Những khách VIP “sa lưới” hồ sơ Panama

Thứ Năm, 07/04/2016, 08:17
Ngày 6-4, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã trở thành chính trị gia đầu tiên buộc phải tuyên bố từ chức vì bị “Hồ sơ Panama” tố cáo tham nhũng và trốn thuế ở nước ngoài. 


Cuộc rò rỉ tài liệu mật tại Công ty Luật Mossack Fonseca đang kéo theo các cuộc điều tra gian lận trên quy mô toàn cầu và có ít nhất 12 chính trị gia, nguyên thủ bị nêu tên trong danh sách đen này.

Tuyên bố từ chức được ông Sigmundur David Gunnlaugsson đưa ra sau khi có hàng ngàn người dân biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Reykjavik. Những người này vừa kêu gọi Thủ tướng từ chức, vừa có những hành động gây rối và đặc biệt là nhận được sự ủng hộ của lực lượng đối lập tại Iceland.

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã trở thành chính trị gia đầu tiên buộc phải từ chức vì bị tố cáo trong “Hồ sơ Panama”. Ảnh: EPA.

Hiện tại, trong thời gian chờ đảng cầm quyền Tiến bộ tìm kiếm ứng cử viên thích hợp trong đảng của mình, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy sản Iceland Ingi Johansson tạm thời đảm nhận chức Thủ tướng thay ông Sigmundur David Gunnlaugsson.

Theo tin từ hãng Reuters, trước khi đưa ra tuyên bố từ chức, Thủ tướng Iceland cũng đã đề nghị Tổng thống giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm nhưng Tổng thống Ragna Grimsson không đồng ý. Về cương vị Chủ tịch của đảng Tiến bộ, ông Sigmundur David Gunnlaugsson vẫn đảm đương nhưng cũng có thể sẽ bị thay đổi nếu “Hồ sơ Panama” còn công bố thêm những tài liệu khác liên quan đến các hoạt động trốn thuế và rửa tiền của chính ông hoặc các thành viên khác trong gia đình.

Cũng theo nhận định của hãng Reuters, Thủ tướng Iceland chỉ là một trong hàng chục lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo trên toàn thế giới bị nêu danh trong “Hồ sơ Panama”. Các tài liệu cho thấy, ông Sigmundur David Gunnlaugsson đã giám sát các cuộc thương lượng với các chủ nợ của các ngân hàng Iceland.

Thông qua Công ty Luật Mossack Fonseca, ông và phu nhân cũng đã thành lập một công ty có tên gọi Wintris ở quần đảo Virgin thuộc Anh và công ty này đã hưởng lợi rất lớn khi các ngân hàng ở Iceland tuyên bố phá sản.

Chưa hết, vào ngày cuối cùng của năm 2009, ngay trước khi một dự luật mới có hiệu lực, Thủ tướng Iceland đã bán một nửa công ty cho vợ với giá 1 USD. (Dự luật yêu cầu ông, với tư cách là một thành viên Quốc hội, phải kê khai tài sản liên quan đến xung đột lợi ích). Đến nay, ông Sigmundur David Gunnlaugsson vẫn khẳng định tài sản của vợ ông ở nước ngoài đã được tính thuế ở Iceland và rằng ông đặt lợi ích của công chúng lên trên những giao dịch tài chính cá nhân.

Trong khi đó, tại Argentina, đương kim Tổng thống Mauricio Macri cũng đang đau đầu với những cáo buộc được đưa ra từ “Hồ sơ Panama”. Những thông tin liên quan đến ông Mauricio Macri xuất phát từ các hoạt động kinh doanh, làm ăn chung của cha ông, doanh nhân Francisco Macri, người Argentina gốc Italia.

