Dòng chảy lịch sử 1.300 năm trong bảo tàng dưới lòng đất

Thứ Sáu, 18/08/2017, 05:38
Thực hiện nhiệm vụ khai quật khảo cổ học cho đến nghiên cứu giá trị hoàng thành Thăng Long từ năm 2002, PGS.TS. Bùi Minh Trí – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành là một trong những người rất gắn bó với khu di tích Hoàng thành.

Ông cho rằng cuộc đời mình có 2 may mắn mà không phải nhà khoa học nào cũng có được, đó là được tham gia làm chủ nhiệm dự án khai quật di tích khảo cổ Hoàng thành, chủ nhiệm dự án nghiên cứu giá trị Hoàng thành và sau đó là tổ chức trưng bày những phát hiện khảo cổ học dưới hầm nhà Quốc hội. Khu trưng bày dưới hầm nhà Quốc hội đã quy tụ được độ “chín” của rất nhiều yếu tố.

Nhà khoa học nào cũng mơ ước có một công trình xứng tầm để “thi thố” tài năng, nhưng đứng trước một công trình có tầm vóc quá lớn như Hoàng thành Thăng Long, người ta dễ bị khớp.

Ảnh Thiện Hoàng

“Ngay việc đánh giá giá trị Hoàng thành Thăng Long cũng rất khó. Trước 2008, đã có rất nhiều tranh luận về Hoàng thành: bảo tồn thế nào, có giữ lại là di sản văn hóa thế giới hay không? Cuối cùng, với công sức nghiên cứu của các nhà khoa học, chúng ta trình UNESCO công nhận Hoàng thành là di sản thế giới. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ tổ chức trưng bày quảng bá Hoàng thành.

Khu trưng bày Thăng Long - Hà Nội, lịch sử ngàn năm từ lòng đất năm 2010. Được thử sức với cuộc trưng bày hàng triệu người xem này đã giúp chúng tôi có cuộc “tập dượt” và để người dân hiểu được giá trị của Hoàng thành khó khăn đến cỡ nào” – PGS Bùi Minh Trí nhớ lại.

Nếu bước sang 18 Hoàng Diệu bây giờ, những gì mọi người thấy được là một sự ngổn ngang trên công trường, rất khó hình dung hiện trường đó bao hàm bao nhiêu giá trị lịch sử, văn hóa.

Năm 2010, những người làm trưng bày đã tiếp hàng triệu lượt khách đến tham quan khu di tích Hoàng Thành và đã sử dụng mọi vật dụng, cách nói, thậm chí mang cả những ký họa ra phát để mọi người hiểu được, nhưng... thất bại.

Khảo cổ học là một ngành khoa học rất đặc thù, chỉ là một phần còn lại của lịch sử, rất khô khan, trừu tượng. Chỉ một mảnh sứ, hay vết tích kiến trúc còn lại cũng chỉ là những ô vuông móng trụ chân cột... làm sao để quảng bá đến công chúng giá trị riêng có, đặc biệt, tầm quan trọng của Hoàng Thành là một bài toán cực kỳ khó.

“Khi tôi được tiếp nhận, một trong những ý tưởng đầu tiên mà tôi theo đuổi là phải tìm ra giải pháp trưng bày để mang giá trị khoa học đến gần với công chúng hơn, cho mọi người cảm nhận một cách tự nhiên, chân thật nhất, chứ không định xây dựng một “đền đài” khoa học, mang hiểu biết của mình bắt người ta phải hiểu.

Cuộc trưng bày này chúng tôi nhã ý muốn mọi người tự hành trình khám phá những phát hiện khảo cổ học, tự đưa ra những nhận thức, đánh giá của riêng mình, chỉ gợi mở chứ không định hướng, áp đặt. Điều quan trọng là phải tìm ra được ý tưởng và giải pháp trưng bày.

