Ngày làm việc đi vào lịch sử của lãnh đạo Mỹ - Triều ở Singapore

Thứ Năm, 21/02/2019, 15:43
Cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu ở Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đi vào lịch sử khi kết thúc tốt đẹp bằng một văn bản phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên "quan trọng" và "toàn diện".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12-6-2018 đã tạo nên lịch sử khi bắt tay, hội đàm và họp thượng đỉnh tại Singapore. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai nhà lãnh đạo đương nhiệm Mỹ- Triều gặp mặt trực tiếp, thắp lên hi vọng về hòa bình, thịnh vượng cho Bán đảo Triều Tiên và toàn thế giới.
Cuộc gặp mặt thượng đỉnh này cũng vì vậy mà trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của cả thế giới. Hiếm có một tờ báo, một trang mạng hay một kênh truyền hình nào lại không điểm tin về sự kiện đặc biệt này.
Vài phút trước khi gặp mặt, hai nhà lãnh đạo được nhìn thấy rất căng thẳng khi bước vào khách sạn Capella ở đảo Sentosa, Singapore. Nhưng họ lập tức tạo ra một bầu không khí thân thiện ngay khi chạm mặt lần đầu. Trong khoảnh khắc ấy, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nói với ông Trump bằng tiếng Anh rằng: "Rất vui được gặp Ngài, Ngài Tổng thống!"
Ngay sau đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp kín trong vòng 45 phút. Trong căn phòng với những lá cờ Mỹ và Triều Tiên sau lưng, ông Kim Jong-un đã tươi cười và phát biểu còn Tổng thống Mỹ giơ ngón tay cái tỏ ý đồng tình. Họ tiếp  tục có những cái bắt tay trong không khí đầy thân thiện.
Sau cuộc gặp riêng, hai nhà lãnh đạo đã ra hành lang và chào giới báo chí. Ông Kim nói với ông Trump thông qua phiên dịch viên rằng: "Tôi nghĩ toàn thế giới đang theo dõi khoảnh khắc này. Nhiều người trên thế giới sẽ nghĩ rằng điều này giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng".
Kế tiếp đó, hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán cùng cố vấn của hai nước. Đi cùng ông Trump là Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton và Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Phía Triều Tiên có ông Kim Yong-chol, Ngoại trưởng Ri Yong-ho và ông Ri Su-yong.
"Nhất cử, nhất động" của hai bên đều được giới truyền thông thông tin chi tiết tới toàn thế giới. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, ngoài Mỹ và Triều Tiên, Hàn Quốc chính là đất nước mong đợi nhiều nhất vào kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Những gì mà truyền thông ghi lại cho thấy nhiều người Hàn Quốc đã vỡ òa khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đạt nhiều đồng thuận mang tính lịch sử cho hòa bình và ổn định.
Tổng thống Hàn Quốc, người được miêu tả là "kiến trúc sư trưởng" giúp đặt nền móng và thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã họp nội các song song với cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim. "Tôi đoán sự chú ý của toàn bộ người dân Hàn Quốc hiện giờ dồn về Singapore", ông Moon nói.
Không khí tích cực được duy trì tới cả bữa ăn trưa. Sau các cuộc họp, hai phái đoàn và quan chức cấp cao gặp nhau trong phòng ăn và cùng thưởng thức sườn bò, thịt lợn chua ngọt và cá tuyết Triều Tiên. Món tráng miệng gồm chocolate đen, bánh ngọt, kem vani. Ông Trump đã hóm hỉnh nói với phóng viên rằng: "Hãy chụp ảnh đẹp cho tất cả mọi người sao cho chúng tôi trông thật tuyệt, đẹp trai và gầy, hoàn hảo".
Điểm nhấn thú vị trong chuỗi nhiều giờ làm việc là khi hai nhà lãnh đạo cùng nhau đi dạo trong khuôn viên khách sạn, ông Trump dẫn ông Kim Jong-un đến chiếc siêu xe Cadillac "Quái thú" để giới thiệu với nhà lãnh đạo Triều Tiên về phương tiện độc của mình. 
Trong khoảnh khắc ấy, các mật vụ Mỹ mở cửa chiếc xe để ông Kim quan sát nội thất, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã khen chiếc xe "xịn" trước khi cùng ông Trump bước vào phòng kí kết.
Tại đây, trên chiếc bàn lịch sử, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim đã đặt bút kí vào một văn kiện lịch sử, trong đó nêu rõ cam kết thiết lập các mối quan hệ mới giữa hai nước và nỗ lực xây dựng nền hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom (kí giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Kim Jong-un ngày 27-4-2018) hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và hồi hương những người đã thiệt mạng vì chiến tranh.
Chiều cùng ngày, ông Trump đã tổ chức họp báo để thông tin về kết quả của cuộc gặp với ông Kim. Nhà lãnh đạo Mỹ tái khẳng định quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ có thể kiểm chứng, với sự tham gia của nhiều người, cả quan sát viên Triều Tiên, Hàn Quốc lẫn quốc tế. 
Ông cũng tuyên bố dừng tập trận với Hàn Quốc, đồng thời nói rằng Bình Nhưỡng sẽ dỡ bỏ một bãi thử động cơ tên lửa. Tuy nhiên, ông cho biết các biện pháp trừng phạt nhắm vào Triều Tiên sẽ chưa được lập tức dỡ bỏ. Ông đồng thời bày tỏ mong muốn tới Bình Nhưỡng vào thời gian phù hợp và sẽ mời lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Nhà Trắng vào thời điểm thích hợp.
Mặc dù vậy, vài tháng sau cuộc gặp này, cả Mỹ và Triều Tiên đồng thuận rằng  cuộc gặp lần đầu chưa đủ để đưa ra được lộ trình thực sự phù hợp cho tiến trình phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên cũng như chưa đủ để hội tụ lòng tin giữa hai bên, bởi tiến trình phi hạt nhân hoá rõ ràng sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Vào ngày 27 và 28-2 tới, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ tới Hà Nội của Việt Nam để gặp mặt thượng đỉnh lần hai, theo đó viết tiếp trang sử mới cho quan hệ giữa hai nước. Giới quan sát cho rằng cuộc gặp này có ý nghĩa cực kì quan trọng, và vì vậy nó sẽ thu hút sự chú ý hơn cả cuộc gặp lần đầu ở Singapore.
Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.