Ghép tạng cho những người “ở trọ trần gian”:

Bài cuối: Còn nhiều thách thức cho ngành ghép tạng ở Việt Nam

Chủ Nhật, 04/10/2015, 08:12
Sự ra đời của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã bước đầu thắp lên hy vọng cho nhiều người bệnh từ những con số lạc quan về số người hiến tạng và ghép tạng tăng lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, con số được hiến tạng so với nguồn tạng thực và nhất là so với nhu cầu bệnh nhân cần ghép là quá nhỏ. Khó khăn nhất trong lĩnh vực ghép tạng hiện nay là thiếu tạng hiến để ghép, trong khi số tạng chết não ở Việt Nam lại rất lớn.

Do lĩnh vực này ở Việt Nam còn quá mới, nên việc truyền thông về hiến mô, tạng sau khi chết, hay chết não còn hạn chế, chưa được nhiều người biết. Hệ thống cung cấp thông tin, tư vấn và đăng ký hiến tạng cũng còn chưa đầy đủ. Rào cản lớn nhất hiện nay khiến cho nguồn tạng hiến khó được “khơi thông” chính là nhận thức của nhân dân về việc hiến tặng mô tạng, nên việc vận động hiến tạng còn khó khăn.

Nhiều người quan niệm chết phải “toàn thây” nên không muốn hiến tạng, trong khi các tôn giáo, cả đạo Thiên Chúa lẫn đạo Phật đều không có điều nào qui định người chết phải nguyên vẹn.

Quan niệm về hiến tạng ở Việt Nam cũng khác nhiều nước. Ở Nhật Bản, những người hiến tạng được tôn vinh và kính trọng, bất kể họ là ai, bởi tinh thần vì cộng đồng. Ở Đài Loan, hình ảnh người hiến tạng được dán công khai trên tường và gia đình họ được vinh danh, còn ở Việt Nam thì ngược lại. Những người hiến tạng không muốn xuất hiện vì sợ bị dị nghị.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết kể lại, có trường hợp gia đình đồng ý hiến tạng và BV đã lấy tạng rồi, nhưng vẫn phải đặt ống truyền dịch, cho bác sĩ đưa về nhà mới rút ra, để họ hàng yên tâm, láng giềng không bàn tán. Có gia đình 2 lần hiến tạng của 2 người thân với mục đích nhân đạo, không cần BV giúp đỡ bất cứ việc gì, nhưng vẫn yêu cầu giữ bí mật. Vì thế, việc vinh danh những người hiến không thể thực hiện được để vừa tri ân, lại vừa nhân rộng.

Bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết về y khoa, nên nhiều người cho rằng, chết não vẫn có thể cứu được. Theo Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, khi đã bị chết não, bệnh nhân hoàn toàn không thể tự thở được. Chức năng tim, gan hoạt động đều nhờ hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại nhất, thuốc men đắt nhất, nên cực kỳ tốn kém, chi phí tới vài chục triệu đồng/ngày. Nhưng dù có được hồi sức tích cực, thì những người chết não cũng chỉ kéo dài cuộc sống 3-4 ngày là cùng. Vì thế, nếu hiểu được người chết não không còn cơ hội sống, việc hiến tạng sẽ dễ hơn nhiều.

Hơn nữa, để xác định người chết não, không phải cứ tuyên bố là được, mà được tiến hành vô cùng chặt chẽ. Chỉ những BV có kỹ thuật hiện đại và các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao mới đủ khả năng công nhận chết não, cũng là những người có khả năng tối đa trong điều trị người bệnh. Do đó, nếu còn có thể cứu, các chuyên gia sẽ bằng mọi giá để cứu, nhưng khi không còn hy vọng, sẽ nói với gia đình người bệnh, để không cố điều trị tốn kém mà người bệnh vẫn chết, để những người hiểu biết sẽ có thể biến cái không may của mình thành sự may mắn cho người khác - mang giá trị nhân văn rất lớn.

Hai bệnh nhân vừa được ghép tạng ngày 5/9/2015 từ nguồn tạng vận chuyển gần 2.000km trong ngày ra viện.

Một số người e ngại hiến tạng lúc sống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Giáo sư Trần Ngọc Sinh, người giữ kỷ lục về ghép thận ở Việt Nam cho biết: Với những trường hợp hiến tạng lúc sống, nguyên tắc bắt buộc là không ảnh hưởng trực tiếp đến người hiến và đương nhiên, điều này phải được các chuyên gia y tế đánh giá chặt chẽ.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo vận động, tuyên truyền người dân về việc hiến tạng. Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Hội Ghép tạng Việt Nam đã được thành lập. Nhiệm vụ của các hội này là vận động người dân, tổ chức chính trị, xã hội hiểu được ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của việc hiến mô, tạng, giúp người bệnh được sống.

Một vấn đề khó khăn hiện nay của ngành ghép tạng Việt Nam là còn thiếu nhiều trang thiết bị, máy móc chuyên ngành. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết thì ngay hộp chuyên dụng để bảo quản tạng trong hành trình đi xa cũng chưa có. Các bác sĩ phải ra chợ giời mua một hộp lạnh thông thường rồi về hấp, tiệt trùng. Vì thế, ước mong có được sân bay riêng, trực thăng để sử dụng khi lấy tạng, thay vì đi máy bay dân dụng như hiện nay, có lẽ vẫn còn là một giấc mơ xa vời, dù chính Bộ trưởng Bộ Y tế đã cho biết sẽ tìm nguồn hoặc xã hội hóa để có  trực thăng y tế phục vụ cho việc cấp cứu và ghép tạng.

Lại nữa, nếu có được tạng về đến sân bay Nội Bài, mà không có xe chuyên dụng, thiếu cơ chế phối hợp với ngành giao thông vận tải, nhất là với ngành Công an để có Cảnh sát dẫn đường, thì khi đi vào giờ cao điểm sẽ rất khó đưa tạng về đúng thời gian để đảm bảo chất lượng.

Khó khăn nữa của ngành ghép tạng là chưa có chế độ chính sách phù hợp. Một chuyên gia đầu ngành ghép tạng phải đứng bên bàn mổ liên tục 6-12 tiếng và thức trắng đêm nhưng chỉ được bồi dưỡng 350.000 đồng là rất không xứng đáng. Về lâu dài, số tiền quá nhỏ so với sức lao động và tài năng của các chuyên gia sẽ không có tác dụng động viên họ say mê, hy sinh với nghề.

Lại nữa, người đến hiến tạng phải làm một loạt xét nghiệm, nhưng hiện chưa có quy  định về việc nơi nào sẽ trả số tiền này? Vì thế, nhiều trường hợp người đến hiến, chính PGS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã phải bỏ tiền túi ra để làm xét nghiệm cho họ.

Từ thực tế này, Bộ Y tế cần tạo điều kiện để Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người truyền thông mạnh hơn về việc hiến tạng, như có thể mời các chức sắc tôn giáo nói chuyện, hay cung cấp thông tin rộng rãi về tiêu chuẩn người hiến, cách đăng ký tiện lợi nhất vv… để nhiều người biết về mục đích cao cả của việc hiến tạng và có thể thực hiện dễ dàng.

Thanh Hằng
.
.
.