Sách lịch sử gian nan tìm... người đọc

Thứ Tư, 08/06/2016, 08:05
Việc hiểu biết quá khứ, một quá khứ được mô tả và trình bày một cách trung thực, khách quan sẽ giúp độc giả trẻ hiểu đúng về hiện tại, xác định được lộ trình và đích đến cho tương lai, đồng thời có thêm hứng thú với việc học sử, tìm hiểu, nghiên cứu sử mà lâu nay thường bị xem nhẹ.


Đó là chia sẻ mới đây của những người dành tâm huyết cho tủ sách “Biên khảo – Sử liệu”. Tuy nhiên, để các công trình thực sự đến với bạn đọc và phát huy giá trị trong cuộc sống hiện nay là hành trình rất nhiều thách thức dành cho cả người viết, nghiên cứu lẫn đội ngũ làm sách, phát hành.

Với các học giả, nhà nghiên cứu, những địa chỉ đủ tin cậy và uy tín để họ có thể gửi gắm những công trình mong ước, những đứa con tinh thần mà có khi bản thân đã dành cả cuộc đời nghiên cứu để thai nghén và định hình, giúp họ đưa đến với bạn đọc đã không còn là nhu cầu chưa thực sự được đáp ứng thỏa đáng. Đặc biệt là trong việc đưa công trình đến đúng đối tượng bạn đọc và thu hút được sự chú ý của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, những “địa chỉ” như thế càng không nhiều.

Một trong những buổi ra mắt sách nghiên cứu được chú ý của Nhà xuất bản Trẻ.

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, một trong số tác giả đầu tiên có sách được chọn giới thiệu trong tủ sách “Biên khảo – Sử liệu” cho biết, bạn đọc ngày nay, kể cả các bạn đọc có tuổi đời rất trẻ dễ có điều kiện tìm hiểu nhiều, rộng, sâu, có thông tin nhiều chiều.

Nếu nhà nghiên cứu chỉ viết xuôi một chiều, một “giọng” theo chính sử sẽ rất khó thuyết phục được bạn đọc. Vì vậy, trước mỗi sự kiện, nhân vật lịch sử, để đảm bảo thông tin một cách khách quan, trung thực, công bằng nhất, người nghiên cứu phải tham chiếu rất nhiều nguồn tư liệu, kể cả ngoại sử, dã sử. Có nhiều khi tư liệu dã sử hoàn toàn ngược lại với chính sử…

Trong chương trình tọa đàm về sử liệu đi tìm người đọc mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cũng chia sẻ rằng, trong quá trình nghiên cứu khảo cổ, chị bắt gặp những “tư liệu” thực tế rất khác với ghi chép trong chính sử. 

Ví như sách sử chính thống thường khẳng định thời nhà Mạc là thời loạn lạc. Nhưng, quá trình nghiên cứu, chị bắt gặp khá nhiều tư liệu lưu lạc trong dân gian, ghi chép những câu chuyện rất bất ngờ: chuyện kể của những người đi buôn bán, mang theo số lượng tiền nhiều, đi qua đêm mà vẫn không cần người hộ tống, hay chuyện kể về việc vắng nhà nhưng không cần đến khóa cổng, khóa cửa mà vẫn an toàn.

Có nhiều ngôi đình rất đẹp ở miền Bắc mà chị đi khảo cứu được xây thời nhà Mạc và rất nhiều bức tượng đẹp được hoàn thành trong thời kỳ này… Tuy nhiên, khảo cổ học và các sách về khảo cổ học xưa nay thường khô khan. Đa phần khảo cổ là về thời xa xưa.

Muốn tiếp cận bạn đọc, chắc chắn, người viết phải sử dụng ngôn ngữ hiện đại, bình dân và phải biết “bình dân hóa” các kiến thức khảo cổ. Đòi hỏi này, với những người đơn thuần làm nghiên cứu phục vụ khoa học là không dễ và càng không phải nhà khoa học nào cũng “chịu” làm.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, một trong những người đã, đang dành nhiều tâm huyết cho sách lịch sử nói chung, sử liệu nói riêng cho rằng thời gian gần đây, nhiều nhà xuất bản cũng như các đơn vị làm sách tư nhân đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm, phát hiện những nguồn sử liệu, những công trình biên khảo, nghiên cứu giá trị mà do thời gian và những biến động lịch sử nên chưa có điều kiện phát hiện, khai thác, công bố lại. Tuy nhiên, đây cũng là một dòng sách khá kén bạn đọc. 

Với một thị trường sách lâu nay có khuynh hướng thiên về các loại sách dễ đọc, sách mang tính giải trí… thì việc đầu tư khai thác mảng đề tài này cũng không phải là công việc thuận lợi, đôi khi còn làm nản lòng tâm huyết và sự tận tụy của những nhà khảo cứu, nhà viết sử.

Lý do là làm sách sử, sách biên khảo rất khó. Người làm sách phải đồng hành rất sát với tác giả, mất nhiều thời gian và tâm sức mà vẫn dễ sai sót. Động lực để níu kéo người làm sách gắn bó với thể loại này có chăng là sự kỳ vọng đưa sử liệu đến với bạn đọc, mở rộng cộng đồng người yêu sách sử cũng như tìm kiếm thế hệ trẻ, những người trẻ để tiếp tục duy trì tình yêu với thể loại sách kén người này tại Việt Nam.

Trong quá trình tìm hiểu, làm việc với người làm sách của nhiều quốc gia khác, chị nhận thấy, để bạn đọc dễ tiếp cận các công trình sử liệu, họ có rất nhiều cách thể hiện cũng như cách “tiếp thị” đến bạn đọc.

Làm thế nào để có nhiều công trình sử liệu, biên khảo có giá trị đến với bạn đọc rộng rãi hơn là câu hỏi không dành riêng cho nhà nghiên cứu hay người làm sách hoặc bạn đọc. 

Nói theo cách của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu là ngoài việc bạn đọc chủ động, chịu khó tiếp cận các nguồn sử liệu gốc, vun vén tình yêu với sử liệu thì rất cần sự huy động sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng. Người làm nghề phải làm sao để chung tay góp sức những bài viết, ít nhất là viết giới thiệu hoặc có những chuyên mục thường xuyên hơn, hấp dẫn hơn trên truyền thông về những công trình mới.

Người làm sách, đặc biệt là nhà xuất bản càng cần đầu tư và có những phương thức giới thiệu sách hấp dẫn hơn mới mong sử liệu tiếp cận bạn đọc và phát huy giá trị hơn trong đời sống.

Ngọc Nguyễn
.
.
.