6% nhân viên y tế nhiễm COVID-19: Cấp bách bảo vệ các “chiến sĩ áo trắng”

Thứ Tư, 05/08/2020, 17:12
Kể từ khi làn sóng thứ 2 dịch COVID-19 xuất hiện, đến nay có 14 cán bộ y tế của Việt Nam nhiễm COVID-19 trong 224 ca mắc mới liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng, chiếm tỷ lệ 6%. So với thống kê ở 77 nước trên thế giới, tỷ lệ này gần tương đương. Đây là vấn đề hết sức lo lắng.


Bắt đầu thiếu hụt nguồn nhân lực

Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch COVID-19” do Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức vào sáng 5/8, Ths Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết: 14 cán bộ y tế nước ta bị nhiễm COVID-19 trong 224 ca mắc mới, chiếm tỷ lệ 6%. Tỷ lệ này cũng gần tương đương với thống kế của Hội Điều dưỡng Thế giới ở 77 nước, cán bộ y tế lây nhiễm khoảng 7%. Đây là vấn đề khiến chúng ta hết sức lo lắng, bởi một cán bộ y tế mắc bệnh kéo theo đó là đồng nghiệp của họ trong khoa, trong bệnh viện rơi vào trạng thái cách ly, không còn nguồn nhân lực phục vụ bệnh nhân.

Ths.Phạm Đức Mục cho hay, do dịch bệnh của chúng ta chưa thể đoán trước được diễn biến ra sao, trước mắt cán bộ ngành y tế còn phải đương đầu với rất nhiều thách thức. Đợt dịch thứ 2 mới có trên 200 người bệnh dương tính, nhưng đã bắt đầu xuất hiện thiếu hụt nguồn nhân lực y tế. Cụ thể, Bộ Y tế đã phải cấp tốc chi viện nhiều bác sĩ giỏi cho Đà Nẵng. UBND tỉnh Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu hỗ trợ, Hải Phòng và Bình Định đã gửi các bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm đến Đà Nẵng. “Nhưng kịch bản có xuất hiện thêm bệnh nhân COVID-19 thì chúng ta sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực”, ông Mục cho hay.


Các khách mời tham gia buổi tọa đàm

Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng nhấn mạnh đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng ở nước ta. “Để đạt được điều dưỡng trên tỷ lệ 10.000 dân bằng Thái Lan chúng ta phải tăng gấp 2 lần hiện nay, phải tăng gấp 3 để bằng Malaysia và phải tăng gấp 10 lần mới bằng được Nhật Bản…Tới đây chúng ta phải tăng các bác sĩ hồi sức cấp cứu, điều dưỡng hồi sức cấp cứu thì mới đáp ứng đủ nhân lực. Các tỉnh, thành hiện chưa có bệnh nhân COVID-19, tôi khuyến cáo thời gian này dành đào tạo cho điều dưỡng có năng lực về hồi sức tích cực để chuẩn bị sẵn sàng khi có bệnh nhân”, ông Mục nói.

Theo ông Mục, trong trận chiến với COVID-19, vai trò của các điều dưỡng rất quan trọng. “Họ là hậu thuẫn chuyên môn của các bác sĩ, đặc biệt các bệnh nhân dương tính đang cách ly trong buồng bệnh, không có ngươi thân, người nhà, các điều dưỡng đã thay người thân của họ chăm sóc tận tình cho bệnh nhân từ bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh, gần gũi an ủi tinh thần cho người bệnh…”, ông Mục nói.

Tuy nhiên, chính điều dưỡng lại trở thành bệnh nhân, đây là trạng thái đảo chiều không ai mong muốn. “Tôi đặc biệt nhấn mạnh lực lượng điều dưỡng có nhiều nguy cơ cao nhất vì họ là người thường xuyên nhất, liên tục nhất với bệnh nhân. Họ làm việc dài ngày, nhiều giờ, chăm sóc, thực hiện tất cả các thủ thuật, có thủ thuật người bệnh ho, sặc, bị văng giọt bắn và nguy cơ lây nhiễm cho điều dưỡng là rất lớn”, ông Mục cho biết.  

“Nếu bác sĩ, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID hiện nay bị bệnh thì họ không có sức khỏe để chăm sóc cho bệnh nhân và bệnh nhân thiếu đi lực lượng chữa bệnh, thì điều dưỡng nhiễm bệnh cũng sẽ thiếu hụt đi nguồn nhân lực phục vụ, thực hiện một số thủ thuật và chăm sóc bệnh nhân”, ông Mục nhấn mạnh.

Tuân thủ phòng chống nhiễm khuẩn

Bảo vệ nhân viên y tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong lúc này. Vì theo như Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, nếu nhân viên y tế mang mầm bệnh phục vụ bệnh nhân thì tăng nguy cơ lây bệnh cho bệnh nhân. Mặc dù công việc của các nhân viên y tế hiện đang hết sức vất vả, nhưng chúng ta phải tuân thủ các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn.

“Tôi muốn nhấn mạnh thêm chúng ta phải tuân thủ mọi biện pháp bảo vệ an toàn, trước tiên là an toàn cho bác sĩ và cho người bệnh. Bởi lúc này sức khỏe của bác sĩ, thầy thuốc là hết sức quan trọng. Mong tất cả hội viên Hội điều dưỡng Việt Nam hãy tạo niềm tin, mang sức mạnh tinh thần đến cho các điều dưỡng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19”, ông Mục nói.

Bảo vệ các "chiến sĩ áo trắng" để họ có sức khỏe cứu chữa người bệnh (Ảnh: Lê Bảo- Minh Thùy)

Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị mua sắm phải lưu ý trong việc mua sắm thiết bị phòng hộ, khẩu trang, găng ty y tế vì đã xuất hiện tình trạng một số cơ sở tái sử dụng găng tay, khẩu trang. "Tuyệt đối không để những trang thiết bị phòng hộ kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn đưa vào sử dụng trong bênh viện, bởi vì trang thiết bị phòng hộ là lá chắn an toàn cho bác sĩ, nhân viên y tế", ông Mục nói.

Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: Sức khỏe của cán bộ y tế hiện nay là tài sản của quốc gia, nên các bạn phải đặc biệt tuân thủ phòng chống lây nhiễm chéo, chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, bảo vệ an toàn cho mình và người bệnh.




Trần Hằng
.
.
.