TP HCM triển khai nhiều giải pháp ngăn dịch Mers-Cov xâm nhập

Thứ Bảy, 06/06/2015, 18:53
Trước nguy cơ dịch bệnh Mers-Cov có thể xâm nhập vào Việt Nam, sáng 6/6, đoàn công tác giám sát dịch bệnh do Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng chủ trì đã tới thị sát thực tế công tác phòng chống dịch tại Cảng Hàng không quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), và tại Khu vực Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế. 

Thắt chặt an ninh khu vực cửa khẩu và sân bay quốc tế

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế (TTKD - YTQT) Sân bay TSN cho biết, hiện tại khu vực Cảng vào, có đặt 4 máy đo thân nhiệt từ xa (2 máy chính và 2 máy dự phòng), đảm bảo thực hiện 24/24h, tất cả hành khách đi qua khu vực đều được đo thân  nhiệt.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 3/6, tại sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện khai báo y tế tại cất cả cửa khẩu quốc tế đối với tất cả hành khách đến từ Hàn Quốc và Bahrain, cộng với 9 nước Trung Đông đang thực hiện trước đó. Trong vòng 14 ngày kể từ khi hành khách rời Hàn Quốc và các nước Trung Đông phải thực hiện khai báo y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam để được giám sát, hỗ trợ sức khỏe về Mers-Cov.

Từ ngày 5/6/2015, hành khách sẽ được phân luồng, giám sát sức khỏe ngay khi xuống khỏi xe buýt, khu vực Cảng Hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong lúc đó tại khu vực mặt đất, các nhân viên tại TTKD - YTQT thực hiện việc phân luồng khách đi theo 2 đường: Khách tới từ vùng không có dịch và khách tới từ vùng có liên quan tới dịch.

Sau khi có xác nhận, đóng dấu của TT KD -YTQT trong tờ khai này, hành khách mới được tiếp tục làm các thủ tục khác tại khu vực Công an cửa khẩu hay Hải quan.

Mọi thông tin về hành khách, tới nơi cư trú tại Việt Nam, cùng các thông tin trên tờ khai, hướng dẫn cho khách biết, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh họ sẽ tới đâu để khám... đều được lưu lại ở TTKD- YT QT.

Các máy đo thân nhiệt từ xa được đặt tại Khu vực Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, đảm bảo hoạt động 24/24.

Cũng theo ông Tâm, khi phát hiện một hành khách nghi ngờ có bệnh thì Công an Cửa khẩu và Hải quan sẽ tới hỗ trợ, tiến hành cách ly, kiểm soát thông tin về bệnh nhân. TTKD - YTQT phối hợp với lực lượng chức năng Cảng Hàng không miền Nam, trung tâm cấp cứu 115 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM để chuyển ngay bệnh nhân nghi ngờ tới nơi cách ly tại bệnh viện an toàn và được chăm sóc điều trị.

Hiện, tại Cửa khẩu Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mỗi ngày có 3 chuyến bay tới từ Trung Đông, với trung bình 550 hành khách/ngày và 7 chuyến bay tới từ Hàn Quốc tới với trung bình 1.200 hành khách/ngày.

Để phòng ngừa lây nhiễm cho các cán bộ làm việc trực tiếp tại đây, số lượng các thiết bị bảo hộ lao động phòng ngừa lây nhiễm, ông Tâm cho biết, đã được cung ứng đủ, cùng với trên 50 kg hóa chất khử khuẩn dự trữ phòng khi sử dụng.

Khẩn trương kiện toàn các đội phản ứng cơ động

Theo Phó Giám đốc Sở y tế TP HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng, việc tăng cường giám sát sẽ tập trung theo 3 khu vực: Sân bay, bến cảng; bệnh viện và tại cộng đồng.

Đã có 4 đội cơ động phản ứng nhanh cấp thành phố được thành lập từ đợt phòng chống dịch Ebola, nay tại các quận huyện sẽ tiếp tục kiện toàn thêm từ 1-2 đội cơ động/quận, huyện kịp thời phát hiện, hướng dẫn người bệnh, cách ly và đưa tới nơi điều trị kịp thời.

Hành khách có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Mers -Cov sẽ được cách ly tạm thời ngay tại khu vực Kiểm dịch Y tế quốc tế.
Phòng cách ly chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh Mers-Cov tại Cảng Hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, trước khi được di chuyển tới bệnh viện chuyên khoa chăm sóc...

Ông Hưng cũng khẳng định, cho tới thời điểm này,  TP HCM vẫn đang ở tình huống I, tức chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh Mers-Cov.

Người dân cần chủ động chống dịch

Theo ông Hưng, Mers-Cov là bệnh dịch rất nguy hiểm, chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện triệt để các khuyến cáo của ngành Y tế.

Trong đó có hạn chế đi tới các nước đang có dịch thời điểm này, nếu buộc phải tới thì cần tìm hiểu trước thông tin dịch tễ tại nơi đến để có chủ động phòng chống bệnh. Thực hiện vệ sinh cá nhân thường xuyên: rửa tay xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn, đặc biệt sau khi hắt hơi, ho hoặc chùi mũi; hạn chế tiếp xúc với người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, khi cần tiếp xúc thì đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách tiếp xúc.

Đặc biệt, những người trở về từ quốc gia đang có dịch trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như: Sốt trên 38 độ C, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người bệnh dấu hiệu như trên cần đeo khẩu trang và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm Mers-Cov.

Huyền Nga
.
.
.