Thu hút đông đảo giới trẻ đến bảo tàng bằng chính sách công chúng

Chủ Nhật, 02/07/2017, 10:25
Trong những năm qua, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh không chỉ là nơi thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế nhất trong số các bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh mà đây còn là địa điểm yêu thích của giới trẻ.

Đó là nhờ bảo tàng không ngừng tìm kiếm và xây dựng những chính sách, chương trình tham quan bảo tàng lôi cuốn, sinh động dành cho lứa tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên. Đây cũng chính là một trong những đối tượng phục vụ chính của Bảo tàng khi thực hiện “Chính sách công chúng”.

“Chính sách công chúng”

Không phải ngẫu nhiên mà liên tiếp trong nhiều năm, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh được trang website du lịch hàng đầu thế giới TripAdvisor vinh danh là một trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á và năm 2016 được bình chọn là một trong những bảo tàng hấp dẫn nhất thế giới.

Thành quả này đạt được nhờ từ năm 2006, bảo tàng thực hiện “Chính sách công chúng”, từ đó đưa ra nhiều chương trình tham quan bảo tàng hấp dẫn cho mọi đối tượng.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết: Hoạt động của các bảo tàng trong nước khá trầm lắng, thụ động so với các nước trên thế giới do nhiều yếu tố, kinh tế, nhận thức của người dân, người đứng đầu bảo tàng…

Từ năm 2006, thông qua chương trình đào tạo trong khuôn khổ Dự án FSP về Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam do Chính phủ Pháp tài trợ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được tiếp cận với khái niệm “Chính sách công chúng”.

Từ đó, Bảo tàng không ngừng nâng cao, ứng dụng và phát triển bằng nhiều hình thức khác nhau.

Từ khái niệm “Chính sách công chúng”, Bảo tàng đã chia công chúng thành những nhóm khác nhau như công chúng nước ngoài, công chúng Việt Nam. Trong công chúng Việt Nam, Bảo tàng lại chia ra trẻ em, thanh niên, người lớn…..

Mỗi nhóm công chúng sẽ có tâm lý, nhu cầu tham quan bảo tàng khác. Trên cơ sở đó, Bảo tàng có những hoạt động triển lãm khác nhau để thu hút du khách. Nhờ vậy, nhiều năm qua, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh luôn là một trong những điểm tham quan thu hút lượng khách đông nhất ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tính từ năm 1990 đến hết năm 2016, Bảo tàng đã đón tiếp hơn 14 triệu lượt khách tham quan, trong đó có khoảng 7,5 triệu khách quốc tế, hơn 4,6 triệu khách Việt Nam và khoảng 2,2 triệu khách tham quan triển lãm lưu động. Riêng năm 2016 có hơn 1,4 triệu lượt khách tham quan bảo tàng.

“Những thử nghiệm ban đầu của Bảo tàng không hề đơn giản mà cũng gặp không ít khó khăn về kinh phí và sự ủng hộ của các sở ban ngành. Như năm đầu tiên thực hiện chương trình giao lưu “Ông – Bà – Cháu cùng đến với bảo tàng”, Bảo tàng chỉ có vỏn vẹn 1,5 triệu đồng để thực hiện.

Đây cũng là chương trình mới nên nhiều sở, ban, ngành lo ngại. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì thực hiện đến nay đã được 6 năm. Sau nhiều năm thực hiện, Bảo tàng đã nhận được sự ủng hộ của cấp trên.

Đây là một thành công lớn và mang tầm quốc tế bởi thực chất ở các nước tiên tiến, chương trình giao lưu này đã được các bảo tàng thực hiện khá lâu.” – Bà Vân tự hào chia sẻ.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh luôn thu hút khách tham quan.

Hướng tới giới trẻ

Hiếm có bảo tàng nào lại có sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ trong hoạt động như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Chính vì vậy, bên cạnh việc các công ty du lịch đưa khách là thiếu nhi, học sinh, sinh viên đến bảo tàng tham quan trong các tour du lịch về nguồn, Bảo tàng cũng tự mình tìm kiếm nhiều chính sách, chương trình nhằm thu hút hơn nữa nhóm đối tượng này đến với bảo tàng.

Điển hình là chính sách miễn vé vào cổng cho trẻ dưới 15 tuổi của thành phố, tổ chức kết nạp Đội, Đoàn trong Bảo tàng hoàn toàn miễn phí, hình thành Phòng Bồ câu trắng – là phòng giáo dục hòa bình dành riêng cho trẻ em…

Không thể không kể đến những chương trình như “Hướng dẫn viên nhí”, “Ông – Bà – Cháu cùng đến bảo tàng”. Đây là những chương trình diễn ra vào mùa hè, nhằm giúp trẻ có thêm những trải nghiệm thú vị cũng như có thêm một nơi để vui chơi vào dịp hè.

“Hướng dẫn viên nhí” là chương trình được bắt đầu từ năm 2010 dành cho học sinh các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia chương trình, các em vừa được tìm hiểu những kiến thức về lịch sử dân tộc vừa có cơ hội rèn luyện kỹ năng diễn đạt trước công chúng.

Không những vậy, trong chương trình này, các em còn được trải nghiệm tham gia phỏng vấn tuyển dụng và tiếp nhận "Ngày lương đầu tiên" tại bảo tàng.

Tiếp nối thành công của chương trình “Hướng dẫn viên nhí”, năm 2011, Bảo tàng tổ chức chương trình giao lưu đặc biệt “Ông - Bà - Cháu cùng đến với bảo tàng”.

Trong quá trình tham quan, các ông bà sẽ kể lại những câu chuyện thật mà bản thân đã từng trải nghiệm trong chiến tranh nhằm giáo dục cho con cháu về truyền thống yêu nước của gia đình và truyền thống giữ nước hào hùng của dân tộc...

Có thể nói những chương trình này đã có sức lan tỏa rất lớn đối với thanh thiếu nhi của thành phố. Em Mai Nguyễn Hoàng Minh (14 tuổi, ngụ tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) đã từng tham gia chương trình “Ông – Bà - Cháu cùng đến với bảo tàng” chia sẻ: Em và ông bà tham gia chương này từ những năm đầu tiên Bảo tàng tổ chức.

Em rất thích vì em vừa được tham quan bảo tàng vừa được nghe ông kể lại những chuyện ngày xưa. Từ khi tham gia chương trình này, ba mẹ thường cho em đến bảo tàng nhiều hơn. Một năm em đến bảo tàng này và các bảo tàng khác khoảng 2 -3 lần.

Nhận xét về những chương trình giáo dục mà bảo tàng dành cho thiếu nhi, học sinh, sinh viên, chị Mai Thị Hải Yến (ngụ tại quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, những hoạt động mà Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã và đang triển khai dành cho trẻ em rất có ý nghĩa và mang tính giáo dục rất cao.

Vì trẻ em bây giờ thích chơi game, ít tham gia các hoạt động ngoại khóa. Do vậy rất cần những hoạt động như thế này để khuyến khích các em tìm hiểu lịch sử dân tộc hay tìm tòi, khám phá cuộc sống xung quanh mình.

Lan Phương
.
.
.