Sách lịch sử: Làm công phu nhưng chưa hút độc giả

Thứ Bảy, 24/10/2015, 16:22
Trong khi bộ môn lịch sử liên tiếp bị than phiền bởi người học thờ ơ thì những năm gần đây, các sách về lịch sử được xuất bản khá nhiều và đa dạng, phong phú về nội dung lẫn hình thức. Rất nhiều bộ sách được cho là biên soạn công phu nhưng khó đến tay bạn đọc. Vì sao?

Trong dịp cùng ngồi lại gặp gỡ nhân kỷ niệm 50 năm bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh ra đời, những người làm sách ngày ấy đều tự hào nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi về những ngày tháng gian khó mà tràn đầy nhiệt huyết.

Họ làm tất cả chỉ với mục đích có những cuốn sách lịch sử bằng tranh hấp dẫn, chính xác nhất có thể để dành cho bạn đọc. Sách đến tay bạn đọc… Con số thống kê mỗi lần tái bản của đơn vị làm sách được cho là tương đối ổn song so với những đầu sách bán chạy nhất, có khi vẫn là khoảng cách rất xa.

Lịch sử Việt Nam bằng tranh – một trong những đầu sách được cho là có lượng tiêu thụ tốt trên thị trường.

Việc làm các sách về lịch sử bằng tranh, trong đó, chủ yếu là sách về các nhân vật lịch sử được khá nhiều nhà xuất bản, người làm sách quan tâm đầu tư trong vài năm gần đây. Hoạt động xuất bản, phát hành được chia sẻ là tương đối tốt. Song, xét trên bề mặt tổng thể của sách về lịch sử, có lẽ doanh số sách lịch sử bằng tranh chỉ là những ngoại lệ.

Nhiều năm trở lại đây, rất nhiều bộ sách lịch sử, tự truyện của những nhân vật gắn liền với các sự kiện lịch sử được ra đời sau những quá trình biên soạn được cho là nghiêm túc và rất công phu. Chỉ riêng nhà xuất bản Trẻ với dòng sách về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên trong những năm kháng chiến đã có khá nhiều.

Nhiều nhất và được quan tâm đầu tư xuất bản là sách về phong trào của học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định, Huế, tự truyện của những người từng lãnh đạo hoặc nổi tiếng trong phong trào này… Có khi, đó không chỉ là những cuốn sách vài trăm trang riêng lẻ mà phải được biên soạn, xuất bản thành nhiều tập sách dày. Hầu hết các cuốn sách đều được chia sẻ là biên soạn rất công phu.

Mới đây nhất, khi cuốn “Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 – 1975” ra mắt bạn đọc, ban tổ chức tiết lộ, để có cuốn sách hôm nay, những người biên soạn đã phải mất cả thập kỷ thực hiện. Sách được biên soạn tỉ mỉ với rất nhiều câu chuyện được chia sẻ của chính những người trong cuộc. Thế nhưng, số phận cuốn sách khi phát hành có lẽ cũng không khác hơn bao nhiêu so với nhiều bộ sách khác.

Sách xuất bản khá đa dạng trong nhiều năm trở lại đây.

Về dòng sách này, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng chia sẻ rằng: sách làm công phu nhưng những người làm sách chưa thu hút được bạn đọc. Bên cạnh yếu tố hấp dẫn tự thân của từng nội dung cuốn sách, cách thức phổ biến, đưa thông tin sách đến bạn đọc chưa thực sự hiệu quả. Những buổi ra mắt sách, giới thiệu sách chưa được đầu tư nhiều…

Có khá nhiều lý do khách quan dẫn đến cách chuyển tải nội dung trong sách có khi thiếu sức hấp dẫn như người biên soạn là người trong cuộc nhưng không phải chuyên viết sách, thiếu kinh phí đầu tư và cách thức đầu tư cho việc giới thiệu sách… Tuy nhiên, trong “thời của công nghệ PR” như hiện nay, sách càng khó “chạm” đến người đọc, đặc biệt là người đọc trẻ nếu người làm sách đặt tin tưởng hoàn toàn vào sự hấp dẫn bạn đọc của tự thân nội dung sách.

Minh Hà
.
.
.