Nếu nói về nội dung khoa học trưng bày, chúng tôi đã có một nền tảng rất vững chắc nhờ việc nghiên cứu Hoàng thành hơn 10 năm (từ 2002 – 2012), qua việc viết hồ sơ khoa học trình UNESCO – mà tôi là người chắp bút, qua nghiên cứu so sánh với các di sản nổi tiếng châu Á như Cố cung (Bắc Kinh, Trung Quốc), cung điện Nara (Nhật Bản)... nhưng cách thức thể hiện là một điều phải tư duy rất kỹ càng.

Để thực hiện được công trình này, ngoài năng lực chuyên môn khoa học còn đòi hỏi tính sáng tạo rất cao. Bảo tàng học là một sự sáng tạo tuyệt vời của các nhà khoa học cũng như các nhà thiết kế, chứ không phải một việc thủ công, anh cứ xếp hiện vật vào đó”.

PGS Bùi Minh Trí cho rằng: Giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng Thành là nơi giao thoa, hội tụ, lan tỏa sức sống của một trung tâm quyền lực trong dòng chảy lịch sử. “Nhà Quốc hội là biểu trưng cho quyền lực của quốc gia, cho ý chí, sức mạnh của nhân dân, là trung tâm quyền lực của đất nước trong thời kỳ đổi mới, nằm phía Tây Nam cấm thành Thăng Long.

Cuộc trưng bày này phải làm sao để tiếp nối truyền thống, tạo nên một dấu ấn trong dòng chảy lịch sử 1.300 năm ấy. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt về mặt ý tưởng. Muốn làm được, ta phải đặt nhà Quốc hội – vốn nằm trong trung tâm chính trị Ba Đình, nằm trong không gian trung tâm quyền lực của Thăng Long - Hà Nội xưa.

Vì vậy, chúng tôi đưa ra ý tưởng trưng bày theo lát cắt thời gian, biến khu trưng bày thành 2 không gian riêng biệt: Tầng dưới là thời tiền Thăng Long, tầng trên là Thăng Long với điểm mấu chốt là thời Lý – thời kỳ lan tỏa sức sống mãnh liệt của văn hóa. Khu tầng hầm nhà Quốc hội là trưng bày lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật” – PGS Bùi Minh Trí chia sẻ.

Khu vực trưng bày đã được sử dụng nhiều công nghệ chưa từng có ở Việt Nam, thậm chí trên thế giới, nhưng theo PGS Bùi Minh Trí, những ý tưởng sáng tạo trong ứng dụng công nghệ đặc sắc hơn là bản thân công nghệ.

“Di tích là hồn cốt của trưng bày, các hiện vật là các điểm nhấn của các không gian. Chúng tôi muốn khách tham quan bước vào sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì trưng bày có những kịch bản và những điểm nhấn khác nhau. Công nghệ sử dụng ở đây chỉ mang tính chất làm sống động những nội dung khoa học trưng bày, hỗ trợ, thổi hồn cho nội dung khoa học trưng bày. Công nghệ chúng tôi sử dụng cũng là máy chiếu, đèn chiếu sáng, âm thanh... nhưng sử dụng loại công nghệ thiết bị nào là cả một vấn đề tốn tâm sức hơn nhiều”, PGS Bùi Minh Trí tâm sự.

Các nhà khoa học cũng đã dày công tìm những phương pháp ứng dụng công nghệ hiệu quả nhất, như chiếu trên tường tối thay vì nền trắng. Phương pháp này tạo nên hiệu quả cực kỳ cao, tạo nên sự sâu hút trong trình chiếu và tạo ra một không gian hoài cổ.

Ý đồ của các nhà khoa học là tạo ra điểm nhấn như ngôi sao trên sân khấu, mỗi khoảnh khắc là sự tỏa sáng của một đối tượng trưng bày, giúp người xem không bị phân tâm.

Có những điểm sáng tạo rất táo bạo đã được áp dụng là dùng vách ngăn kính ngăn cách không gian, nâng mặt bằng ở những độ cao, độ dốc khác nhau, hay việc đi trên kính giúp người ta có cảm giác trải nghiệm lịch sử như thật.

