Ấm áp tình người trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Thứ Tư, 18/03/2020, 08:49
Khi TP Đà Nẵng xuất hiện vài trường hợp dương tính với COVID-19, giữa bao khó khăn, lo lắng, người Đà Nẵng vẫn mở lòng để chia sẻ với các lực lượng Y tế, Công an, Quân đội làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và cả những trường hợp phải cách ly để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Dù chỉ đơn giản là những ký gạo cho các trường hợp cách ly tại nhà; những ly cà phê, nước cam, ổ bánh mỳ gửi đến cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an đang trực chốt kiểm soát cách ly; những khoản tiền quyên góp hỗ trợ cho các bệnh viện… song tất cả đong đầy yêu thương, ấm áp nghĩa tình…

Ngày 8/3, 2 du khách người Anh lưu trú tại khách sạn Vanda (số 7 Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu) được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, cơ quan chức năng nhanh chóng phong tỏa cách ly gần 50 nhân viên và khách đang lưu trú tại khách sạn.

Một số trường hợp khác có tiếp xúc F2 cũng được cách ly tại nhà để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, trong đó có 3 người trong gia đình chị Lan. Từ một huyện nghèo ở Hà Tĩnh vào Đà Nẵng mưu sinh chưa lâu, chị Lan cùng mẹ và em gái thuê một phòng trọ tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà để ở. Chị Lan được nhận vào làm nhân viên buồng phòng tại khách sạn Vanda chưa lâu, còn mẹ và em gái xin phụ việc tại các hàng quán nhỏ.

Đại diện Hội golf Đà Nẵng thăm và tặng quà y, bác sĩ Bệnh viện 199.

Với ý thức vì sức khỏe cộng đồng, khi chính quyền địa phương thông báo và lập chốt cách ly tại nhà, 3 mẹ con chị Lan chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, do việc cách ly xảy ra bất ngờ, cả gia đình không có tiền cho chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày và cũng rất lo lắng khi sắp đến ngày phải trả tiền thuê phòng trọ. Biết được hoàn cảnh khó khăn đó, bà con nhân dân khu phố tự vận động đóng góp, hỗ trợ 1,5 triệu đồng và 10kg gạo.

Đại diện UBND phường An Hải Bắc và Chương  trình “Ly cà phê yêu thương” của Hội Nhà báo TP Đà Nẵng cũng đến thăm, động viên và hỗ trợ thêm 5 triệu đồng để gia đình chị Lan yên tâm thực hiện cách ly phòng dịch.

Rồi mỗi buổi sáng thường nhật, các CBCS Cảnh sát khu vực nhắn tin hỏi gia đình Lan muốn ăn gì để mua giúp. Những người quen gần đó cũng sẵn lòng giúp đỡ khi được cậy nhờ. Sự quan tâm, sẻ chia đó khiến gia đình chị Lan vô cùng xúc động và thấy càng yêu thương hơn mảnh đất, con người Đà Nẵng.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài và còn nhiều gian nan, vất vả; nhưng, sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau. Với tinh thần đó, nhiều người dân ở Đà Nẵng thể hiện sự quan tâm, sẻ chia với cộng đồng theo điều kiện, theo cách riêng của mình.

Trước việc những gia đình nhỏ đang ở phòng trọ của mình bị mất việc, hoặc thu nhập giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Hương, chủ một dãy nhà trọ ở khu đô thị Phương Trang (quận Liên Chiểu) thông báo sẽ miễn tiền thuê trọ tháng 3; nhằm chia sẻ khó khăn cho các gia đình thuê nhà, để họ dành số được miễn mua gạo, sữa cho con trong lúc công việc khó khăn, thu nhập bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Một chủ nhà trọ khác ở Đà Nẵng cũng thông báo không thu tiền trọ đối với những sinh viên thuê phòng nhưng đóng cửa về quê do tạm dừng học; những sinh viên ở lại đều được miễn giảm tiền phòng. Qua trang fanpage “Phòng trọ sinh viên Đà Nẵng”, chị này cũng kêu gọi các chủ nhà trọ khác cùng giúp đỡ, hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho sinh viên thuê trọ.

Đáng trân trọng, trong khó khăn, các doanh nghiệp cũng vào cuộc, chung tay, góp sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ông Phạm Thanh, Tổng Giám đốc khách sạn Đà Nẵng Riverside đã tặng nhiều khẩu trang y tế cho người dân Đà Nẵng khi dịch bệnh mới xảy ra ở Trung Quốc.

Đến lúc cơ quan chức năng phát hiện 2 du khách người Anh cư trú tại khách sạn Vanda mắc COVID-19 và lây chéo cho một nữ nhân viên cửa hàng Điện máy Xanh, ông Thanh nhanh chóng kêu gọi ủng hộ những trường hợp cách ly nếu gặp khó khăn, đồng thời kêu gọi đóng góp tạo “Quỹ vì một thành phố đáng sống” để chia sẻ, động viên các y, bác sĩ; các lực lượng Công an, Quân đội đang căng sức ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Ông Thanh đóng trước vào Quỹ 100 triệu đồng. Và, chỉ sau 5 ngày phát động, Quỹ đã quyên góp được gần 500 triệu đồng từ các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Từ nguồn kinh phí này, ngày 14/3, ông Thanh cùng ông Phạm Lê Văn Long, đại diện Quỹ trao tặng 3.000 khẩu trang y tế N95, 40 thùng sữa tươi, 39 hộp sữa non, 30 hộp nước súc miệng… cho các bệnh viện có tiếp nhận cách ly, chăm sóc các trường hợp nghi ngờ và điều trị bệnh nhân COVID-19. Qua cầu nối của Văn phòng Thường trú Báo CAND, Quỹ cũng đã tặng 30 triệu đồng cùng một số vật tư y tế để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bệnh viện 199-Bộ Công an. 

