Đường đến Điện Kremlin lần thứ tư của Tổng thống Putin

Thứ Hai, 19/03/2018, 08:02
Trong gần hai thập kỷ lãnh đạo đất nước, Tổng thống Putin đã “chèo lái” con thuyền nước Nga trở lại vị thế của một cường quốc đứng đầu thế giới với nhiều thành tựu đáng nể và điều đó đã thể hiện cụ thể bằng số phiếu ủng hộ mà người dân Nga dành cho ông.

Sputnik ngày 19-3 dẫn kết quả bầu cử sơ bộ của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) cho biết ứng viên tổng thống Vladimir Putin đã giành được hơn 76% số phiếu ủng hộ sau khi 90% số phiếu được kiểm. Riêng tại Crimea, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông lên đến hơn 92%, một con số kỷ lục. Với kết quả này, ông Putin đã giành chiến thắng áp đảo trước các đối thủ để tiếp tục lãnh đạo nước Nga trong nhiệm kỳ 2018-2024.


Tổng thống Putin cám ơn người ủng hộ sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ. Video: RT

Có thể nói rằng, trên khắp thế giới, những người yêu hay ghét Tổng thống Putin đều phải công nhận, trong gần hai thập kỷ lãnh đạo đất nước, ông đã “chèo lái” con thuyền nước Nga trở lại vị thế của một cường quốc đứng đầu thế giới với nhiều thành tựu đáng nể và điều đó đã thể hiện cụ thể bằng số phiếu ủng hộ mà người dân Nga dành cho ông.

Đường đến Điện Kremlin lần thứ tư

Ông Vladimir Putin sinh ngày 7-10-1952 tại Leningrad (thành phố St. Petersburg ngày nay). Cha ông từng là thủy thủ tàu ngầm trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông tốt nghiệp đại học năm 1975 ở quê nhà và sớm trở thành điệp viện, phục vụ KGB ngay từ năm đó.

Tổng thống Putin cùng cha và mẹ trong một bức ảnh chụp năm 1985. Ảnh: Kremlin.

Trong những năm 1985-1990, ông Putin hoạt động tình báo tại thành phố Dresden, Đông Đức. Nhà lãnh đạo Nga từng tiết lộ khi đó ông phụ trách hoạt động của các nhóm tình báo Liên Xô ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin nhận định, nhiệm vụ chính của ông Putin là thu thập thông tin về khối quân sự đối địch NATO.

Putin đã tạm “nghỉ hưu” khi KGB bị giải thể vì Liên Xô sụp đổ với hàm Trung tá rồi hoạt động trở lại tại Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), cơ quan kế nhiệm của KGB trong một thời gian ngắn.

Không mất nhiều thời gian để thích nghi, ngay vào năm 1991, ông Putin đã bắt đầu con đường chính trị với công việc đầu tiên là làm cố vấn cho ông Anatoly Sobchak - Thị trưởng thành phố St. Petersburg. Một năm sau, ông đã chứng minh được năng lực vượt trội để trở thành Phó Thị trưởng.

Tới tháng 8-1996, ông đạt được bước tiến xa hơn trong sự nghiệp khi được bổ nhiệm làm Phó Phòng Quản lý tài sản cho Tổng thống Nga, giám sát các vấn đề liên quan tới luật và tài sản ở nước ngoài. Thời điểm này, ông Putin cũng chuyển tới thủ đô Moscow cùng gia đình. Vào năm 1998, ông Putin được Tổng thống Nga khi đó Boris Yeltsin giao nhiệm vụ điều hành FSB.

Tháng 8-1999, ông Putin được cựu Tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng Nga. Vài tháng sau, Tổng thống đầu tiên của nước Nga Boris Yeltsin bất ngờ từ chức và chuyển giao quyền điều hành đất nước cho vị thủ tướng trẻ tuổi.

Ông Yeltsin quyết định trao quyền điều hành đất nước cho ông Putin. Ảnh: Kremlin

Nhiều người sau đó nhận định, quyết định ủng hộ Putin lên làm Tổng thống Nga là một trong những hành động sáng suốt và đậm dấu ấn nhất của ông Yeltsin trong suốt thời gian lãnh đạo nước Nga.

Vào ngày 26-3-2000, Nga tổ chức bầu cử sớm với 11 ứng cử viên tham gia và ông Putin giành chiến thắng chung cuộc với tỷ lệ 53,4% tỷ lệ ủng hộ. Với chiến thắng này, ông Putin chính thức trở thành ông chủ Điện Kremlin.

Có thể nói, sự xuất hiện và nhanh chóng thăng tiến của ông Putin trên chính trường gây nhiều bất ngờ cho cả thế giới. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn nhậm chức, Tổng tự lệnh nước Nga đã chứng minh cho cả thế giới thấy khả năng “chèo lái” con thuyền nước Nga với những thành tựu rực rỡ. Vào năm 2004, Tổng thống Putin tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, lên tới 71,9%.

Do thời hạn của nhiệm kỳ Tổng thống Nga bị giới hạn, ông Putin đã không tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 3. Từ năm 2008 đến năm 2012, ông giữ chức Thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ của Tổng thống Dmitry Medvedev.

