Thủ tướng Anh đối mặt loạt thách thức nghiêm trọng sau bầu cử thất bại
- Thủ tướng Anh Theresa May tìm được đồng minh, giành quyền lập Chính phủ mới
- Thủ tướng Theresa May thất bại, Anh có “quốc hội treo” sau bầu cử
- Thêm "một đêm trắng" của Thủ tướng Anh Theresa May
- Thủ tướng Anh Theresa May: Đặt cược vào cuộc bầu cử sớm
Reuters ngày 9-6 đưa tin Thủ tướng Anh Theresa May thông báo sẽ thành lập một Chính phủ mới để ổn định tình hình chính trị và dẫn dắt nước Anh trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt được một thỏa thuận Brexit thành công.
Lời kêu gọi của bà Theresa May đưa ra sau khi đảng của bà May đạt 318 ghế, không đạt đa số ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, đảng Liên minh Dân chủ (DUP) đã dang tay ủng hộ bà May với 10 ghế tại Quốc hội mà đảng này vừa giành được trong cuộc bỏ phiếu tại Bắc Ireland, vừa đủ để liên minh này đạt quá bán nhằm thành lập một Chính phủ mới.
Đảng Bảo thủ của bà May đã đánh mất thế đa số vốn rất mong manh tại Quốc hội. Ảnh: Reuters. |
Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Theresa May nói rằng bà có thể nhờ cậy vào sự ủng hộ của "những người bạn" DUP và cam kết tiếp tục phối hợp với DUP "vì lợi ích của toàn thể Vương quốc Anh".
"Chính phủ cam kết đưa nước Anh ra khỏi EU trong 5 năm và xây dựng một đất nước mà quyền lợi của các cộng đồng đều được đảm bảo", bà Theresa May nhấn mạnh.
Theo giới quan sát, mặc dù vẫn tiếp tuc nắm giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ nhưng quyền lực của Thủ tướng Theresa May được dự báo sẽ suy yếu không chỉ trong nội bộ đảng Bảo thủ, tại Hạ viện, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến vị thế của bà tại EU trong các cuộc đàm phán tới.
Vì sao nên nỗi?
Ngày 9-6, truyền thông Anh ồ ạt đưa tin theo kết quả kiểm phiếu tại hầu hết các điểm bỏ phiếu, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May chỉ giành 318 ghế, không đủ 326/650 ghế để chiếm thế đa số trong Quốc hội.
Kết quả này được coi là một cú sốc với đương kim Thủ tướng May và là thất bại với bà này bởi trước bầu cử, đảng của bà có 330 ghế trong Quốc hội.
Đảng của bà May giành 318 phiếu trong cuộc bầu cử lần này. Đồ hoạ: BBC |
Bà May là người đưa ra lời đề nghị tổng tuyển cử sớm tới 3 năm với mong muốn đảng Bảo thủ của mình giành đa số ghế trong Quốc hội nhằm dễ bề hơn trong những quyết sách liên quan đến Brexit.
Bà May tuyên bố cuộc bầu cử sớm này nhằm ngăn các đảng đối lập tại Quốc hội Anh chia rẽ đất nước khi Chính phủ bắt đầu các cuộc đàm phán Brexit. Bà nhấn mạnh: "Tôi sẽ không để họ phá hoại nỗ lực của hàng triệu người lao động và làm suy yếu lập trường đàm phán của Chính phủ".
Trước bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy bà May đang nhận được sự ủng hộ cao kỷ lục. Như vậy, trong bối cảnh bà chưa phải là một Thủ tướng Anh được bầu chính thức do nhận lại chức vụ từ cựu Thủ tướng Cameron, "canh bạc" bầu cử sớm được kì vọng sẽ mang lại hàng loạt lơi thế cho bà như củng cố quyền lực cho bà tại Quốc hội và đoàn kết đất nước trong vấn đề Brexit.
Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra theo đúng dự tính của bà May.
Brexit bất ngờ không còn là đề tài tranh luận chính của 2 chính đảng Bảo thủ và Lao động do cả hai bên đều khẳng định sẽ tiến hành Brexit như bình thường. Đảng Lao động trước đó luôn phản đối Brexit nhưng nay tuyên bố sẽ phục tùng quyết định của người dân.
