Tái hiện ký ức chiến tranh tại Vườn Nghệ thuật sông Thương

Thứ Tư, 30/08/2017, 13:46
Một không gian nghệ thuật với nhiều biểu tượng văn hoá của Việt Nam và thế giới mang tên “Vườn nghệ thuật Sông Thương” nằm ven bờ sông Thương thơ mộng và trù phú đã lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.


Điều đặc sắc ở đây là không gian văn hóa Việt thấm đẫm với những mái nhà đặc trưng vùng Kinh Bắc, giếng cổ, sân phơi, các đồ gia dụng truyền thống của người Việt. Ở đây còn có cả tàu điện Đồng Xuân, phố cổ Hà Nội, nhà trưng bày văn hoá Kinh Bắc và những bức tượng các nhân vật điển hình của văn học Việt Nam như: Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc, Giáo Thứ, Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, Nghị Hách, Thị Mịch... được kết bằng cây xanh trong Khu vườn hiện thực Nam Cao - Vũ Trọng Phụng.

Đặc biệt, từ ngày 29-8, Bảo tàng Di tích chiến tranh cũng được ra mắt và trở thành một điểm nhấn quan trọng của Vườn nghệ thuật này.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã bày tỏ sự xúc động sâu sắc khi nhiều kỷ vật chiến tranh đã được đưa về đây, trưng bày trân trọng một cách rất nghệ thuật, góp phần nuôi dưỡng cảm xúc của các thế hệ sau về những đóng góp của những người đi trước.

Một số hình ảnh ở Bảo tàng Di tích chiến tranh 

Bảo tàng cũng trưng bày cả sơ đồ trận đánh sông Như Nguyệt năm 1077 do Lý Thường Kiệt chống quân Tống xâm lược; sơ đồ Chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang của nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc Minh; Bắc Giang với núi rừng Yên Thế là căn cứ của Nghĩa quân Đề Thám chống Pháp được phục dựng một phần đồn Phồn Xương gồm: thành hào, nhà ở, cổng gác, lỗ châu mai và các hình ảnh Đề Thám với nghĩa quân bằng nước ảnh đen trắng.

Ngoài ra, Bảo tàng Di tích Chiến tranh còn lưu giữ, phục dựng những mất mát của chiến tranh theo các chủ đề: Nhà tù, Chất độc da cam, Chiến trận, Hành trang người lính, Chiến trường - Máu và hoa... với nhiều hiện vật phong phú, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu được giới thiệu: Máy chém thời thực dân Pháp; các vỏ bom Mỹ; vỏ đạn pháo “Vua chiến trường” 175mm; vỏ đạn cối 82mm; vỏ bom bi mẹ; cây nhiệt đới; thùng Rumine đựng nước của lính Mỹ; mũ sắt của lính phòng không; ống pháo sáng; những hình ảnh các cánh rừng trụi lá do chất độc da cam; các hình ảnh quái thai, dị dạng là hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do người Mỹ thực hiện ở miền Nam...

Ở chủ đề “Chiến trường - Máu và hoa” được trưng bày ngoài trời bằng các nửa vỏ bom, hoặc vỏ bom bị nổ xé không hết toe toét, xù xì, với những hình dáng khác nhau được trồng hoa mười giờ, hoa hồng... Những bức tranh, tượng... được sáng tạo từ quá khứ chiến tranh có sức ám ảnh, day dứt.

Vườn tượng về các nhân vật điển hình trong văn học nghệ thuật Việt Nam

Hiện vật ở Bảo tàng Di tích Chiến tranh không chỉ sưu tầm từ chiến trường xưa hoặc từ người dân, mà còn được các tướng lĩnh, sĩ quan, văn nghệ sĩ nổi tiếng từng là người lính ra trận trao tặng. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân tặng chiếc ống nhòm của quân đội Mỹ vốn là chiến lợi phẩm được ông dùng suốt những năm làm tiểu đội trưởng trinh sát ở Mặt trận Tây Nguyên. Đặc biệt là quyển sổ nhật ký nhỏ được người lính ở hai chiến tuyến cùng sử dụng; ông Luân nhặt được của một trưởng xe thiết giáp Quân đội Việt Nam Cộng hòa, tiếp tục ghi nhật ký vào những trang còn lại. 

Cựu chuẩn úy - nhà văn Nguyễn Văn Thọ giữ được chiếc mũ sắt và chiếc ăng gô sử dụng ở Mặt trận Quảng Trị, cũng đã tin tưởng trao tặng. Họa sĩ chiến tranh nổi tiếng Lê Trí Dũng, nhà thơ Đặng Vương Hưng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. các tướng lĩnh quân đội như: Nguyễn Hữu Khảm, Phúc Nguyên... cũng trao tặng nhiều kỉ vật chiến trường một thời hào hùng.

Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ: "Chiến tranh đã qua đi. Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả nếu như không có những sự lưu giữ. Bảo tàng Di tích Chiến tranh sẽ là một không gian nghệ thuật lưu giữ các hiện vật, hình ảnh chiến tranh và hậu quả của chiến tranh".

Những hiện vật chiến tranh luôn có tiếng nói tự thân, sinh động và thuyết phục, là những chủ thể thẩm mĩ, đồng thời gợi nhiều suy ngẫm về sự sống và cái chết. Những người quan tâm, đặc biệt là các bản trẻ sinh ra, lớn lên giữa thời bình đến đây có thể hình dung phần nào sự tàn khốc, mất mát, đau thương từ chiến tranh vaà tự rút ra bài học riêng của mình.

Tối 29-8, “Vườn Nghệ thuật Sông Thương” cũng tiếp tục bổ sung khu vườn tượng nghệ thuật hiện thực độc đáo với hơn 20 bức tượng lấy cảm hứng từ các nhân vật văn học hiện thực phê phán, từ trang sách bước ra: Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lý Cường, Lão Hạc, vợ chồng giáo Thứ, chị Dậu và cái Tý... ở các hình dáng, tâm trạng, hành động rất sống động, do nhà điêu khắc Hữu Thái sáng tạo. Học sinh đến thăm Vườn còn có thể được trải nghiệm cùng không gian nông thôn: cổng làng, sân đình, lò gạch, cây rơm, hàng cau, bến nước... để học ngoại khóa về các nhân vật văn học mà mình yêu thích.

Ngoài ra, ở Vườn nghệ thuật sông Thương còn có các tượng: Nữ Thần Tự do, Nàng tiên cá, cô gái Chăm vác lu nước. Đặc biệt là tượng nhà thơ Hoàng Cầm – người con của quê hương Kinh Bắc được đặt trang trọng bên câu thơ: “Cúi lạy Mẹ, con trở về Kinh Bắc” bằng chữ nổi màu xanh, trên nền hoa văn màu trắng.

Hiểu quá khứ để trân trọng hiện tại và có trách nhiệm với tương lai, đó là thông điệp của Vườn nghệ thuật Sông Thương.


Thanh Hằng
.
.
.