Mỹ "thiệt đơn, thiệt kép" nếu lại không kích Syria trước mặt Nga
- Nga cảnh báo Mỹ đừng dại mà "nghịch với lửa" ở Syria
- Mỹ- Anh-Pháp triển khai 70 chiến cơ cùng 380 tên lửa chuẩn bị không kích Syria
- Nga cảnh báo nguy cơ giả mạo tấn công hóa học tại Syria
Washington từng 2 lần không kích Syria với cáo buộc Damascus tấn công hoá học, song đến nay vẫn chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Mỹ mới đây lại tiếp tục cảnh báo Syria sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng nếu lại để một vụ tấn công hoá học khác xảy ra.
Tuần qua, các quan chức Nga nhiều lần lên tiếng cảnh báo về một vụ tấn công hóa học giả mạo được các tay súng phiến quân ở tỉnh Idlib, với sự trợ giúp từ các nước phương Tây, tiến hành như cái cớ cho một đòn tập kích quy mô lớn nhằm vào Damascus.
Nga - Mỹ tiếp tục tranh cãi về vấn đề Syria. Ảnh: CNN |
Có thể nói, các động thái trên cho thấy chưa bao giờ nguy cơ của một đòn tấn công kế tiếp nhằm vào Syria của Mỹ lại rõ ràng như hiện tại.
Hiệu quả răn đe không cao
Có thể nói, từ khi quân đội Nga bắt đầu tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Syria theo đề nghị của chính quyền Assad từ tháng 9-2015, lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Assad bắt đầu mạnh dần lên.
Vị trí tỉnh Idlib của Syria (màu đỏ). Ảnh minh hoạ |
Với sự hỗ trợ từ các đồng minh thân cận, Damascus đã hoàn tất chiến dịch đẩy lùi khủng bố khỏi các địa điểm quan trọng cũng như giành quyền kiểm soát đa số lãnh thổ từ tay phiến quân. Hiện tại, các nhóm vũ trang đối lập chỉ còn sót lại tại Idlib, một tỉnh nông thôn ở Tây Bắc Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và tỉnh Deir ez-Zor, nhiều dầu mỏ nhưng cằn cỗi, giáp biên giới Iraq.
Thực tế cho thấy, các nhóm phiến quân rõ ràng không còn đủ sức để chống lại sức mạnh của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Hơn nữa, theo Washington Examiner, sau 7 năm nội chiến, các nhóm phiến quân hiện ngày càng cho thấy sự chia rẽ trong suy tính cũng như rệu rã về mặt lực lượng, khí tài.
Theo đó, chỉ một “cơn mưa” tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ giáng xuống các mục tiêu quân sự của chính quyền Syria sẽ không thể làm thay đổi bối cảnh của cuộc chiến mà chính Washington cũng không còn hứng thú tham gia, thậm chí còn khiến Syria quyết tâm đẩy nhanh các chiến dịch truy quét phiến quân để giải phóng hoàn toàn đất nước.
Một hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1, giống loại mà Syria sở hữu. Ảnh: RT |
Hơn nữa, dưới sự hậu thuẫn của Nga cùng việc sở hữu nhiều loại tên lửa phòng không từ cũ đến mới, quân đội Syria hiện tại dường như đủ sức để đối phó với các đòn tấn công ồ ạt nhưng đơn lẻ từ bên ngoài.
Trong vụ Mỹ cùng Anh và Pháp không kích Damascus vào tháng 4 vừa rồi, quân đội Syria đã bắn hạ 71/103 tên lửa do liên quân phóng vào lãnh thổ. Vài ngày sau, Nga thậm chí đã "trưng" các mảnh tên lửa của phương Tây bị bắn rụng làm bằng chứng cho năng lực phòng không Syria trước truyền thông quốc tế.
