp. Chỉ một số ít trường hợp hiến tạng vô danh, vô vụ lợi, nhưng Luật hiến ghép mô cơ thể người và Luật BHYT chưa đề cập đến vấn đề chi phí xét nghiệm, nên các BV cũng chưa có cơ sở để thanh toán.

Như vậy, số lượng người hiến sống không nhiều và đa phần là gia đình hiến cho nhau. Với các trường hợp hiến tặng cho người trong gia đình thì đây không phải là vấn đề lớn. Còn với các trường hợp hiến tặng cho người ngoài, chúng tôi cũng đã có rất nhiều cuộc tranh luận về vấn đề ai sẽ là người chi trả tiền cho các xét nghiệm trước khi hiến vì cũng thấy có những điều bất cập.

+ Như vậy, đây là một khoảng trống của chính sách, gây khó khăn cho cuộc vận động hiến tạng của ngành y tế?

Một ca ghép tạng tại BV Việt Đức.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Như tôi đã nói ở trên, không phải bây giờ mà ngay từ khi xây dựng dự thảo Luật, điều này đã được đưa ra nhưng có một số vấn đề nảy sinh. Ngành y tế chủ yếu khuyến khích việc hiến tạng ở bệnh nhân chết não - trừ một số trường hợp đặc biệt của người hiến tặng vô danh, vô vụ lợi mới tiếp nhận tạng từ người cho còn sống. Nếu miễn phí việc xét nghiệm, có thể xuất hiện những người có động cơ không trong sáng, như đăng ký hiến để kiểm tra sức khỏe miễn phí xong rồi không hiến nữa. 

Như vậy ngân sách sẽ đội lên khủng khiếp. Bởi chi phí có thể lên đến 15-20 triệu đồng cho các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp…). Ví dụ người hiến thận khi còn sống thì phải chụp cắt lớp, dựng hình 2 quả thận để giữ lại quả thận nào tốt hơn cho người hiến... Nhưng BHYT chưa thanh toán danh mục này, còn các BV không đủ tài chính để chi trả.

Trên thực tế, chính sách, pháp luật thường đi sau thực tiễn nên khi phát sinh, nếu thấy vướng mắc, chưa phù hợp thì cần đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật mới để bảo đảm tính nhân văn của việc hiến tạng. 

Ví dụ ca ghép tim vừa qua ở BV Chợ Rẫy. Người được ghép có mọi chỉ số phù hợp với người hiến nhưng lại không có tiền cho chi phí ghép tạng. Để cho bệnh nhân cơ hội sống, cũng như không để lãng phí trái tim được hiến, lãnh đạo BV đã quyết định vẫn ghép tim cho người bệnh và vận động, tìm kiếm các nhà tài trợ để có kinh phí cho ca ghép. 

Như vậy, đã đến lúc chúng ta cần có 1 Qũy hỗ trợ cho người nhận tạng có hoàn cảnh khó khăn, mở ra cho họ cơ hội được cứu sống. Nên chăng, đã đến lúc BHYT nên vào cuộc. 

Ví dụ như ở Mỹ, Nhật, những bệnh nhân được ghép thận được BHYT chi trả từ 80-90%. Bởi họ đã có phép tính tài chính nếu chi phí BHYT cho một ca ghép thận sẽ ít hơn nhiều là chạy thận cả đời, lợi ích thuộc về Quỹ BHYT.

 + Theo ông, đã đến lúc cẩn bổ sung để khắc phục những khoảng trống trong chính sách về hiến mô tạng?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Sau 12 năm đi vào hoạt động, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành ghép tạng phát triển và từng bước được xã hội tiếp nhận, ủng hộ trong việc hiến tặng mô, tạng mang lại nhiều thành tựu cho ngành y tế, nhưng cũng tồn tại những bất cập cần sửa đổi, bổ sung, trong đó liên quan đến chế độ BHYT. 

Hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và Luật BHYT chưa quy định thanh toán các loại xét nghiệm liên quan đến người hiến tạng khi còn sống cũng như người ghép mô, tạng có thẻ BHYT được thanh toán toàn bộ chi phí sàng lọc trước khi ghép tạng, nên bệnh nhân có thẻ BHYT không được thanh toán đồng bộ.

Trong các cuộc thảo luận trước đây, chúng tôi cũng đã cho rằng, để tránh việc trục lợi chính sách, BHYT cần hoàn lại tiền xét nghiệm cho người hiến tạng khi còn sống sau khi đã có chứng nhận hiến tạng hoặc xác nhận của cơ sở y tế rằng người đó không đủ điều kiện để hiến tạng khi còn sống. 

Tuy nhiên, ý kiến này cũng có người cho rằng như vậy sẽ là thiếu “tế nhị” đối với người thực sự có tâm nguyện muốn hiến tặng vô danh, vô vụ lợi cho bất kỳ ai, bởi như vậy vẫn bắt họ phải chi một khoản tiền rồi sau khi hiến mới nhận lại được. Đây đang là vấn đề chúng tôi thực sự thấy “vướng”. Chúng tôi cũng mong chờ những ý kiến đa chiều để chính thức đề xuất với BHYT và các đơn vị hữu quan. 

+ Cám ơn ông đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.