Giải mã cuộc chiến ngoại giao nhằm vào Qatar

Thứ Hai, 12/06/2017, 08:18
Sau quyết định của các nước GCC, Yemen, Egypt, Lybia và Mandives cũng đưa ra quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Liên đoàn Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống lại phiến quân Houthi ở Yemen cũng trục xuất Qatar khỏi liên minh này. Động thái này đẩy GCC lâm vào cuộc khủng hoảng chia rẽ sâu sắc nhất kể từ khi thành lập vào năm 1981...


Thế giới đang chứng kiến một cuộc chiến tranh ngoại giao chưa từng có trong lịch sử bang giao giữa các quốc gia, trong đó chính phủ  tất cả các nước trong cùng một “đại gia đình” mang tên “Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh”, viết tắt là GCC (Cooperation Council for the Arab States of the Gulf) gồm Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và United Arab Emirates (UAE), đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa các tuyến giao thông đường không, đường biển và một phần đường bộ với một thành viên của mình là Qatar.

Sau quyết định của các nước GCC, Yemen, Egypt, Lybia và Mandives cũng đưa ra quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Liên đoàn Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống lại phiến quân Houthi ở Yemen cũng trục xuất Qatar khỏi liên minh này. Động thái này đẩy GCC lâm vào cuộc khủng hoảng chia rẽ sâu sắc nhất kể từ khi thành lập vào năm 1981.

Quyết định chưa từng có này đã đẩy Vùng Vịnh tới trước hiểm họa một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn, thậm chí là chiến tranh. Có nhiều lý do mà Saudi Arabia và các quốc gia khác trong GCC đưa ra để giải thích về quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Arab Hồi giáo, ngày 21-5-2017, dưới sự chủ trì của Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố IS và Iran hình thành “trục tội ác”, còn Quốc vương Saudi Arabia tuyên bố “Iran là quốc gia tài trợ khủng bố”, thì Qatar lại đề nghị các nước nên giảm bớt sự chỉ trích nhằm vào Tehran và cần cải thiện quan hệ với Iran.

Trang mạng chính thức của Hãng thông tấn quốc gia chính quyền Doha đăng tải bài phát biểu được cho là của Quốc vương Qatar, ông Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani, về tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa Qatar và Mỹ, về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine và quan hệ với Iran. Chính lý do này có tác động như “giọt nước làm tràn li” đã châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ngoại giao của các nước Vùng Vịnh nhằm vào Qatar.

Trong khi đó, Qatar ra tuyên bố nêu rõ, lý do để các nước GCC ra tuyên bố chung chống Qatar là vô căn cứ mà không hề có cơ sở thực tế. Đồng thời, chính quyền Doha tuyên bố sẽ không đầu hàng trước cuộc chiến tranh ngoại giao trên đây.

Hiện có nhiều ý kiến đưa ra nhận định, cuộc chiến tranh ngoại giao này nếu không được tháo ngòi, có thể dẫn tới cuộc xung đột quân sự lớn ở Vùng Vịnh, thậm chí là một cuộc chiến tranh lớn tương tự như Chiến tranh thế giới lần thứ I.

Ở cấp độ chính khách, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Gabriel Sigmar cảnh báo các nước Vùng Vịnh tham gia cuộc chiến tranh ngoại giao chống Qatar rằng hành động thiển cận này có thể dẫn tới cuộc xung đột  quân sự quy mô lớn, thậm chí mở đầu cuộc chiến tranh khu vực.

Ở cấp độ chuyên gia, đáng lưu ý là bình luận viên Rafael Bustos trong bài viết đăng tải trên báo “El País” của Tây Ban Nha cho rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar không đơn thuần là cuộc  xung đột giữa các nước Arab mà có thể là tiền đề dẫn tới một cuộc chiến tranh lớn do Mỹ dàn dựng giữa các cường quốc dầu mỏ (Saudi Arabia, Qatar và Iran).

Ông Simon Henderson, Giám đốc chương trình chính sách Vùng Vịnh và năng lượng của Viện Chính sách Cận Đông ở Washington (Mỹ) đưa ra nhận định rằng, thế giới đang đứng trước bước ngoặt lịch sử tương tự như năm 1914 khi Thái tử nước Áo Archduke Franz Ferdinand bị ám sát một cách bí ẩn tại Sarajevo đã châm ngòi cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ I. Do đó, cuộc chiến tranh ngoại giao nhằm vào Qatar có thể làm bùng phát cuộc chiến tranh thế giới mới.

Theo ông, từ lâu các nước Hồi giáo dòng Sunni đã tìm lý do để gây chiến tranh với Iran và tình hình tại Qatar có lẽ là một cái cớ để họ quyết định tận dụng nhằm phát động một cuộc chiến nhằm vào Tehran. 

Theo chuyên gia Rafael Bustos, cuộc chiến tranh mới ở Vùng Vịnh, nếu xảy ra, sẽ làm suy yếu các cường quốc dầu mỏ và khí đốt, trước hết như Syria và Qatar, tạo điều kiện cho Mỹ vượt lên giành ưu thế trên thị trường năng lượng thế giới trong điều kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh chủ trương khai thác các mỏ dầu của Mỹ, đưa Mỹ vượt lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Ngoài ra, chiến tranh còn tạo ra thị trường vũ khí khổng lồ cho Mỹ ở Trung Đông. Đây là một trong những đòn bẩy kinh tế quan trọng để Tổng thống Donald Trump thực hiện chủ trương “Make America Great Again”. Trong điều kiện nước Mỹ chưa tìm ra cách thức thoát khỏi cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống từ năm 2008, thì một cuộc chiến tranh lớn ở Vùng Vịnh có thể là cứu cánh.

Lịch sử thế giới chứng tỏ, Mỹ đã từng thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng đầu thế kỷ XX bằng cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I, sau đó vượt qua cuộc đại suy thoái trong những năm 1930 bằng cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Trong khi đó, chính phủ nhiều nước trên thế giới đang kêu gọi các nước Vùng Vịnh và Qatar đối thoại để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Chính phủ Qatar đã kêu gọi các nước có liên quan tiến hành đối thoại cởi mở và trung thực để tháo ngòi nổ chiến tranh.

Lê Thế Mẫu
.
.
.