Hình ảnh của tên lửa Mỹ bị phòng không Syria bắn hạ do Nga công bố. Ảnh: RT |
Trong lần không kích do Mỹ tiến hành vào năm 2017, cũng chỉ có 23/59 tên lửa Tomahawk, sứ giả chiến tranh tin cậy của Mỹ, bắn trúng vào căn cứ không quân của Syria và làm hư hại một số thiết bị. Căn cứ này sau đó đã hoạt động trở lại bình thường sau 2 ngày.
Gây hại nghiêm trọng tới quan hệ với Nga
Dù không đủ để thay đổi cục diện cuộc chiến ở Syria thì một cuộc tấn công tên lửa vẫn có thể sẽ làm hài lòng những người cho rằng Mỹ “cần làm gì đó” để ngăn chặn cái gọi là nguy cơ tấn công hóa học tại quốc gia Trung Đông này.
Mặc dù vậy, điều quan trọng nhất mà Mỹ cần cân nhắc, đó là khi tiến hành cuộc tấn công như vậy, Washington sẽ đẩy quan hệ với Moscow xuống đến mức thấp nhất trong hàng chục năm qua, thậm chí tạo ra nguy cơ đối đầu trực diện giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
Tổng thống Mỹ - Nga tại thượng đỉnh ở Phần Lan hồi tháng 7. Ảnh: Reuters |
Cộng đồng quốc tế từng chứng kiến những động thái rất xây dựng của cả Mỹ và Nga trong vấn đề Syria, khi hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Vladimir Putin đã nhất trí thành lập được một khu vực giảm xung đột ở miền Nam Syria tháng 6-2017. Khi đó, các quan chức hai nước đều nhất trí cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy “hai nước có thể cùng nhau hợp tác vì vấn đề Syria hay các vấn đề quốc tế khác”.
Bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11-2017, Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump một lần nữa thông qua một tuyên bố chung về Syria rằng giải pháp quân sự không phải là phương án để giải quyết cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này, cũng như đồng ý tăng cường viện trợ nhân đạo cho Syria để "xoa dịu nỗi đau" vì chiến tranh của người dân quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên, niềm tin giữa hai bên về vấn đề Syria đã đổ vỡ phần nào khi Mỹ cùng Anh và Pháp hồi tháng 4 nã hơn 100 tên lửa vào Damascus. Người Nga sau đó đã bày tỏ sự thất vọng hoàn toàn. Trong một tuyên bố ngắn gọn, Tổng thống Nga Putin nói cuộc tấn công đã "gây tác động tồi tệ đến toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế" và khiến "thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn”.
Nga đã đưa ít nhất 17 tàu chiến đến gần Syria trong vài ngày qua. Ảnh: TASS |
Mới đây, sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump ở Phần Lan hôm 16-7, thế giới lại một lần nữa hi vọng hai cường quốc có thể tìm được tiếng nói chung và giúp sớm đưa quốc gia Trung Đông thoát khỏi bóng đen của nội chiến.
Nếu Mỹ lại một lần nữa tấn công Syria với những cáo buộc mơ hồ về cái gọi là Damascus tấn công hoá học nhằm vào dân thường, Washington có thể sẽ đưa quan hệ với Nga về mức không thể cứu vãn, thậm chí khiến lực lượng của Moscow đồn trú ở Syria can thiệp trực tiếp vào việc đánh chặn tên lửa của Mỹ.
Trong tuần qua, Nga đã tăng cường hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải với quy mô chưa từng có kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria hồi tháng 9-2015. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận 25 tàu chiến, 30 máy bay, trong đó có máy bay ném bom Tu-160, máy bay chống ngầm Il-38, máy bay chiến đấu Su-33, Su-30SM sẽ tập trận răn đe gần Syria.
Chuyên gia Ilya Yakimenko của tờ Gazeta nhận định, nếu Mỹ tiếp tục không kích Syria, Mỹ sẽ còn khiến Nga quyết tâm hơn trong nỗ lực ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad, khiến Iran can thiệp sâu hơn vào tình hình Trung Đông và đẩy người dân Syria vào sâu hơn trong xung đột, đói khổ.