Hé lộ 4 vấn đề cực nóng của thế giới chờ Tổng thống Nga - Mỹ hoá giải
Theo một lịch trình làm việc được Nhà Trắng công bố, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin sẽ bắt đầu gặp gỡ trực tiếp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh hôm nay (ngày 16-7) tại Helsinki vào lúc 13h20 (giờ địa phương, tức 17h20 giờ Hà Nội). Cuộc gặp trực tiếp sẽ kết thúc vào lúc 14h50 (18h50 giờ Hà Nội) và hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục với bữa trưa làm việc.
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Trump tại cuộc gặp năm 2017. Ảnh: Reuters |
Hiện Nga - Mỹ không nói rõ về khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ ra một tuyên bố chung, song tiết lộ một cuộc họp báo chung sẽ được tổ chức vào khoảng 17h (21h giờ Hà Nội).
Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump từng vài lần gặp mặt người đồng cấp Nga, song đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp mặt thượng đỉnh, cũng là lần đầu tiên hội nghị thượng tương tự đầu tiên diễn ra kể từ năm 2009.
Giới quan sát cho rằng các vấn đề chính được bàn thảo tại sự kiện này là quan hệ Nga - Mỹ trước các phép thử liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, cuộc chạy đua vũ trang mới và vấn đề Crimea, Syria.
Cái gọi là "Nga can thiệp bầu cử"
The Hill nhận định, nghi vấn về cái gọi là "Nga can thiệp bầu cử Mỹ" năm 2016 được cho là sẽ tiếp tục trở thành vấn đề chính trong chương trình làm việc của thượng đỉnh Trump - Putin.
Vấn đề liên quan đến nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ sẽ xuất hiện tại thượng đỉnh Putin-Trump. Ảnh: ITN |
Ngay trước thềm cuộc gặp, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosentein ngày 13-7 thông báo 12 nhân viên tình báo của Nga đã chính thức bị buộc tội tấn công mạng Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và các nhóm khác của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, cho thấy vấn đề nhức nhối này sẽ tiếp tục đeo bám ông Trump đến Hensinki.
Trước đó, trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức năm 2017, hai nhà lãnh đạo đã bàn luận về vấn đề này khá kĩ. Tại đây, ông Putin đã phủ nhận việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ với Tổng thống Trump.
Trong hơn 1 năm qua, ông Trump cùng các quan chức Nga cũng nhiều lần nhắc lại việc phủ nhận này. Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn khăng khăng người Nga đã giúp ông Trump đắc cử.
Rõ ràng, nếu hai nhà lãnh đạo muốn hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước, việc giải quyết triệt để tranh cãi về nghi án này sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết.
Xung đột ở Syria
Vấn đề nóng thứ hai sẽ được hai nhà thảo luận chắc chắn không ngoài cuộc xung đột dai dẳng ở Syria. Tổng thống Trump được cho là đang hướng đến một thỏa thuận với Tổng thống Putin về vấn đề Syria, trong đó nhắm mục tiêu tới việc di dời các lực lượng thân Iran ra khỏi biên giới với Israel và xa hơn là khỏi lãnh thổ Syria, để đổi lấy việc Mỹ rút quân khỏi Syria, giống như những gì ông đã hứa.
Syria đã trở thành đống đổ nát khổng lồ sau cuộc nội chiến 7 năm. Ảnh: Skynews |
Tuy vậy, cả giới chức Mỹ và Nga đến nay chưa từng nhượng bộ trong các vấn đề gai góc như sự hiện diện của các binh sĩ hay việc tiến hành các chiến dịch quân sự theo ý đồ riêng.
Chuyên gia của tờ The Hill cho rằng, trong trường hợp hai bên cùng đạt được thỏa thuận tại Helsinki, Nga có thể sẽ cam kết hạn chế sự hiện diện của Iran ở khu vực gần biên giới Syria với Israel và Jordan. Đổi lại, Mỹ sẽ cho phép các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát khu vực này.
Đến nay, sau gần 7 năm của cuộc nội chiến, quân đội trung thành với ông Assad đã giành quyền kiểm soát đa phần lãnh thổ, trong khi các nhóm phiến quân do Mỹ hậu thuẫn thì lại "tan đàn xẻ nghé" hay thậm chí có những mối liên kết với khủng bố, làm Washington không ít lần đau đầu.
Công nhận Crimea là của Nga?
Crimea vẫn luôn là vấn đề trọng tâm trong mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo này trong một cuộc chưng cầu dân ý. Sự kiện này sau đó đã kéo theo hàng loạt biện pháp trừng phạt qua lại giữa một bên là Washington và đồng minh, một bên là Moscow.
Bán đảo Crimea nhìn từ trên cao. Ảnh: ITN |
Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Trump trong vấn đề Crimea có vẻ rất khác châu Âu hay những người tiền nhiệm. Hồi đầu tháng, ông Trump được cho là đã để ngỏ khả năng thừa nhận lập trường của Nga trong vấn đề Crimea trong cuộc gặp với ông Putin. Thậm chí, ông Trump còn nói rằng vùng lãnh thổ này thuộc Nga vì phần lớn người dân tại Crimea nói tiếng Nga.
Một trong những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới việc sáp nhập Crimea là Moscow bị loại khỏi Nhóm 8 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (G8). Tuy nhiên hồi tháng trước, ông Trump đã tuyên bố ngay tại hội nghị thượng đỉnh G7 rằng Nga nên được mời quay trở lại khối này vì lợi ích của thế giới.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tăng cường các cuộc tập trận và hiện diện quân sự ở khu vực Đông Âu sát nách Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea. Song, ông Trump mới đây đe doạ sẽ cắt giảm các hoạt động quân sự ở châu Âu nếu đồng minh không chịu chi thêm tiền cho NATO.
Nhiều nhà quan sát đánh giá, ông Trump có khả năng sẽ tuyên bố tạm ngưng các cuộc tập trận ở châu Âu nhằm khiến bầu không khí giữa Nga và Mỹ bớt căng thẳng hơn.
Dừng chạy đua vũ trang
Lí do khởi nguồn cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo chính là vấn đề chạy đua vũ trang giữa hai nước. Cả ông Trump và ông Putin đều cho rằng ưu tiên trong các cuộc gặp sẽ là vấn đề kiểm soát vũ khí.
Hai nhà lãnh đạo sẽ nỗ lực tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ảnh: ITN |
Như vậy, trong trường hợp đàm phán về các vấn đề nóng khác đổ bể, hai nhà lãnh đạo dường như vẫn sẽ đạt được một tầm nhìn chung trong việc kiểm soát vũ khí.
Những người ủng hộ cho vấn đề kiểm soát vũ khí cho rằng Tổng thống Trump có thể dễ dàng thuyết phục người đồng cấp Nga gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới thêm 5 năm cũng như sẵn sàng cam kết tiếp tục thực hiện Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF).
Được biết, các rào cản quốc tế liên quan đến INF sẽ hết hạn vào năm 2021. Nếu thỏa thuận mới không được ký kết thì Nga và Mỹ có thể sẽ dấn vào một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt, theo đó đặt cả thế giới vào thế nguy hiểm.
Tính đến tháng 2-2018,cả hai nước đã tuyên bố họ đã đạt tới giới hạn 1.550 đầu đạn chiến lược và 700 các vũ khí mang chúng, bao gồm các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trang bị cho tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược.