Báo chí có vai trò quan trọng trong công tác y tế của Thủ đô

Thứ Sáu, 09/06/2017, 19:44
Nhân 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 9-6, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Báo chí với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân Thủ đô”, nhằm nhìn nhận vai trò của công tác truyền thông đối với công tác y tế.


TS. Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Những năm qua, báo chí đưa nhiều tin, bài về thành tựu của ngành y tế, các gương sáng về đức hy sinh thầm lặng cứu chữa người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ, đồng thời, báo chí cũng đã nêu lên những hạn chế, thiếu sót, thậm chí là yếu kém, tiêu cực công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân để ngành y tế tự nhìn nhận, đánh giá và tìm giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các đại biểu đều đánh giá những năm gần đây, Sở Y tế Hà Nội là một trong ít đơn vị có hoạt động truyền thông hiệu quả nhất: Luôn chủ động phối hợp với báo chí trong mọi sự cố/sự kiện; cung cấp thông tin với thái độ cởi mở, thân thiện, hợp tác vv… Điển hình là vụ nổ bom ở Hà Đông; tai biến ở BVĐK TRí Đức; các BV ở Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân từ Hòa Bình về chạy thận trong sự cố y khoa ở BVĐK tỉnh Hòa Bình vv…

TS. Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội mong muốn báo chí và ngành y tế có sự hợp tác chặt chẽ

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành y khó tránh khỏi sai sót, vì thế báo chí cần có cái nhìn công bằng, khách quan, đặc biệt là truyền thông chính xác, thay vì võ đoán, phản ánh một chiều. Việc tuyên truyền về tiêm vaccine một chiều đã gây nên những hậu quả đáng tiếc. Báo chí cũng cần tôn trọng thầy thuốc và nạn nhân. Một số nhà báo tận dụng các sơ hở trong các cuộc trao đổi không chính thống với bác sĩ để viết tin, bài, gây nên sự e ngại, sợ hãi của các thầy thuốc. Đặc biệt, “truyền thông đen” khiến các thầy thuốc chịu nhiều áp lực và từ 2 chiều: cấp trên và dư luận.

Tuy nhiên, thực tế còn có nhiều bác sĩ vừa sợ, vừa ngại, vừa ghét báo chí, nên không muốn tiếp xúc, cung cấp thông tin. Do đó, các đại biểu đề nghị: Để báo chí thông tin khách quan, các thầy thuốc cần hợp tác với báo chí, tránh để xảy ra việc báo chí hỏi ý kiến không được, phải hỏi những người không có trách nhiệm và thiếu kiến thức, dẫn đến phản ánh thiếu khách quan, càng khiến ngành y tế phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng. Việc hợp tác với truyền thông trong vụ thảm họa y khoa ở BVĐK tỉnh Hòa Bình đã giúp báo chí phản ánh vụ việc rất sớm, đầy đủ và khách quan, góp phần giúp các cơ quan chức năng xử lý vụ việc rất hiệu quả, không gây hoang mang trong dư luận.

Ths. Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua –khen thưởng (Bộ Y tế) mong muốn thầy thuốc đi trước hợp tác với nhà báo

“Nếu thầy thuốc né tránh thì nhà báo vẫn phải viết và viết theo ý họ, nên không chính xác. Như vậy, người đọc sẽ không hiểu đúng bản chất sự việc và hậu quả chính ngành y phải chịu.” –TS. Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc BVĐK Đức Giang chia sẻ: Nghề báo và nghề y đều là nghề nguy hiểm vì dễ bị hành hung. Nhưng trong công việc, bác sĩ và nhà báo chưa gặp nhau, vì thế, vẫn có mảng trống khiến nhiều sự cố y khoa không được truyền thông đúng mức. Hoặc do các thầy thuốc thiếu bản lĩnh, thiếu chuyên nghiệp nên không cung cấp, không làm chủ thông tin, khiến nhiều khi đúng vẫn bị phản ứng.

Đông đảo các nhà báo và thầy thuốc tham dự hội thảo

Bác sĩ Mai Trung Hà – Giám đốc TTYT huyện Ứng Hòa cho rằng, giữa báo chí và thầy thuốc cần có sự thân thiện, hiểu biết hơn nữa để hoạt động tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được hiệu quả.

Đại diện nhiều đơn vị y tế của Thủ đô đều bày tỏ: Những người thầy thuốc chỉ làm việc cứu người, nên nếu xảy ra sai sót chỉ là điều không may. Các thầy thuốc đều rất vất vả, đặc biệt là trong các vụ dịc, vì thế, mong báo chí hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có sự tiếp xúc, trao đổi thẳng thắn và chia sẻ giữa thầy thuốc với báo chí, không né tránh cung cấp thông tin, để báo chí cùng hiểu, thông cảm, từ đó phản ánh chính xác, đầy đủ.

Các đại biểu dự hội nghị

Nhiều ý kiến cũng mong muốn ngành y tế cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đặc biệt là các vụ việc nhạy cảm, để tránh bị khủng hoảng thông tin. “Các thầy thuốc cần chủ động, đi trước, song hành với báo chí. Mỗi cán bộ y tế là một nhân viên truyền thông. Vừa tiếp tục truyền thông theo cách truyền thống, và ứng dụng truyền thông mới: facebook, zalo, youtube vv…” –Ths. Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Thi đua –khen thưởng (Bộ Y tế) nhấn mạnh.


Hơn 10 năm qua đã xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao xuất hiện cùng nhiều bệnh không lây nhiễm cũng gia tăng. Nhưng nhờ chủ động ứng phó lại, có sự hỗ trợ của báo chí, ngành y tế Hà Nội đã có nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp người dân hiểu và ủng hộ mọi nỗ lực của ngành y tế Thủ đô: Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình KCB, nâng cao chất lượng phục vụ. Nhiều BV đã chủ động có các phương pháp đón tiếp, hướng dẫn người bệnh tận tình; tăng thêm bàn khám/buồng khám; cải tiến quy trình lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; điều chỉnh thời gian khám phù hợp, khuyến khích khám theo lịch hẹn... Các BV của Hà Nội ứng dụng và phát triển nhiều kỹ thuật cao ở các lĩnh vực như: Ghép thận, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, điều trị ung thư vv...Đặc biệt, tháng 11-2016 Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - BV Xanh Pôn đi vào hoạt động với nhiều kỹ thuật mới, hiện đại mang tầm quốc tế. 


Thanh Hằng
.
.
.