3 vụ tấn công khủng bố liên tiếp làm suy yếu uy tín của bà May. Ảnh: Reuters |
Quan trọng hơn, việc mà bà May và đảng của mình không thể lường trước được là 3 vụ tấn công khủng bố liên tiếp nhằm vào người dân Anh hôm 3-6, khiến 9 người chết, vụ đánh bom liều chết tại nhà thi đấu Manchester hồi tháng 5 và vụ tấn công gần trụ sở quốc hội Anh hồi tháng 3 đã khiến uy tìn của bà suy giảm nghiêm trọng. Các vụ khủng bố khiến người dân Anh vô cùng quan ngại về tình hình an ninh dưới sự điều hành của chính quyền đương nhiệm.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến thất bại của bà May là tuyên bố cắt giảm trợ cấp của người lớn tuổi và giành nó cho những người lao động trẻ tuổi hơn. Cần nhắc lại rằng vào năm 2010, Chính phủ Anh từng tuyên bố sẽ tăng lương hưu cho người lớn tuổi 2,5% mỗi năm, bà May đã từ chối đảm bảo điều này.
“An ninh, Brexit hay bất cứ vấn đề nào khác đều là vấn đề lớn”, Mike Pracroft, 68 tuổi, nói với Foxnews, “Tuy nhiên, với sức khoẻ và tuổi tác của tôi, tôi quan tâm nhiều nhất tới phúc lợi và lương hưu. Đó là điều mà đảng Bảo thủ của bà May không thể đảm bảo.”
Loạt thách thức nghiêm trọng
Giới phân tích nhận định việc thất bại trong bầu cử sẽ khiến uy tín và quyền lực của Thủ tướng Theresa May bị suy yếu dẫn đến việc bà phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng sau khi thành lập Chính phủ.
Thách thức đầu tiên là là những lời kêu gọi từ chức. Ngay sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, nhiều nghị sĩ, trong đó có đối thủ của bà May đã lên tiếng kêu gọi bà từ chức, tuy nhiên đương kim Thủ tướng Anh đã ra tuyên bố không từ bỏ vị trí, BBC đưa tin.
Giữ Scotland lại trong "vòng tay" sẽ khó hơn bao giờ hết cho bà May. Ảnh: Reuters |
Tình hình bất ổn tại Scotland vốn luôn phức tạp được cho là sẽ tiếp tục đem bám bà May. Gần đây, bà May đã bác lại đề nghị của Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon về trưng cầu dân ý độc lập tại Scotland, bởi bà cho rằng sẽ là thiếu trách nhiệm khi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tại thời điểm mà các điều khoản của Brexit còn chưa rõ ràng. Sau thất bại lần này, việc giữ Scotland lại trong “vòng tay” trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Giữ đoàn kết liên minh giữa đảng Bảo thủ và DUP cũng là một vấn đề không nhỏ với Thủ tướng Anh. Sau bầu cử, bà đã đánh mất 12 ghế của đảng này dẫn đến việc phải liên minh với DUP để thành lập Chính phủ thiểu số. Việc tham gia một liên minh sẽ khiến bà khó khăn hơn trong theo đuổi kế hoạch riêng về Brexit, cắt giảm thuế và giảm chi cho phúc lợi xã hội.
Thất bại trong bầu cử đồng thời sẽ khiến uy tín của bà tại EU giảm sút nghiêm trọng. Bà May là người luôn cứng rắn với 27 thành viên còn lại của EU trong đàm phán Brexit. Tuy nhiên, ngay sau khi biết bà thất bại, Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk ngày 9-6 lập tức yêu cầu Anh cần bắt đầu các cuộc thảo luận để rời khỏi EU càng sớm càng tốt.
Đối phó với Tổng thống Trump sẽ là thách thức nghiêm trọng tiếp theo của thủ tướng Anh. Bà May luôn tránh việc phải đối đầu với những chính sách của Tổng thống Trump, người đã trở thành “điểm nhấn” trong chiến dịch tranh cử của đảng Lao động.
Đối phó với những phát ngôn của Tổng thống Trump cũng là một vấn đề mà bà May phải đối mặt. Ảnh: Reuters |
Theo giới quan sát, đảng Lao động bất ngờ thắng đậm tại Quốc hội phần nào vì duy trì những tuyên bố chống lại Tổng thống Trump. Như vậy, trong tương lai, bà May rất có thể sẽ buộc phải “gia nhập xu thế” ứng xử cứng rắn hơn với những tuyên bố của Mỹ tại các liên minh mà hai nước cùng tham gia như NATO và thoả thuận khí hậu Paris.
Chủ nghĩa khủng bố được cho sẽ vừa là nguyên nhân khiến bà thất bại cũng đồng thời là thách thức mà bà phải đối mặt trong thời gian tới. Bà May từng mong muốn cắt giảm 20.000 cảnh sát để tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, 3 vụ khủng bố gần đây chăc chắn sẽ khiến bà May phải nghĩ khác, thay bằng việc tiết kiệm tiền cho an ninh, bà sẽ buộc phải tăng cường các nỗ lực chống khủng bố, nhưng quan trọng là ngân sách sẽ được trích từ đâu khi mà không tầng lớp nào sẵn sàng hi sinh quyền lợi của mình.