Ông Putin bước vào Điện Kremlin trong lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2012-2018. Ảnh: Kremlin

Dường như vận mệnh đã gắn ông với vai trò người dẫn đầu nước Nga. Vào năm 2011, Tổng thống Medvedev đề nghị đảng Nước Nga Thống nhất mở đường cho ông Putin quay lại ghế Tổng thống nhiệm kỳ thứ 3. Bên cạnh đó, Quốc hội Nga đã thông qua việc sửa Hiến pháp để nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài trong 6 năm, thay vì 4 năm. Tháng 3-2012, với việc đắc cử Tổng thống Nga nhờ 64% phiếu bầu của người dân, ông Putin đã được lựa chọn lãnh đạo nước Nga cho tới khi cuộc bầu cử vào năm nay.

Những thành tựu nổi bật

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông chủ Điện Kremlin cho rằng, thành tựu lớn nhất của ông trong quãng thời gian lãnh đạo nước Nga chính là thay đổi diện mạo nền kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

“Thành tựu lớn nhất là nền kinh tế của chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn. Nền kinh tế đã tăng gần gấp đôi về quy mô. Số lượng người dân sống dưới mức nghèo đã giảm đi một nửa”, Tổng thống Putin tuyên bố.

Nền kinh tế Nga phát triển dưới thời ông Putin. Ảnh: Getty Images

Vào thời điểm Tổng thống Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối với nợ công ở mức cao, tương đương 92,1% GDP. Tuy nhiên mọi con số đã thay đổi đáng kể trong 18 năm qua khi nợ công của Nga hiện giảm xuống chỉ còn 17,4% theo GDP và dự trữ ngoại hối tăng lên 356 tỷ USD.

Dự trữ vàng của Nga đã tăng hơn 500% kể từ năm 2000. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã bổ sung 9,3 tấn vàng vào kho dự trữ vào tháng 12-2017, nâng tổng sổ vàng dự trữ lên gần 1400 tấn.

Về xã hội, nhà lãnh đạo Nga cho biết, trong những năm 2000, dân số Nga liên tiếp giảm sút do tỷ lệ sinh tự nhiên giảm và số lượng người tử vong trẻ tuổi tăng mạnh. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn trong gần 2 thập kỷ qua.

"Trở lại thời điểm năm 2000, dân số của chúng tôi giảm gần một triệu người mỗi năm. Bạn có thể tưởng tượng ra quy mô của thảm họa đó không? Gần 900.000 người. Nhưng chúng tôi đã đảo ngược xu hướng này. Chúng tôi thậm chí còn đạt được tỷ lệ tăng dân số tự nhiên", Tổng thống Putin nói.

Tổng thống Putin giành được sự ủng hộ lớn từ giới trẻ Nga. Ảnh: TASS

"Chúng tôi hiện tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong rất thấp và đã giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ xuống gần như bằng không. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị và đang triển khai một chương trình quy mô lớn để hỗ trợ các bà mẹ và trẻ em. Tuổi thọ của chúng tôi cũng đang tăng lên với tỷ lệ cao”, ông Putin chia sẻ thêm.

Đó là về kinh tế - xã hội, còn về chính trị - đối ngoại, nhiều chuyên gia nói rằng, Tổng thống Putin chính là nhân vật đưa Nga trở lại vị trí chủ trốt trên các bàn đàm phán quốc tế - một cực mạnh trong thế giới đa cực.

Tổng thống Putin đã khiến cả thế giới sững sờ khi là cường quốc đầu tiên chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ và sáng kiến về một thế giới đơn cực do Mỹ làm bá chủ tại Hội nghị an ninh Munich 2007. Ông tuyên bố mô hình này cực kỳ nguy hiểm và không có gì gọi là đồng nhất với nền dân chủ mà Mỹ khẳng định.

“Chúng ta luôn được dạy về sự dân chủ… nhưng vì một số lí do nào đó, những người dạy chúng ta lại không muốn bản thân họ như vậy”, ông lên án Washington. Kể từ đó, ông Putin luôn để lại ấn tượng về một chính khách rất mạnh mẽ trong các vấn đề quốc tế và nhạy bén trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương.

Tổng thống Putin tại buổi lễ tuyên bố sáp nhập Crimea. Ảnh: TASS

Tới năm 2014, ông Putin đã khiến các nước phương Tây "không kịp trở tay" khi chấp thuận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, qua đó sáp nhập bán đảo này về Nga. Việc này tuy khiến nền kinh tế của Nga phải gánh chịu những đòn trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, song bản lĩnh của ông Putin đã được bộc lộ rõ qua cách ông chèo lái, xoay xở để đưa Nga vượt qua những khó khăn mà các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.

Đến năm 2015, Nga bất ngờ triển khai quân đến Syria theo lời đề nghị của Tổng thống nước này Bashar al-Assad, đánh dấu lần đầu tiên Nga tham gia một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở bên ngoài nước Nga. Chỉ sau hơn 2 năm, Tổng thống Putin tuyên bố với sự trợ giúp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria đã giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ Syria khỏi tay bọn khủng bố.

Người Syria tuần hành cám ơn Tổng thống Putin và nước Nga vì đã đánh đuổi khủng bố. Ảnh: Sputnik

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, chiến thắng ở Syria chính là món quà mà Tổng thống Putin dành cho nước Nga trên cả ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự. Đặc biệt, nó chính là lời khẳng định cụ thể nhất về vai trò của Nga trên trường quốc tế.

“Sự tham gia của chúng tôi tại Syria một lần nữa khẳng định vai trò của Nga như một cường quốc thế giới, mà không có chúng tôi, chẳng có vấn đề nghiêm trọng nào trên thế giới được giải quyết triệt để”, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko từng tự hào tuyên bố.


Thiện Nhân (Tổng hợp)
.
.
.