Bảo tàng điêu khắc Chăm trước thách thức thời gian

Thứ Tư, 19/07/2017, 09:48
Dấu lịch sử trăm năm tồn tại đã mang sức nặng thời gian đè nặng lên Bảo tàng điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng. Những ngày mưa nắng nối nhau qua đi, vẻ ngoài của bảo tàng vẫn giữ được vẻ cổ xưa nhờ “trốn” sau những lớp sơn nhưng phía bên trong, sự “đầu hàng thời gian”của kết cấu cũ đã hiện rõ.

Nằm phía “đuôi” cầu Rồng bắc qua con sông Hàn, trên đường 2-9, Bảo tàng điêu khắc Chăm hiện tại đang lưu giữ tổng cộng tới hơn 2.000 cổ vật và cho trưng bày khoảng 400 hiện vật thuộc loại tiêu biểu nhất. Tới từ nhiều vùng đất mang đậm nét văn hóa Chăm như thánh địa Mỹ Sơn, kinh đô Champa thời sơ kỳ Trà Kiệu, Đồng Dương - trung tâm Phật giáo Chăm Pa, gò đồi tháp Mẫm – Bình Định.

Các tác phẩm hội tụ tại đây có niên đại trải dài từ thế kỷ IV tới XV, mang trong mình ngàn năm lịch sử nghệ thuật của vương quốc Chăm Pa, phản ánh phong cách kiến trúc và điều khắc.

Mức độ nguyên trạng của các hiện vật khá da dạng, có những hiện vật giữ được mức gần như vẹn nguyên nhưng cũng có những vật chẳng còn hình dáng. Tại đây có 3 bảo vật quốc gia mang ý nghĩa lịch sử, kiến trúc, tín ngưỡng và cả giá trị định giá vật chất là đài thờ Mỹ Sơn 1, đài thờ Trà Kiệu và tượng bồ tát Laksmindra Lokesvara.

Ông H. Mart bên cổ vật quốc gia Đài thờ Mỹ Sơn E1.

Trở về một thế kỷ trước, khởi nguồn bởi nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier và một đề án của Viện Viễn đông Bác cổ, Cổ viện Chàm (tên gọi cũ của bảo tàng điêu khắc Chăm) bắt đầu được hình thành trên ý tưởng. Xây dựng năm 1915, mang trong mình nhiệm vụ lưu trữ, bảo quản, trưng bày và nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc Chăm từ năm 1919, tới nay bảo tàng đã gần trăm tuổi.

Nằm giữa dải đất miền Trung, đây là điểm lưu giữ cổ vật văn hóa Chăm lớn nhất cả nước. Bắt đầu từ đó đến nay, hàng triệu những vị khách từ khắp nơi trên thế giới đã đặt chân tới đây để chiêm ngưỡng. Nhưng đến hiện tại, bảo tàng đã và đang phải thực hiện những thay đổi khi đứng trước thách thức của thời gian.

Sức hút của những cổ vật đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài là rất lớn, trong năm 2016 bảo tàng đã đón gần 200 ngàn lượt khách du lịch tới thăm và con số này tăng theo từng năm.

Ông H. Mart, du khách châu Âu cho biết: “Biết đến và bị thu hút bởi văn hóa Chăm từ lâu, tuy nhiên cũng phải tới khi con gái tôi trở về từ Việt Nam tôi mới có thêm thông tin về bảo tàng là nơi đang lưu giữ nhiều cổ vật giá trị. Sau đó tôi cùng bạn của mình quyết định chọn đây là một điểm đến trong những ngày tại Việt Nam”. Theo ông Mart, điều hấp dẫn ở những pho tượng hàng ngàn năm tuổi này đó là những câu chuyện, ý niệm ẩn chứa phía sau vẻ ngoài tưởng như đơn giản, dễ đoán.

Mart chia sẻ, bảo tàng điêu khắc Chăm đang lưu giữ những biểu hiện riêng biệt, nét riêng không trùng lặp của con người và vùng đất nơi đây. Chính vì thế mà những người như ông muốn tới để tận mắt nhìn thấy những vật chứa đựng lịch sử. Nhưng so với các bảo tàng ngày nay thì không gian trưng bày tại đây chưa thực sự tối ưu, hiệu quả từ bố cục tới vị trí đặt mảng văn hoá và lượng cổ vật chưa đồ sộ; những lý do này phần nào “làm mờ” đi giá trị của hiện vật.