Tài liệu trong “Hồ sơ Panama” còn chỉ rõ rằng, hoạt động trốn thuế, rửa tiền của đương kim Tổng thống Argentia có từ thời ông là Chủ tịch CLB bóng đá Boca Junior cho tới khi được bầu vào Quốc hội (2005-2007) rồi trở thành Thị trưởng Buenos Aires (2007-2015). Ông Mauricio Macri cùng người cha Francisco Macri và anh trai Mariano Marci đều nằm trong Ban giám đốc của Công ty Fleg Trading Ltd có trụ sở tại Bahamas. Công ty này được thành lập năm 1998 và giải thể vào tháng 1-2009.

Nhưng trong bản kê khai về tài sản cá nhân khi được bầu làm Thị trưởng Buenos Aires năm 2007, ông Mauricio Macri đã không kê khai về Fleg Trading Ltd mà chỉ công bố khoản tiền 2,9 triệu USD tại Ngân hàng Merrill Lynch.

Một năm sau đó, ông Mauricio Macri khai bổ sung 1,9 triệu USD tại một tài khoản ngân hàng khác và tài sản ở nước ngoài trị giá 158.000 USD. Người phát ngôn của Tổng thống Argentina Ivan Pavlovsky lý giải rằng, sở dĩ, ông Mauricio Macri không khai tên Công ty Fleg Trading Ltd vì ông chưa từng có cổ phần trong công ty này và rằng ông được bổ nhiệm trong Ban giám đốc công ty bởi đây là công ty của gia đình ông.

Bất ngờ nhất là việc Tổng thống đương nhiệm của Ukraine Petro Poroshenko, người từng giành được sự ủng hộ của cử tri quốc gia Đông Âu này nhờ những tuyên bố và biện pháp về chống tham nhũng lại có tên trong danh sách đen. Ông Petro Poroshenko từng là doanh nhân và được mệnh danh là “tỷ phú socola” của Ukraine. Các thống kê cho thấy ông sở hữu một đế chế gồm các nhà máy sản xuất máy tự động, một kênh truyền hình và công ty sản xuất kẹo lớn nhất Ukraine Roshen.

Theo Hồ sơ Panama, tháng 8-2014, khi cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine lên cao, ông Petro Poroshenko đã trở thành cổ đông duy nhất tại Prime Asset Partners Ltd. Đáng chú ý là  Prime Asset Partners Ltd không được nêu trên trong bản kê khai tài sản của Tổng thống Ukraine nhưng nó được lập ra để giúp bán Roshen. Các tài sản của ông sau đó sẽ được chuyển cho một quỹ tín thác “một khi các thủ tục pháp lý hoàn tất”.

Hai nhân vật khác ở Trung Đông cũng được nhắc đến trong hồ sơ Panama là Quốc vương Salman bin Abdulaziz bin Abdulrahman Al Saudi, người vừa lên nắm quyền tại Arab Saudi sau khi anh trai qua đời hồi tháng 1 năm ngoái.

Trước đó, ông Salman bin Abdulaziz bin Abdulrahman Al Saudi vừa là Bộ trưởng Quốc phòng, vừa là Phó Thủ tướng kiêm Tỉnh trưởng Riyadh, vùng thủ đô của Arab Saudi. Ông Salman bin Abdulaziz bin Abdulrahman Al Saudi có “vai trò không xác định” trong một mạng lưới các công ty được thành lập tại quần đảo Virgin. Các công ty này được phát hiện đã mua nhiều căn hộ hạng sang ở thủ đô London của Anh với tổng trị giá lên tới 34 triệu USD.

Cá nhân Quốc vương Salman bin Abdulaziz bin Abdulrahman Al Saudi cũng đang sử dụng một du thuyền có tên Erga được đăng ký tại quần đảo Virgin. Sheikh Khalifa bin Zayed bin Sultan Al Nahyan - Tổng thống của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - một trong những nhân vật giàu nhất thế giới cũng xuất hiện trong danh sách với phát hiện là sở hữu một số căn nhà ở Anh có tổng trị giá hơn 1,2 tỷ USD mà không phải đóng thuế nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của Công ty Luật Mossack Fonseca.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.
.