36 giờ qua không có ca mắc COVID-19 mới, 8 BN tiên lượng nặng
- Thái Lan ghi nhận ca nhiễm COVID-19 cộng đồng sau hơn 100 ngày
- Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm COVID-19 diện rộng theo hộ gia đình
Tính đến 6h ngày 4/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 61.968 người, trong đó 998 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 15.619 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 43.351 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay Việt Nam đã điều trị khỏi cho 755 bệnh nhân COVID-19, ghi nhận ca tử vong thứ 35.
Hiện, còn 291 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 99 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính 1 đến 3 lần với SARS-CoV-2
Cả nước hiện có 8 trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng rất nặng, trong đó có 2 trường hợp tiên lượng tử vong.
Ca bệnh mới mắc ở Hải Dương BN1045, 72 tuổi, diễn biến nặng, phải thở máy ngay khi nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân có tiền sử mắc phì đại tiền liệt tuyến và thoát vị cột sống cổ, trước khi mắc COVID-19 từng nhập viện 1 tháng điều trị bệnh phì đại tiền liệt tuyến.
Đây là trường hợp tiên lượng rất nặng, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 1/9 trong tình trạng suy hô hấp nặng, ngay lập tức được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực, phổi bị tổn thương nặng, đặt ống thở máy.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 3/9, các chuyên gia nhấn mạnh tinh thần phải chung sống an toàn với dịch và thảo luận sâu về chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình mới.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đến nay, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, nhưng tổng chi phí dành cho công tác chống dịch chưa đến 400 triệu USD. Việt Nam không chỉ ngăn chặn dịch hiệu quả mà còn là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là phải bảo đảm mục tiêu kép là vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế. Trước mắt là yêu cầu phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu đem lại lợi ích cho quốc gia, cùng với đó là những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Muốn vậy, phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có chiến lược xét nghiệm.
Các chuyên gia nhấn mạnh phải thay đổi chiến lược xét nghiệm theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm.
Các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… đã triển khai việc xét nghiệm nhanh để quản lý người nhập cảnh tại các cảng hàng không quốc tế.
Hiện nay, tại Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên.