600.000 người chết do phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động mỗi năm

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:11
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây tử vong cho một nửa số người sử dụng nó cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc lá khác.


So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm so hút thuốc lá là rất cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do sử dụng thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 năm đến 20 năm của cuộc sống. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh.

Theo thông tin từ Quỹ Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người. Tại các nước có thu nhập cao, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi, ngược lại sử dụng thuốc lá đang có xu hướng gia tăng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% số người sử dụng thuốc lá sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Mỗi năm thế giới có khoảng 6 triệu người chết tử vong do các bệnh liên quan đến  hút thuốc lá và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. 

Cũng theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá không được thực hiện thì đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên thành 8 triệu người một năm, trong đó 70% các ca tử vong là ở các nước đang phát triển. 

Hàng năm có 600.000 người trên thế giới chết do khói thuốc lá thụ động.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ. 56% người hút thuốc ở bắt đầu hút trước tuổi 20. Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam.

Theo điều tra tại Bệnh viện K Trung ương năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Nghiên cứu năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật. 

Gánh nặng bệnh tật các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng: Tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% năm 1976 xuống còn 19,8% năm 2010 thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm gia tăng từ 42,6% năm 1976 lên 71,6% năm 2010.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá cũng gây ra các gánh nặng kinh tế không chỉ cho bản thân người bệnh mà còn cho cả gia đình và toàn xã hội. Năm 2015, người Việt Nam đã bỏ ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Số tiền mua thuốc lá trung bình hàng năm của một người hút thuốc là 2,7 triệu đồng.

Với tính cấp thiết của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật PCTH của thuốc lá vào ngày 18-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. 

Luật gồm 5 chương và 35 điều, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương; quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc; quyền, nghĩa vụ của công dân; các hành vi bị nghiêm cấm trong PCTH thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc; các địa điểm cấm hút thuốc lá; các điều kiện đảm bảo để PCTH của thuốc lá.

Để đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật PCTH của thuốc lá đã có quy định về việc thành lập Quỹ PCTH của thuốc lá. Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật PCTH của thuốc lá, từ năm 2014 Quỹ đã hỗ trợ cho 63 tỉnh, thành phố và 26 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội để triển khai hoạt động PCTH của thuốc lá. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCTH thuốc lá với nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thu được nhiều kết quả tích cực. Nhờ tuyên truyền tốt mà ở các địa phương, bộ, ban ngành đã xây dựng được nhiều mô hình không khói thuốc lá.

Qua rà soát cho thấy, sau hơn 3 năm hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá của Quỹ PCTH của thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm; tỷ lệ hút thuốc lá điếu trong nam giới khu vực thành thị giảm rõ rệt; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở bệnh viện, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng, mạng lưới phòng chống tác hại của thuốc lá trên toàn quốc được thiết lập; năng lực cho mạng lưới cộng tác viên phòng chống tác hại thuốc lá được nâng cao...

Cũng theo thông tin từ Quỹ PCTH thuốc lá, để giảm thiểu tác hại của việc hút thuốc thụ động, trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng trong nhà của khách sạn, nhà hàng, các nơi làm việc, cơ sở y tế, bến tàu, bến xe và nhân rộng các mô hình không khói thuốc.

Minh Phương
.
.
.