8 bệnh viện lớn sẵn sàng điều trị MERS-CoV

Thứ Ba, 09/06/2015, 05:58
Nhằm ngăn chặn dịch MERS-CoV vào Việt Nam, chiều 8/6, Bộ Y tế đã có cuộc họp với đại diện của WHO, CDC và các cơ sở y tế trong toàn quốc để có những biện pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn dịch.
>>Các bệnh viện sẵn sàng đối phó với MERS-CoV
>>TP HCM triển khai nhiều giải pháp ngăn dịch Mers-Cov xâm nhập

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dịch MERS-CoV đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt Hàn Quốc đã có 6 trường hợp tử vong và 87 trường hợp mắc MERS-CoV, ở độ tuổi 57-82. Đặc biệt, đang có khoảng 100.000 người Việt Nam sinh sống ở Hàn Quốc và ngược lại. Do đó, nguy cơ dịch vào Việt Nam là cấp bách. Vì thế, ngành Y tế phải tập trung phòng, chống và ngăn chặn dịch vào Việt Nam, với việc chuẩn bị sẵn sàng về chuyên môn, hậu cần, kỹ thuật, truyền thông: không được chủ quan, mà cần phải quyết liệt ngay từ đầu.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh MERS - CoV.

Các cơ quan chức năng phải phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ những địa điểm có đông người Hàn Quốc sinh sống. Nếu lơ là kiểm soát và phòng dịch sẽ phải trả giá rất đắt. Ngành Y tế phải quyết liệt ngăn chặn dịch MERS-CoV vào Việt Nam và khi có dịch thì phải tìm mọi cách để cứu sống người bệnh và ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều thống nhất về khả năng lan truyền quốc tế và có thể lây lan vào nước ta qua công dân trở về từ vùng có dịch, hay đi từ các nước khác và đi qua vùng có dịch rồi nhập cảnh Việt Nam. Đại diện của WHO nhấn mạnh: Nhiều trường hợp MERS-CoV không hề tiếp xúc với lạc đà cũng mắc, nên chưa thể xác định được nguyên nhân thực sự. Những trường hợp ở Trung Quốc không có triệu chứng. Điều đáng nói là các bệnh nhân chủ yếu do lây nhiễm chéo trong bệnh viện (BV) và tỉ lệ tử vong cao nhất là ở những người có bệnh khác đi kèm.

Đại diện ngành Y tế Công an báo cáo công tác chuẩn bị phòng, chống dịch MERS-CoV.

WHO dự kiến, số người mắc MERS-CoV ở Hàn Quốc sẽ còn tăng, do lây nhiễm từ chính những người mắc và nhiều khả năng dịch còn kéo dài. WHO yêu cầu các cơ sở y tế cảnh giác cao đối với khả năng tiếp cận với MERS-CoV, đặc biệt với khách du lịch hoặc công dân lao động trở về từ Trung Đông và yêu cầu các nước thành viên báo cáo ngay tất cả các trường hợp MERS-CoV xác định và có thể cùng với các thông  tin về yếu tố phơi nhiễm, xét nghiệm và diễn biến.

Trước khuyến cáo của WHO, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB) cho biết, Việt Nam đã triển khai các biện pháp khẩn cấp tại các BV để ứng phó với MERS-CoV, hạn chế lây nhiễm và tử vong. Nhằm duy trì hoạt động của các BV trong trường hợp dịch lan rộng, Cục Quản lý KCB đã có kế hoạch phân tuyến điều trị. Các BV được phân công điều trị những bệnh nhân MERS-CoV đầu tiên, nặng và khó là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV TW Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, BV Nhi đồng 1, 2 và BV Chợ Rẫy…

Điều khiến các đại biểu lo ngại là không địa phương nào có thể loại trừ nguy cơ dịch vào đầu tiên. Theo Sở Y tế Đà Nẵng thì nguy cơ dịch cũng rất lớn, khi đang mùa du lịch, mỗi tuần có tới 22 chuyến bay từ Hàn Quốc đến (200 khách/chuyến), cùng 63 chuyến từ Trung Quốc về (200 khách/chuyến). Hà Nội mỗi ngày có khoảng 1.000 người, còn TP Hồ Chí Minh có gần 2.000 người từ Hàn Quốc nhập cảnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương không được chủ quan, vì không biết dịch sẽ đến nơi nào trước nên cần chủ động đối phó và sẵn sàng cách ly toàn BV; nhân viên y tế ở lại 24/24h trong BV để chăm sóc bệnh nhân. Nhiều khả năng trường hợp đầu tiên sẽ được phát hiện tại BV. Khi có dịch, phải ưu tiên khám và có phòng khám riêng cho bệnh nhân MERS-CoV. Nhân viên y tế đến tận nơi xét nghiệm cho bệnh nhân, không để người bệnh đi lại trong BV và hạn chế chuyển tuyến lòng vòng. Ngay từ bây giờ, phải khuyến cáo bệnh nhân đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

Những khó khăn hiện này là giám sát người từ vùng dịch về. Điều này đòi hỏi ngành Y tế phải tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác, như trường hợp 2 vợ chồng người Việt Nam đi Trung Đông về, có cưỡi lạc đà, đã tìm đến cơ sở y tế để xét nghiệm. Nhờ đó mà 3 trường hợp về từ vùng dịch đều đã được xét nghiệm sớm để khẳng định là âm tính với MERS-CoV.

Bộ Y tế yêu cầu, khi có dịch, các đơn vị phải cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí để tuyên truyền kịp thời đến người dân. Chiều 8/6, Bộ Y tế đã ban hành quyết định bổ sung giám sát và phòng, chống bệnh MERS-CoV theo cập nhật mới nhất từ WHO: Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-14 ngày, thay cho 10 ngày như trước đây. Do đó, ngành Y tế phải quản lý và theo dõi tình trạng sức khỏe của những người tiếp xúc gần người bệnh nhiều hơn 4 ngày. 

Chiều tối 8/6, BCĐ phòng, chống dịch MERS-CoV của Bộ Y tế, gồm đại diện các ngành đã họp về tình hình bệnh, do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Bộ VH,TT&DL khuyến cáo không đưa khách du lịch đến các nước đang có dịch.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an) cho biết: Ngày 7/6, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó, yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh và các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh theo chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị miễn phí xét nghiệm với các trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV. Lãnh đạo Bộ Y tế sẽ kiểm tra công tác ứng phó với dịch ở các BV.

Thanh Hằng
.
.
.