Cũng với sự thấu hiểu và quan tâm ấy, qua giới thiệu, kết nối của Văn phòng Thường trú Báo CAND tại miền Trung, các thành viên Hội golf Đà Nẵng cũng đóng góp, hỗ trợ chung tay trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sáng 17/3, đại diện Hội golf Đà Nẵng và Văn phòng Thường trú Báo CAND đã đến thăm và trao tặng 50 triệu đồng cho y, bác sĩ Bệnh viện 199; tặng 50 triệu đồng cho các y, bác  sĩ Bệnh viện Đà Nẵng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch. Cùng ngày, Hội cũng tặng 100 triệu đồng cho 2 cơ sở cách ly trên địa bàn Đà Nẵng.

Ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hội chia sẻ: “Dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, các y, bác sĩ đang ngày đêm vất vả ứng phó với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Chúng tôi xin tặng món quà nhỏ này để bày tỏ sự chia sẻ và gửi lời tri ân đối với các bác sĩ, điều dưỡng, các nhân viên y tế đang ngày đêm chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng”.

Mới đây, cán bộ nhân viên Công ty SaigonTel cũng vừa đóng góp, mua tặng TP Đà Nẵng 20.000 khẩu trang y tế với mong muốn chung tay cùng chính quyền và người dân Đà Nẵng phòng, chống dịch bệnh.

Hoạt động gây quỹ ủng hộ các lực lượng ở “tuyến đầu” phòng, chống dịch COVID-19 cũng được Chương trình Ly cà phê yêu thương của Hội Nhà báo TP Đà Nẵng phát động, được các phóng viên, nhà báo nhiệt tình tham gia. Nhiều cá nhân đóng góp không để lại tên tuổi, địa chỉ mà chỉ gửi lại lời chúc các y, bác sĩ luôn “chân cứng đá mềm”, vượt qua khó khăn thử thách.

“Từ trước Tết đến nay, hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế tại TP Đà Nẵng đã “chiến đấu” không ngừng nghỉ để kiểm soát, phân loại, cách ly để phòng, chống dịch COVID-19. Có những y, bác sĩ tại các bệnh viện và các khu cách ly phải xa gia đình, cả tháng trời phải bám trụ để thực hiện nhiệm vụ. Có nhiều người còn phải bỏ tiền túi để chăm lo, giúp đỡ, phục vụ những trường hợp đang được cách ly, theo dõi y tế.

“Vì vậy, chúng tôi đã quyết định kêu gọi những tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm góp quỹ với những chiến sĩ “tuyến đầu” trong phòng chống dịch COVID-19 hỗ trợ bác sĩ, nhân viên y tế, quân y để chia sẻ khó khăn và bày tỏ sự tri ân”, Nhà báo Nguyên Khôi, thành viên Ban điều hành Chương trình bày tỏ.

Sau một tuần phát động, chương trình cũng nhận số tiền đóng góp số tiền gần 150 triệu đồng. Nhà báo Nguyên Khôi cho biết, trong tuần này chương trình sẽ đi thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các y bác sĩ và cho lực lượng Công an, Quân đội làm nhiệm vụ tại các điểm cách ly…

Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, cán bộ Công an quận Hải Châu vô cùng xúc động khi kể về những bạn trẻ, những người không biết tên những ngày qua thường xuyên tặng thức ăn, đồ uống cho các tổ công tác Công an quận trực bảo vệ tại điểm cách ly khách sạn Vanda.

“Anh em đang làm nhiệm vụ thì một chiếc ôtô dừng lại. Hai cháu bé mang bánh Pizza, nước trái cây biếu cho các CBCS tổ trực và chỉ nói “Chúng con gửi cô, chú ạ!”, rồi chạy ra xe. Mình cũng nhanh chân chạy theo để kịp cảm ơn mẹ các cháu. Yêu quá đi. Rồi một em gái còn mặc nguyên tạp dề của quán cafe, chạy vào gửi mấy ly cà phê, gửi lại nụ cười qua đôi mắt trong veo trước khi vội vã chạy xe về để bán cà phê, vì có khách đang chờ… Còn nhiều người khác nữa, nhưng các anh các chị, các em ấy toàn “đánh úp nhanh gọn lẹ, nhiều khi anh em ca trực không kịp cảm ơn luôn á”, Thiếu tá Ngọc Tuyết rưng rưng bao niềm xúc động.

Sự quan tâm, chia sẻ của các doanh nghiệp, cá nhân đối với các lực lượng Y tế, Công an, Quân đội ở TP Đà Nẵng làm nhiệm vụ “tuyến đầu” phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự ủng hộ, quan tâm của cộng đồng. Mỗi người đều có thể đóng góp, bày tỏ tình cảm, sự quan tâm theo cách của mình. Tình cảm ấy cũng dành cho bao du khách và những trường hợp “bất khả kháng” phải cách ly, do đến từ vùng dịch bệnh; hoặc đi qua vùng dịch.

Nhưng, trong hoạn nạn, khó khăn, người dân Đà Nẵng vẫn đoàn kết, sẻ chia ấm áp nghĩa tình. Và tình nghĩa của người Đà Nẵng đã lay động trái tim bao người, dù họ có đến từ đâu trên hành tinh này vẫn có được cảm giác an toàn, thân thiện và càng mến yêu thành phố bên bờ sông Hàn với cảm xúc “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”…

Thân Lai
.
.
.