Bảo hiểm từ chối thanh toán tiền thuốc, nguy cơ bệnh bạch hầu gia tăng
- Quảng Nam triển khai ứng phó với bệnh bạch hầu
- Bé trai 7 tuổi mắc bệnh bạch hầu
- Một HS được điều trị cách ly do nghi mắc bệnh bạch hầu
Từ tháng 8-2019 đến nay, bệnh bạch hầu đã liên tiếp xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước.
Tại Kon Tum, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Đắc Hà đã xuất hiện 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. May mắn chưa có ca bệnh tử vong nhưng dự báo, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất cao bởi đây là vùng đang có bệnh bạch hầu lưu hành. Năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 7 trường hợp mắc bạch hầu thì 2 ca bệnh nặng tử vong.
Tại Quảng Nam, từ tháng 10 đến nay đã liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện Duy Xuyên. Tại Quảng Ngãi khi phát hiện 8 ca dương tính với bạch hầu, hàng chục bệnh nhân khác đang được theo dõi.
Khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, nơi điều trị những ca bệnh truyền nhiễm nặng nhất. |
Tại Đắk Lắk, ngành Y tế tỉnh đã xác nhận có 4 ca dương tính với bạch hầu, hàng chục ca bệnh phải cách ly, điều trị. Ở Gia Lai có một ổ bệnh đã xuất hiện với nhiều ca bệnh tử vong nhưng chưa ghi nhận những báo cáo chi tiết của ngành Y tế địa phương. Ổ bệnh tại đây xảy ra trong tháng 10-2019 có 3 bệnh nhi phải chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh điều trị.
BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Trẻ em BV này cho hay: “Cả 3 bệnh nhân đều ngụ tại buôn Ekia, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, Gia Lai. Sau quá trình điều trị có 2 trẻ đã được xuất viện, còn 1 trường hợp 4 tuổi đang phải tiếp tục theo dõi, điều trị với chẩn đoán mắc bạch hầu có biến chứng viêm cơ tim, rối loạn nhịp”.
BS Tứ Quý cũng cho biết, qua gia đình được biết, trước khi bệnh nhi vào viện, tại buôn Ekia đang xảy ra nhiều cái chết không rõ nguyên nhân. Cha mẹ bệnh nhi 4 tuổi trên cho hay, trước khi bé có biểu hiện bệnh thì người bà đã đột ngột tử vong, sau đó có thêm 2 người hàng xóm cũng bị mất nhiều ngày sốt, mệt. Thấy bệnh nhi có các biểu hiện tương tự như những người đã chết, cha mẹ bé vội đưa đến bệnh viện địa phương thì được bác sĩ chuyển thẳng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.
Vaccine chủng ngừa bệnh bạch hầu lâu nay đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (mũi tiêm bạch hầu – ho gà – uốn ván). Để tránh nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi chích ngừa đủ 3 mũi (từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4 sau khi chào đời). Trẻ em và người lớn cần chích nhắc bệnh bạch hầu mỗi 10 năm 1 lần để duy trì kháng thể phòng bệnh.
Thế nhưng đó là chuyện của vaccine. Còn trong qui trình điều trị cho bệnh nhân theo các bác sĩ lại đang gặp khó khăn. Một thực trạng đang xảy ra là do bảo hiểm không chi tiền thuốc, thuốc kháng độc tố bạch hầu quyết định việc điều trị nhưng chi phí cao BHYT không thanh toán, nhiều bệnh nhân đã bỏ điều trị, đành xin về nhà.
Điển hình như trường hợp bé Kpă HRớt (4 tuổi) trên với chẩn đoán mắc bạch hầu có biến chứng viêm cơ tim, rối loạn nhịp. Tuy nhiên, nhiều ngày qua cha mẹ của bé liên tục yêu cầu bác sĩ phải cho bệnh nhi xuất viện vì chi phí quá tốn kém, gia đình nghèo, không đủ sức chi trả.
Theo BS Phan Tứ Quí, khi người bệnh có biểu hiện nghi ngờ hoặc được chẩn đoán xác định mắc bạch hầu thì cần phải sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu kết hợp với kháng sinh. Những ca bệnh nặng, có biến chứng việc điều trị phải kết hợp với các giải pháp chuyên môn khác, chi phí rất tốn kém với mức trung bình từ 40 đến 70 triệu đồng.
Khoảng 5 năm trở lại đây, bệnh bạch hầu chủ yếu xuất hiện tại những vùng dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nơi bà con còn rất khó khăn. Tuy nhiên, nhiều năm qua thuốc kháng độc tố bạch hầu trong nước đã ngưng sản xuất, nguồn hàng chủ yếu phải nhập từ nước ngoài với chi phí hơn 2 triệu đồng mỗi lọ.
Một trường hợp bệnh bình thường cũng phải sử dụng khoảng 10 lọ thuốc, ca bệnh nặng việc sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu cần nhiều hơn. Chi phí trung bình cho loại thuốc này trong quá trình điều trị của người bệnh tốn từ 20 đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, loại thuốc kháng độc tố bạch hầu hiện không được BHYT chi trả nên người bệnh phải tự thanh toán.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm phải thông qua đấu thầu tập trung. Nhưng trên thực tế nhu cầu thuốc kháng bạch hầu quá ít, thuốc có thời hạn sử dụng từ 12 đến 24 tháng, những năm không có ca bệnh, các bệnh viện gần như không dùng tới. Vì vậy, dù bệnh viện mời thầu nhưng không có đơn vị tham gia dự thầu. 2 năm nay khi có dịch bệnh xảy ra, nguồn thuốc thông qua đấu thầu không có sẵn nên phía bệnh viện phải mua trực tiếp (không qua đấu thầu) để cứu chữa bệnh nhân.
Được biết, bạch hầu là bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu nên có thể điều trị hiệu quả. Kháng độc tố bạch hầu là thuốc quyết định thành công trong điều trị, được sử dụng phù hợp với chỉ định và tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Bệnh nhân có BHYT thì có quyền được sử dụng thuốc, được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo quy định, cơ quan Bảo hiểm Xã hội và các bên liên quan cần sớm tháo gỡ vướng mắc để người bệnh có BHYT được hưởng quyền lợi của họ.
Như vậy, vấn đề “dự phòng” ở đây đã bị bỏ ngỏ từ lý do vì BHYT từ chối thanh toán tiền thuốc kháng độc tố bạch hầu mà cơ số thuốc hàng năm phòng ngừa cho việc điều trị bệnh nguy hiểm ngày tại những vùng nguy cơ bị coi nhẹ, bị lãng quên. Không thuốc điều trị người bệnh hoặc sẽ mất mạng hoặc sẽ gây nên tình trạng phát tán dịch do xuất viện khi chưa khỏi bệnh sẽ trở thành nguồn lây bệnh cho cộng đồng.