Ngay từ thời Lý, ông cha ta đã có những phát minh kỳ tài như biện pháp chống lún cột bằng hệ thống móng trụ sỏi. Kể cả tường bao cũng có những móng này. Nhưng những gì khai quật được chỉ là chân trụ móng, nếu chỉ bê nguyên ra thì cuộc trưng bày không mang nhiều giá trị. Các nhà khoa học đã nung nấu tìm giải pháp để tái hiện được tầm vóc của công trình mà không phải làm giả.

“Có người đưa ý tưởng là dựng luôn cái cột lên trụ móng. Quá dễ, nhưng là phục dựng, là giả, không có độ tin cậy cao. Chúng tôi muốn tôn trọng tuyệt đối những giá trị được phát hiện, nhưng vẫn phải có giải pháp để người xem hình dung thế nào là cung điện nhà Lý, bao gồm cả kỹ thuật xây dựng và hình thái kiến trúc.

Chúng tôi đã bay sang Đức, làm việc với hãng chuyên thiết kế, sản xuất các loại đèn trình chiếu cho trưng bày để đặt họ loại đèn cột ánh sáng. Họ nói không làm được và đưa ra một số hình mẫu thay thế bằng ống thủy tinh hoặc cột nước rồi chiếu ánh sáng qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không hài lòng với ý tưởng này.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng mới tìm ra cách tái dựng cột ánh sáng mà mọi người thấy trong bảo tàng ngày nay. Chúng tôi cũng ứng dụng một công nghệ rất đột phá là công nghệ chiếu maping trong trưng bày. Đây cũng là điểm cho thấy bản lĩnh của các nhà khoa học Việt Nam trong ứng dụng công nghệ”.

Táo bạo hơn, các nhà khoa học còn tái hiện cây cối và tiếng chim hót trong cung cấm, tạo nên sức sống cho không gian trưng bày. Sử đã ghi nhận trong Hoàng cung có đào ao thả cá, nuôi chim quý và trồng các loại kỳ hoa, dị thảo. Nhà trưng bày muốn tái hiện lại tất cả không gian đó để mọi người hình dung ra vẻ đẹp trong hoàng cung.

“Chính tôi cũng chưa bao giờ thấy bảo tàng nào đưa tiếng chim hót vào hoàng cung, nhưng chúng tôi rất may mắn tìm ra cái cóng cho chim ăn, từ đó liên tưởng đến thú chơi chim ở hoàng cung và đưa ra kịch bản tiếng chim hót. Tiếng chim đó mang lại sức sống cho toàn bộ hoàng cung, nó không còn là những di vật khô khan nữa, mà nó là một không gian sống” –PGS Bùi Minh Trí chia sẻ. 

Dù cho rằng kết quả thể hiện ra chỉ đạt 85% – 90% những gì ông có thể vẽ ra bằng ý tưởng, do những hạn chế về nguồn lực và công nghệ, nhưng PGS Bùi Minh Trí không giấu nổi sự tự hào về công trình này.

Vượt qua tất cả những những nghi ngờ lúc ban đầu, vì đây là công trình trưng bày chưa có tiền lệ, mà lại được giao cho một đơn vị khoa học khảo cổ không có nhiều kinh nghiệm về bảo tàng, những người thực hiện công trình đã chứng minh được thành quả của sự lao động nghiêm túc và tâm huyết.

Cuộc trưng bày đã tiếp hơn 90.000 người tham quan, nhận được những sự đánh giá rất tốt từ cả khách trong nước và quốc tế, là một trong những niềm tự hào của công trình Nhà Quốc hội.

“Chúng tôi chỉ mong người xem có thể tự hào về di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, có thể tự hào về vẻ đẹp, sự tráng lệ trong hoàng cung Thăng Long xưa, tự hào về tài năng của ông cha chúng ta - không thua kém bất cứ một nước nào trên thế giới. Tôi muốn nhìn thấy vẻ tự hào của những người tham quan khu trưng bày. Đấy là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời khoa học của tôi, dù mọi người có thể không thấy những nhọc nhằn của nhà nghiên cứu đằng sau đó” – PGS Bùi Minh Trí bày tỏ.

Vũ Hân
.
.
.