Duy trì một không gian trưng bày cũ là một điều “thiệt thòi” cho du khách khi tới đây tham quan bởi nhiều hiện vật nằm “im lìm” trong kho, một số hiện vật độc đáo và giá trị không được xuất hiện mà thay vào đó là bản sao. Lấy ví dụ pho tượng bồ tát bằng đồng được đúc theo phong cách Đồng Dương - Laksmindra Lokesvara, ra đời trước đây ngàn năm mang những nét khắc, trạm chi tiết tỉ mỉ, điêu luyện.

Được tìm thấy cách đây gần 40 năm, đi kèm những câu chuyện kỳ bí mà người ta thêu dệt đến ngày nay cùng mức phí bảo hiểm 5 triệu USD từng mua cho bức tượng trong một lần ra nước ngoài triển lãm cho thấy hiện vật có giá trị rất lớn. Nhưng nay, chỉ duy nhất… nhân viên bảo tàng, người có trách nhiệm trông coi hiện vật này có thể tận mắt nhìn thấy bởi nền tảng điều kiện an ninh của bảo tàng được kế thừa từ… một thế kỷ trước.

Trong những năm gần đây, tại Bảo tàng điêu khắc Chăm đã phối hợp cùng Bảo tàng lịch sử Quốc gia có những hoạt động khảo cổ học, khai quật cổ vật diễn ra ngay tại Đà Nẵng rất đáng chú ý như phát tích di chỉ Chăm Phong Lệ, Quá Giáng, Cấm Mích… và như vậy, số lượng các hiện vật đổ về đây ngày một nhiều. “Qua thời gian, tổng thể công trình xuống cấp, các bức tường xuất hiện nhiều vết nứt khiến nước thấm dột, gây ẩm mốc nên không đảm bảo an toàn.

Thêm nữa, ngày trước người Pháp khi xây dựng nơi này đã gắn trực tiếp rồi cố định nhiều bức tượng, các tấm phù điêu vào tường hay phía dưới bệ đỡ. Như vậy việc xuống cấp công trình sẽ có tác động ảnh hưởng tới những hiện vật”, đại diện bảo tàng, anh Lý Hoà Bình – Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông của bảo tàng thông tin. Cũng trong thời gian các năm gần đây, đơn vị tiếp nhận số lượng hiện vật ngày càng nhiều nên không gian trước kia giờ trở thành bó hẹp, chật chội, anh Bình tiếp lời.

Để khắc phục tình trạng trên, hiện tại bảo tàng đang tiến hành tu sửa tòa nhà cũ và xây mở rộng thêm khu vực trưng bày nằm phía sau tòa nhà cổ; đồng thời sẽ gỡ các hiện vật gắn trực tiếp và chuyển sang vị trí mới. Đợt trùng tu trọng điểm mang lại cấu trúc mới cho bảo tàng lần này được bắt đầu từ năm 2016 và sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2017, nguồn vốn từ ngân sách thành phố Đà Nẵng.

Cho đến thời gian đầu tháng 7, trong chương trình mở rộng, bảo tàng đã có thêm hai khu trưng bày mới là phòng Gốm Sa Huỳnh Champa (mang giả thuyết đây là tiền thân của nền văn hóa Champa dựa trên sự tương đồng của một số hiện vật gốm) và phòng Văn hóa Chăm Ninh Thuận, hiện đã tham gia vào hoạt động tham quan, trưng bày.

Cùng với đó một sự thay đổi lớn nữa là không gian trưng bày khi các cổ vật được áp dụng kiểu phòng trưng bày mẫu dựa trên nghiên cứu về bảo tàng học với sự phối hợp của Đại sứ quán Pháp. Cách sắp đặt, bục bệ, ánh sáng hoàn toàn được bố trí lại theo cách mà các bảo tàng hiện đại đang thực hiện để du khách có thể tiếp cận trình tự thời gian khi tham quan, nội dung ý nghĩa bằng góc độ đầy đủ, trọn vẹn hơn.

Trung Hiếu
.
.
.