8 giờ giành giật mạng sống cho bé gái bị xuất huyết ồ ạt

Thứ Năm, 12/07/2018, 15:14

Ngày 12-7, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1- TP.HCM cho biết, tại đây vừa tiến hành phẫu thuật "tái thông mạch máu" cứu bé gái 13 tuổi, ngụ tại Long An.

Bệnh nhi được người nhà đưa đến BV Nhi Đồng 1 thăm khám trong tình trạng bị ói ra máu ồ ạt, không kiểm soát. Lượng máu ra khỏi cơ thể của bé rất nguy hiểm, tới mức kiểm tra hồng cầu của bé gái chỉ còn 25%. Các bác sĩ cho biết, tính mạng của bé gái đã trongcảnh nguy cấp như "chỉ mành treo chuông".

Qua lời người nhà cho biết, cách đây hơn 1 năm, bé được phẫu thuật cắt bỏ khối u khá lớn vùng đầu tụy. Từ lúc phẫu thuật đến nay, sức khỏe bé ổn định, sinh hoạt bình thường. Nhưng, đột nhiên thời điểm này bị ói ra máu ồ ạt. Gia đình hoảng sợ đưa bé đến BV Nhi Đồng 1 ngay.

Bé gái tiếp tục được chăm sóc tại BV Nhi Đồng 1 as ca mổ. 
BS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Siêu âm BV Nhi Đồng 1 cho biết, qua kiểm tra cho thấy, bé bị tắc tĩnh mạch cửa (là tĩnh mạch lấy máu từ các cơ quan nội tạng như dạ dày, ruột già, ruột non, lá lách, tuyến tuỵ... sau đó dẫn về gan). Do không có đường lưu thông, máu bị ùn ứ và tìm đường thoát ra ở các ngả mạch máu khác dẫn đến tình trạng mạch máu bị giãn nở khiến bé xuất huyết ồ ạt.
Các BS phân tích về trường hợp tắc tĩnh mạch cửa - căn bệnh guy hiểm của bệnh nhi. 

Ngay khi xác định chính xác tình trạng của bé, ê kíp các BS do BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 "chỉ huy" đã tiến hành phẫu thuật cho bé. Theo BS Hiếu, để giải quyết tình trạng tắc nghẽn này, phải cắt bỏ đoạn mạch máu bị tắc và thay bằng đoạn mạch khác. Theo đó, họ đã tái thông chỗ tắc cho bé bằng cách lấy một đoạn mạch máu dài khoảng 10cm ở cổ để làm "cầu vượt" bắc qua chỗ mạch máu bị tắc nhằm tái thông mạch cho bé.

Ca phẫu thuật diễn ra kéo dài tới 8 giờ đồng hồ và vô cùng cam go, vì cần phải làm bộ lộ rõ các mạch máu, sau đó tiến hành nối mạch, nguy cơ dễ làm tổn thương các cơ quan khác trong quá trình phẫu thuật. Rốt cục, các BS cũng thở phào nhẹ nhõm vì mọi khó khăn đã vượt qua, tính mạng của bé đã được an toàn. Vui mừng hơn cả là sau ca phẫu thuật khó khăn, cẩn trọng, một chiếc "cầu vượt" bằng mạch máu đã được các bác sĩ thực hiện thành công. Hiện, sức khoẻ của bé đã trở lại bình thường.

H.Nga
.
.
.